Tôi bật cười bảo anh ta: “Ấy chết, không dễ đâu ông, làm thần tượng như người đi vay, lúc nào cũng phải nơm nớp lo trả. Nợ ấy không phải nợ bạc tiền, nợ ấy là nợ sự kì vọng, tin tưởng, nợ suốt đời, đâu có dễ dàng gì? Như chúng ta, phấn đấu cả đời mà vẫn còn bị vợ chê ỏng, chê eo thì lấy đâu ra người hâm mộ?”.
Câu trả lời ấy của tôi hình như không làm anh thỏa mãn. Ít hôm sau gặp lại, anh đưa ra một lập luận: “Ông nhầm, chỉ có người hâm mộ là nơm nớp lo mất thần tượng chứ thần tượng chả phải lo nghĩ gì. Đấy, cái ông nghệ sĩ hay búi tóc đấy, ôm tầm ấy tỉ đồng ủng hộ rồi ngủ ngon, trong khi các fan của ông ta thì cứ ra sức thanh minh, giải cứu thần tượng của mình khỏi cái hạn bị vạch trần. Mà lắm người sống cũng có vấn đề, cũng chồng chê, vợ bỏ mà ra đường vẫn đắt show đấy thôi”.
HLV Park Hang-seo nhiều lần nhận thẻ phạt khi có phản ứng bảo vệ học trò để thể hiện tình cảm như một sự gắn kết trong đội bóng (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Câu chuyện phiếm ấy bỗng thành dở dang bởi những ngày giãn cách xã hội không thể gặp gỡ ở những cuộc cà phê, trà đá, không có sự kiện âm nhạc hay chương trình giải trí nào được triển khai. Có lúc, tôi ngồi một mình bên ly cà phê tự pha và tự hỏi: Nếu ai cũng độc lập, tự phục vụ mình từ việc nhỏ nhất là ly cà phê như thế này, liệu có cần thần tượng và có còn thần tượng nữa hay không?
Thật ra, nếu nhìn vào list các nhân vật được gọi là người nổi tiếng mà dư luận nhắc đến gần đây, thử hỏi đã mấy ai trong chúng ta kịp thưởng thức tài nghệ của họ đến độ si mê và thần tượng họ. Đa phần, chúng ta biết đến họ bởi tin vào hiệu ứng truyền thông, vào sự rôm rả trên mạng xã hội.
Đêm ngày 11 tháng 6, sau trận cầu nghẹt thở với Đội tuyển bóng đá Malaysia ở vòng loại Word Cup 2022, khu vực châu Á, Huấn luyện viên Park Hang-seo phải nhận thẻ vàng vì lỗi phản ứng sau pha phạm lỗi của cầu thủ đội bạn với tuyển thủ Nguyễn Phong Hồng Duy. Đây không phải lần đầu tiên vị chiến lược gia xứ Kim chi này phải nhận thẻ và cũng không ít lần người xem đồn đoán về nguyên nhân của sự việc đó.
Họ đưa ra những lí do khác nhau. Nào là, ai cũng có lúc nóng nảy; nào là, một hành động có ý đồ của ông thầy này. Suy cho cùng, dù đó là những phản ứng nóng nảy, bột phát hay là một chiêu của một nhà cầm quân chuyên nghiệp thì đều có một đáp án chung: Hành động ấy khiến ông chiếm được cảm tình của học trò, ông chính là ngôi sao duy nhất của đội bóng.
Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là vì sao Huấn luyện viên Park cần nổi tiếng, sự nổi tiếng ấy giúp ông có được điều gì? Phải chăng đó là sự gia tăng “từ trường” cho thanh “nam châm” đoàn kết của tập thể đội tuyển mà ông đã xây dựng. Học trò càng cảm mến ông, càng có ý thức tuân thủ chiến thuật và hết mình vì màu cờ, sắc áo. Điều ấy có nghĩa là muốn làm được thần tượng, ông phải là người hi sinh quyền lợi của mình. Một cái giá để trở thành người nổi tiếng nhưng nó lại mang một ý nghĩa tích cực.
Có một nghịch lý khó tin giữa thời 4.0 đó là: mặc dù khi bạn đăng kí một tài khoản cá nhân với mục đích giải trí, bạn phải xác minh khá nhiều thông tin. Ấy vậy mà, lại xuất hiện những nhân vật không tên trên mạng xã hội với sức lan tỏa rất lớn.
Vào những ngày cuối tháng 5, khi đoàn y, bác sĩ của Bệnh viên Công an 19-8 lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang, hình ảnh nữ bác sĩ xinh đẹp Đ.T.H cùng các đồng nghiệp khi đang ngồi trên xe đã được cộng đồng chia sẻ khá nhiều. Hay như hình ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu cạo trọc đầu trước khi lên đường cùng đoàn đi chi viện Bắc Giang.
Chính tinh thần chiến đấu chống dịch của họ đã đem lại sự yêu mến. Khi “hữu xạ tự nhiên hương”, những giá trị đích thực sẽ là mẫu số chung của những giá trị tinh thần, không còn là chân dung của một người mà trở thành giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Mong rằng sau khi quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc nghệ sĩ sẽ nhận ra giá trị của sự nổi tiếng và có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình. |
Từ những góc nhìn tham chiếu về sự nổi tiếng ấy, người viết đặt ra nhiều thắc mắc và cũng chính là những suy ngẫm:
1.Trong thời đại bùng nổ thông tin, người nổi tiếng chính là một phép thử với mỗi chúng ta. Có thế, nhiều người sẽ cho rằng nhận định này đâu có gì mới bởi đã từng có câu ngạn ngữ: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào". Nhưng, giữa người bạn giao du, kết nối và người bạn thần thượng lại có những điểm khác biệt. Sau những lùm xùm về tiền từ thiện, về việc dùng hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, liệu mấy ai sẽ còn ca ngợi thần tượng bấy lâu của mình trước mặt người khác?
Công bằng mà nói, tài năng của họ là điều chúng ta luôn trân trọng và ghi nhận, còn những sai lầm cần được khắc phục bằng các mực độ khác nhau. Nhưng qua việc tẩy chay lạnh lùng của nhiều người vốn là fan ruột của các ngôi sao làng giải trí cho thấy làm người nổi tiếng đôi khi cô đơn, đôi khi ít bạn bè hơn chúng ta tưởng.
Chẳng cần nói đâu xa, trong lần trả lời phỏng vấn trang chủ Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA), gần đây, cầu thủ Trọng Hoàng (CLB Viettel) đã nói: “Chúng tôi đang mang cả sứ mệnh của dân tộc”. Ngay sau đó anh nhận rất nhiều chỉ trích của dư luận trên mạng xã hội như: “đầu độc không khí thể thao”, “đừng nhét chữ vào mồm thế hệ trẻ”…
Hẳn là khi Trọng Hoàng ghi bàn hay góp công giúp Đội tuyển Việt Nam chiến thắng, chủ nhân của những ý kiến ấy cũng đã từng hò reo, được thụ hưởng những hiệu ứng cảm xúc tích cực mà anh mang lại. Trong câu nói này, Trọng Hoàng chỉ muốn nói: Các anh mang sứ mệnh hiện thực hóa khát vọng của thể thao chân chính. Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu người từng là fan hâm mộ chịu lắng nghe, suy ngẫm về câu nói của anh? Đơn giản vì họ không phải là bạn của Trọng Hoàng như trong câu ngạn ngữ trên, họ chỉ cần thần tượng anh trong những thời điểm nhất định vì những động cơ của họ.
2. Người nổi tiếng phải là một nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống. Thực ra, danh tiếng và sự đình đám luôn có sự khác biệt. Còn nhớ mấy năm trước, anh chàng Lệ Rơi bỗng trở nên nổi tiếng mà không hề có một tài năng nào vượt trội. Thật ra anh chàng này là sản phẩm của "Internet phenomena" (hiện tượng mạng), kiểu như đã từng xảy ra trên thế giới với William Hung tại American Idol mùa thứ 3 năm 2004; David after dentist trên YouTobe… họ là những hiện tượng khó lý giải và đương nhiên không thể là một năng lượng tích cực có sức lan tỏa. Nếu một xã hội chỉ có những thần tượng ấy sẽ là một nền văn hóa trống rỗng.
3. Cái giá của sự nổi tiếng chính là sự âm thầm. Hãy quan sát cách sống của những danh thủ bóng đá, những diễn viên lừng danh. Có nhiều người khi ra đường còn phải che kín khuôn mặt, phải né tránh phóng viên, người hâm mộ khi rời sân cỏ… Họ cần một khoảng lặng, chấp nhận và biết sống với sự sâu lắng để tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Đó là một sự trả giá âm thầm, nhưng cũng đáng trọng nhất. Nó đối lập hoàn toàn so với những thành quả sáng tạo mà báo chí và dư luận nhắc đến, nó cũng là tiêu chí để phân biệt người nổi tiếng chân chính so với những nhân vật đình đám.
Người nổi tiếng, thần tượng hay ngôi sao không chỉ là danh xưng mà còn là một sứ mệnh. Người nắm giữ sứ mệnh ấy phải là người biết tạo ra sự lan tỏa và âm thầm thu nạp về mình những trăn trở như cách mà Abra ham Lincoln đã suy nghĩ trong cuộc sống: “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào”. Người nổi tiếng có những sự trả giá âm thầm ẩn sâu bên trong cách sống, cách tư duy. Bởi thế, làm một người nổi tiếng thật sự trong cuộc sống hôm nay lại không hề đơn giản…
Phương ViệtXem thêm: /059326-aig-nahk-tuh-ed-iom-iod-cul-oN/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv