Ngày 22/6, Hội đồng quản trị VPBank ra nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền của cổ đông.
Cụ thể, VPBank sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Quyết định này của Hội đồng quản trị VPBank được đưa ra chỉ 2 tháng sau khi ngân hàng họp Đại hội cổ đông và thống nhất năm nay không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
VPBank sẽ chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông vào ngày 13/7/2021.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, VPBank có 17.415 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Sau khi lãi thêm 3.200 tỷ đồng quý 1/2021, số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/3/2021 đã tăng lên 20.617 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo VPBank cho biết, sở dĩ ngân hàng chưa thể trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, chia cổ tức trong năm nay bởi nếu tăng vốn, ngân hàng phải có sẵn trong tay "tiền tươi thóc thật" thì mới có thể trình Ngân hàng Nhà nước thông qua. Tuy nhiên, thời điểm đại hội cổ đông diễn ra, các phương án bán 49% vốn FE Credit cho SMBC và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đều chưa hoàn tất, "tiền tươi" chưa có nên chưa thể trình phương án tăng vốn điều lệ.
Cũng theo chia sẻ tại Đại hội cổ đông, lãnh đạo VPBank cho biết cuối năm nay mới xây dựng phương án tăng vốn điều lệ, để đến năm 2022 tăng lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng, gấp 3 lần hiện tại (25.300 tỷ đồng).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu VPBank có giá 66.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Một trong những động lực tăng giá chính là việc bán vốn tại FE Credit cho SMBC.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị