vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường cà phê đảo lộn, giá nhảy vô chừng

2021-06-20 16:53

Thị trường cà phê đảo lộn, giá nhảy vô chừng

Nguyễn Quang Bình

(KTSG Online) - Chừng mươi ngày qua, giá trên hai sàn cà phê phái sinh biến động dữ dội ngay trong từng phiên giao dịch. Tại sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh thường sử dụng để tham chiếu, có ngày biên độ giữa mức thấp và cao nhất đến gần 90 đô la Mỹ/tấn (8-6-2021), còn giao dịch mỗi ngày tăng/giảm từ 30-40 đô la/tấn là chuyện bình thường.

Trên sàn arabica New York cũng thế, mức độ biến động từ 100-150 đô la/tấn mỗi ngày (tương đương với 5-7 cts/lb) trở nên quen thuộc. Dù thị trường chưa có thông tin nào về thời tiết có thể ảnh hưởng đến yếu tố cung cầu, giá cà phê phái sinh vẫn chao đảo không ngừng, gây không ít hoang mang cho người sản xuất và kinh doanh mặt hàng này.

Chế biến cà phê nhân xuất khẩu tại Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Thị trường đảo lộn, do đâu?

Cà phê là một mặt hàng được tiêu thụ mọi lúc mọi nơi trên thế giới, khi nước này nghỉ đêm thì có nước khác thức dậy và nhiều người phải tìm ly cà phê để bắt đầu ngày sinh hoạt cho mình. Chính vì vậy, cà phê trở thành sàn thương phẩm có lượng hợp đồng giao dịch lớn nhất nếu so với các sàn nông sản. Nó cũng là một trong những sàn được giao dịch sôi nổi chỉ đứng sau thương phẩm dầu thô.

Cả hai sàn cà phê phái sinh chính lại sử dụng đồng đô la Mỹ để giao dịch nên chỉ cần nghe có một thay đổi nhỏ trong chính sách tiền tệ, hai sàn này rất dễ bị lung lay dù chưa biết thực hư.

Thị trường cà phê đang ở vào kỳ được cho là “kinh doanh theo thời tiết” vì Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới vào mùa rét, sương giá thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8. Cứ mỗi khi có dự báo rét đậm rét hại, giá cà phê đua nhau tăng cho đến khi “ông trời” không gây rét như dự đoán, giá đổ nhanh như xe đứt phanh khi xuống đèo. Dù vậy, giá nhảy tưng bừng thời gian qua không do yếu tố thời tiết tác động.

Thật vậy, phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dịp giữa tuần qua còn gây hiệu ứng lên giá không thua gì tin thời tiết.

Nhiều dự đoán về chính sách tiền tệ của Fed được mổ xẻ tận tường. Giới đầu tư và kinh doanh trên các sàn tài chính tính toán đủ thứ: nào là do lạm phát tháng 5-2021 tại Mỹ tăng 5%, nào là do Fed cung ứng tiền ra thị trường đến 120 tỉ đô la/tháng để mua trái phiếu trong chương trình kích cầu nay chắc phải “cuốn chiếu”, nào là cơ quan này e phải nâng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ sớm so với lãi suất hiện nay ở mức rất thấp từ 0-0,25%...

Thế là trong một cuộc chơi “đồng thanh tương ứng” mang tính bầy đàn, nhiều người đua nhau bán đô la để có khi chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) chỉ còn 89,50 điểm.

Nhưng chỉ sau phiên họp chấm dứt vào ngày thứ Tư 16-6, Fed công bố do tình hình kinh tế chưa ổn định sau đại dịch Covid-19, lộ trình tăng lãi suất được định phải đến cuối năm 2023 và chuyện cuốn chiếu kế hoạch cung ứng vốn hàng tháng mua trái phiếu cũng chưa được tính tới. Vậy là kế hoạch kinh doanh của nhiều người trên thị trường bị đảo lộn, họ quay lại mua đồng đô la, đẩy DXY lên trên 92,30 điểm vào ngày 18-6, mức cao nhất tính từ hơn hai tháng nay.

Điều làm các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa thương phẩm đau đầu là giá cả thị trường bị đảo lộn, chỉ trong vòng hai ngày cuối tuần, giá vàng giảm cả tuần mất 7%, bắp giảm 4%. Giá cà phê arabica cũng chung số phận, cả tuần giảm gần 5% giá trị.

Một số nhà phân tích còn tin rằng DXY còn mạnh thêm trong những ngày tới. Thứ mà người kinh doanh cà phê và mặt hàng khác đã lỡ mua trữ hoàn toàn không muốn nghe vì DXY càng tăng, càng ngăn trở đường lên của giá hàng hóa thương phẩm.

Giá cà phê robusta có ở yên?

Sàn cà phê robusta London không tránh khỏi lung lay mạnh giữa cơn gió dữ như trên các sàn giao dịch tài chính khác. Tuy vậy, sau mấy ngày chao đảo, nếu so sánh tuần với tuần của giá đóng cửa, sàn phái sinh robusta chỉ mất 3 đô la/tấn chốt tại 1.616 đô la Mỹ/tấn cơ sở giao dịch tháng 9-2021, chứ không như sàn arabica giảm đến gần 170 đô la/tấn.

Một số nhà xuất khẩu cà phê trong nước cho rằng giá sàn robusta trụ được chứ không mất nhiều là nhờ tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn London “teo” dần từ ba bốn tuần nay, hiện chỉ còn 153.184 tấn so với gần 160.000 tấn vào cuối tháng 5-2021.

Trong khi đó, lượng cà phê xuất đi từ Việt Nam không mạnh vì giá cước tàu biển chưa hạ nhiệt do hàng hóa xuất nhập khẩu đang ứ tại các đầu cảng. Đơn cử, tại một số cảng lên hàng ở miền Nam Trung Quốc do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, còn tại các cảng đến ở nhiều nước Âu Mỹ là do trước đây áp dụng lệnh phong tỏa, thiếu nhân công dỡ hàng.

Giữa những biến động rất thất thường trên sàn London, giá cà phê trên thị trường nội địa vẫn đứng tại mức cao. Đến sáng 20-6, một thương nhân tại Buôn Ma Thuột cho biết chị bán cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể, với mức 35,3 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, chị nói “không bán giá thấp hơn”. Dù cần tiền, nhà vườn từ chối bán mức thấp do giá cả vật tư, xăng dầu, phân bón đều tăng.

Tuy vậy, nếu như có thêm một đợt bán tháo trên các sàn tài chính do hiệu ứng của DXY cao hơn, giá London vẫn khó thoát mà phải theo trào lưu chung. Mặt khác, giá cà phê xuất khẩu loại 2 nay đang được trả mức trừ 100 đô la/tấn FOB hoặc thấp hơn nữa dưới giá niêm yết sàn London. Nếu như lấy giá đóng cửa phiên gần nhất của London là 1.616 đô la/tấn trừ cho 100 đô la, giá mua bằng tiền đồng Việt Nam chưa tới 35 triệu đồng/tấn (VND/USD 23.000).

Giá mua 35,3 triệu đồng thấy là phi lý nhưng thực ra đó là giá của những hợp đồng đã ký với mức cộng cao hơn giá niêm yết của sàn London. “Một khi các nhà xuất khẩu dùng hợp đồng mới với giá trừ thì bấy giờ chắc chắn giá cà phê nội địa không như bây giờ, trừ khi giá London tăng thêm 100-150 đô la nữa”, chủ doanh nghiệp ấy nói.

Xem thêm: lmth.gnuhc-ov-yahn-aig-nol-oad-ehp-ac-gnourt-iht/385713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường cà phê đảo lộn, giá nhảy vô chừng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools