Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện hơn 12.000 vụ, bắt giữ hơn 17.000 đối tượng, thu giữ: 290 kg heroin, 1,42 tấn ma túy tổng hợp (MTTH), 840 kg cần sa cùng nhiều phương tiện, tài sản... có liên quan.
Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04-Bộ Công an) đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh bắt giữ: 54 vụ, 155 đối tượng, thu giữ: 172 kg heroin, 1,1 tấn MTTH, bắt 10 đối tượng truy nã và hiện đang trực tiếp thụ lý điều tra 30 vụ án, 104 bị can.
Điển hình như chuyên án mang số HC421, lực lượng C04 chủ trì với hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, các lực lượng của Tổng cục Hải quan, an ninh hàng không, công an các địa phương triệt phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không, thu giữ 127 kg ma túy tuồn từ châu Âu về Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, trong các tuyến giao thông, hàng không là một trong những tuyến được kiểm soát an ninh rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua lợi dụng do dịch Covid-19, việc kiểm soát, hạn chế hành khách từ các nước ngoài vào Việt Nam, các đối tượng là người Việt đang cư trú ở các nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Bỉ,... đã lợi dụng đưa ma túy vào các hàng hóa ký gửi, chuyển phát nhanh, được giấu lẫn trong những hộp sữa, thực phẩm chức năng để tuồn về Việt Nam.
"Hình thức vận chuyển ma túy bằng đường hàng không như vậy rất khó khăn cho các lực lượng. Không phải riêng lực lượng C04, rất nhiều cục nghiệp vụ của Bộ Công an cũng như các đơn vị trong lực lượng hải quan, an ninh hàng không cũng tập trung đấu tranh và có phát hiện ra ma túy, nhưng để làm rõ được các đối tượng thì cơ bản không làm rõ được", Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện chia sẻ.
Cục trưởng C004 nêu mấy lý do khó khăn trong việc đấu tranh với tội phạm ma túy vận chuyển qua đường hàng không, như: Địa chỉ người gửi ma túy từ châu Âu là giả, số điện thoại cũng ảo; chúng thông qua các công ty chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy, sau đó, người đến nhận hàng cũng là người được thuê, như Grab, các công ty logistics.
"Nếu chúng ta không có biện pháp nghiệp vụ, không có thời gian dài sử dụng nghiệp vụ để xác minh đấu tranh thì khó làm rõ được. Nếu có bắt được thì cũng chỉ là người được thuê nhận hộ, người nhận cũng là do vô tình được thuê. Thực tế có cục nghiệp vụ đã bắt được đối tượng nhận hàng là sinh viên năm thứ nhất, người này khai cứ nghĩ là người yêu tặng gói hàng mỹ phẩm được người quen ở Đức chuyển về, nhưng bên trong lại là ma túy", Cục trưởng C04 chia sẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết thêm, do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực làm cho tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không…
Ngoài tuyến hàng không như nói ở trên, Cục trưởng C04 cho biết, việc đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường sắt, đường bộ, đường biển cũng rất khó khăn.
Trên tuyến Tây Bắc, thời gian qua đã được các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh nhưng gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ, chúng thường xuyên thay đổi hướng vận chuyển để trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM, các tỉnh trọng điểm phía Nam và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia diễn biến hết sức phức tạp, trở thành "địa bàn nóng" về tội phạm ma túy của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây có cả Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ biến Đông Nam Á trở thành trọng điểm ma túy toàn cầu.
Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi.
"Tội phạm buôn ma túy xuyên lục địa sử dụng cả tàu ngầm. Trong khi ngoài biển, lực lượng chức năng còn rất mỏng", Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá.
Ngoài ra, Cục trưởng C04 cho biết thêm, hiện nay xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội.
"Tội phạm đang lợi dụng triệt để khoa học công nghệ, đặc biệt là Internet và những thiết bị chúng ta chưa kiểm soát được để mua bán, vận chuyển ma túy", thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nói.
Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện xu hướng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong" sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.
Nguyễn Dương