Sáng ra hẻm bỗng giăng dây - Ảnh: LAN PHƯƠNG
Từ cuối tháng 5 vừa qua, dù công ty đã cho làm việc tại nhà nhưng vốn là người mê việc, tôi vẫn xin suất làm việc tại văn phòng. Thế rồi cuối tuần đầu tháng 6, thấy dịch bùng phát dữ quá, tôi nghĩ chắc phải làm việc tại nhà 100% thời gian rồi.
Sáng thứ bảy tôi hẹn chị giúp việc trong xóm sang dọn nhà, định chiều đi siêu thị mua đồ ăn cho một tuần, rồi đưa bé con đi phơi nắng trong hẻm và quay về. Tới 11h thì chị giúp việc gọi tôi hớt hải: "Nhà chị giăng dây rồi mà! Chú công an phường đứng đây nè!".
Tôi ngơ ngác ra cổng, ngó sợi dây giăng mà vẫn nghĩ à, hai nhà chỗ giăng dây có F1, chắc người ta chặn đó để phun thuốc khử trùng. Tôi gọi cô chủ nhà sống kế bên, còn hỏi chứ nhà có F1 là nhà ai đấy. Cô bảo ơ, nhà đối diện mình có F0 chứ, là nhà bác Bảy mà!
Giật cả mình, bác Bảy là chủ nhà cũ tôi thuê trước khi qua nhà này. Ông bà Bảy hiền lành, có tầm 5-7 phòng cho thuê dạng căn hộ dịch vụ, và một anh thuê nhà là F0 từ chuỗi lây quận 5. Cũng may là hồi chưa bùng dịch, bọn trẻ con trong xóm hay chạy chơi chung nhưng dạo này bọn nhỏ phải bỏ luôn thói quen đó, cho nên tôi cũng tạm yên tâm.
Cái hơi lạ lẫm là khái niệm "ở nhà 100%", tôi vốn hay đi, sáng ra phải ngồi cà phê, chí ít mua mang đi, rồi lên văn phòng ngồi ngó xuống đất cũng được, bây giờ chỗ xa nhất là cách nhà 50 mét, tới sợi dây giăng.
Rất nhanh chóng, một tấm bạt căng lên tựa vào bờ tường của căn nhà có dây giăng, garage nhà đối diện được trưng dụng, hai cái bàn lớn được kê lên làm chỗ giao nhận hàng, để mấy chai cồn. Mấy anh chị mặc đồ xanh huyền thoại trên các bản tin đọc hằng ngày, nay đã đứng đầy trong hẻm.
Người thì mang bình đi xịt khuẩn, người thì kê bàn ghế, chuẩn bị ống nghiệm lấy mẫu. Trong bộ đồ kín mít đó, họ tới từng nhà phát phiếu điền thông tin, bắc loa gọi tên ra lấy mẫu và cũng nhanh chóng gom mẫu đem đi, chưa đầy trong 2 tiếng.
Chiều đó trời đổ mưa, tôi ra ngóng thì một anh công an, một anh dân phòng ngồi dưới bạt, số còn lại chắc ở trong garage.
Sáng hôm sau, anh công an khu vực và hai anh dân phòng cùng bác tổ trưởng tổ dân phố gần 80 tuổi đi tới từng nhà. Anh công an đẩy cái xe đẩy hàng, cho mỗi nhà 1 bó rau, 1 ký thịt heo, 1 ký ổi.
Cả xóm có một group Zalo để cập nhật tình hình, Hội phụ nữ phường nhắn bác tổ trưởng rằng từ thứ bảy, hẻm sẽ có phiên chợ 0 đồng và mỗi thứ hai, tư, sáu hằng tuần để bà con có đồ ăn tươi.
Những thứ đồ còn thiếu, tôi viết tay lên một mảnh giấy chuyền ra, và một cậu thanh niên (chắc là thanh niên tình nguyện ở phường) chạy đi mua giúp.
Từ trong khu cách ly tập trung, cô chủ nhà cũ nhắn tin hỏi thăm cả xóm. Thỉnh thoảng, đứng bên bancông nhà mình, tôi chụp hình nhà cô gửi cho cô. Cô nói chú hàng xóm nhận lời tưới cây giùm, cả nhà trong khu cách ly tập trung đều ổn, chỉ thấy có lỗi với cả xóm.
Tôi bảo cả xóm chỉ lo cho nhà cô thôi, vì có hai đứa bé còn nhỏ quá mà phải ở trong đó, chứ nào có ai muốn đâu.
Chiều thứ bảy, tôi tính ra hái bông lài thì thấy bịch thịt heo treo trước cổng. Đang loay hoay, bác tổ trưởng tóc bạc đi ngang, tay cầm bó rau dền, bảo: "Bác kêu cửa mà không thấy con nên bác để bịch thịt, của phường gửi. Ngoài kia có rau, thôi con lấy bó này đi, bác ra lấy bó khác, con có con nhỏ nên hạn chế ra ngoài". Bác để lại bó rau, lại đi bộ ra phía dây giăng.
Phiên chợ 0 đồng ở khu phố tôi do Mặt trận phường và các chị trong Hội phụ nữ phụ trách. Sáng thứ hai, con bé ra hẻm chơi bong bóng xà phòng, tôi nhìn các chị chạy xe máy, người chở giỏ nhựa, người chở thùng cactông, người mang bàn xếp, nhanh chóng tạo thành một phiên chợ tạm.
Phiên chợ phần nhiều là rau củ, trái cây, rau gia vị và trứng. Mỗi phiên chợ kéo dài tầm 2 tiếng, số rau còn lại sẽ để dồn vào một giỏ chờ nhà nào chưa lấy, còn các chị, chắc là đi "lập chợ" ở một khu giăng dây khác.
Mà phải nói cho tới lúc này, tôi cũng không biết mỗi tuần hai lần, tôm tươi, thịt heo, trái cây mà anh công an khu vực đẩy xe đi phát là của ai cho nữa, chỉ biết là từ ngày giăng dây, chưa có ngày nào phải sống thiếu thực phẩm cả.
Người bên trong dây giăng khó nhất là hạn chế việc đi lại, không được gặp người quen, nhiều công việc phải hoãn lại, nhưng tôi nghĩ người đứng ngay sợi dây giăng mới là người thật sự vất vả.
Họ vừa đối diện với nguy cơ dịch bệnh do tiếp xúc với rất nhiều người, vừa phải trấn an mọi người, vừa làm "giúp việc - vú em", và những đêm mưa gió, họ nằm trên những chiếc giường xếp như người vô gia cư...
Thương làm sao!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Cuộc thi viết do Ban Dân vận cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, báo Tuổi Trẻ thực hiện được phát động hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm thành lập Ban Dân vận Thành ủy.
Xem thêm: mth.67882111122601202-gnaig-yad-ios-neb-iougn-gnuhn-uad-neyut-ion-iougn-hnit/nv.ertiout