Dự luật Vì Nhân dân (For the People Act) - được chính quyền Biden và đảng Dân chủ bảo trợ -cần 60 phiếu thuận để vượt qua vòng bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ ngày 22/6 nhằm đưa dự luật ra thảo luận chính thức, nhưng đảng Cộng hòa đã ngăn chặn thủ tục này.
Tờ Washington Examiner cho biết, tất cả 50 Thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu nhất trí bắt đầu phiên thảo luận dự luật Vì Nhân dân, trong khi toàn bộ 50 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống.
Thất bại lớn đầu tiên của ông Biden trước đảng Cộng hòa
Dự luật kể trên là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ Mỹ và Nhà Trắng cũng tỏ rõ tầm quan trọng của nó khi cử Phó Tổng thống Kamala Harris chủ trì cuộc tranh luận ở Thượng viện, dù bà không có quyền biểu quyết về dự luật.
Dự luật Vì Nhân dân gồm hơn 800 trang đưa ra những sửa đổi về quy định tài chính của chiến dịch tranh cử, cấm những yêu cầu về xác định nhân thân (ID) đối với cử tri, kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm, cải tổ phân chia khu vực và cho phép thu thập phiếu bầu.
Đảng Dân chủ tin rằng dự luật sẽ ứng phó với những quy định mới về cử tri được thông qua ở Georgia, Montana cùng một số bang khác, mà họ cho rằng sẽ gây khó khăn cho người đi bỏ phiếu bởi cử tri được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân.
Lãnh đạo đa số Thượng viện, nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, chỉ trích những quy định siết chặt trên là "các đạo luật chèn ép cử tri nhất trong 80 năm". Ông tuyên bố luật Vì Nhân dân sẽ vô hiệu hóa những điều chỉnh của các bang này.
Các đảng viên Dân chủ đã thúc giục phe Cộng hòa bỏ phiếu chấp thuận, ít nhất là để cho phép dự luật được đưa ra tranh luận.
"Họ thậm chí còn không muốn tranh luận về nó vì họ sợ hãi," ông Schumer nói. "Họ muốn bác bỏ quyền bỏ phiếu, làm cho rất nhiều cử tri Mỹ gặp khó khi bầu cử."
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell là người dẫn dắt phe Cộng hòa chống lại dự luật Vì Nhân dân ngày 22/6/2021 (Ảnh: AP)
Trong khi đó, đảng Cộng hòa lập luận rằng gói giải pháp mà phe Dân chủ bảo trợ sẽ trao cho chính phủ liên bang quyền kiểm soát đối với các cuộc bầu cử, mà hiện nay vốn được các địa phương tự mình quản lý.
Họ cũng phản bác cáo buộc những quy định mới của các bang nhằm gây khó khăn cho cử tri, và cho rằng quy định đưa ra để tăng cường tính toàn vẹn của bầu cử và giảm tình trạng gian lận cử tri.
Phe Cộng hòa cáo buộc dự luật Vì Nhân dân có thể tạo kẽ hở cho gian lận cử tri và tạo ưu thế cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tương lai, một phần bằng cách thay đổi Ủy ban Bầu cử Liên bang thành một cơ quan mang tính đảng phái.
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện, nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell gọi dự luật là "kế hoạch đảng phái rõ ràng của những người Dân chủ nhằm xoay chuyển tất cả các cuộc bầu cử ở Mỹ theo hướng vĩnh viễn có lợi cho họ".
Vũ khí điên rồ nhất ở Thượng viện Mỹ
Tờ Washington Times mô tả, nỗ lực thúc đẩy dự luật Vì Nhân dân đã thất bại bởi đảng Dân chủ với 50 Thượng nghị sĩ không thể tự mình kiếm đủ 60 phiếu để vượt qua cuộc bỏ phiếu thủ tục. Dù vậy, một cuộc filibuster do đảng Cộng hòa dẫn dắt chính là "nguyên nhân trực tiếp" của thất bại.
Filibuster là thủ tục nổi tiếng và được mô tả là "điên rồ" tại Thượng viện Mỹ, trao cho các nghị sĩ quyền được phát biểu cho đến khi kiệt sức. Nó cũng được dùng để chỉ việc tranh luận không giới hạn (unlimited debate) về thời gian, chủ đề,... giữa các nhà lập pháp.
Filibuster đã gây ra nhiều tình huống bi hài tại Thượng viện Mỹ, khi các thượng nghị sĩ không được ngồi, sử dụng hỗ trợ từ bên ngoài và không được phép ngừng nói. Việc nói không ngừng nghỉ này cho phép họ chiếm lấy khoảng thời gian cuối phiên họp Quốc hội và chặn đứng sự phản biện của phe đối lập.
Thủ tục này được coi là vũ khí đáng sợ mà các đảng phái sử dụng nhằm "tiêu diệt" chương trình lập pháp của đối thủ, bằng cách khiến nó không thể đưa ra thảo luận trong các phiên họp.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ giới thiệu dự luật Vì Nhân dân vào ngày 19/1/2021 (Ảnh: GETTY IMAGES)
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng trở thành "nạn nhân" của 12 cuộc tấn công filibuster từ phe Cộng hòa trong hai nhiệm kỳ.
Trường hợp điển hình là Dự luật Việc làm Mỹ (American Jobs Act) nằm trong kế hoạch của Obama đệ trình Quốc hội Mỹ tháng 9/2011. Tổng thống dành gần 40 phút để trình bày tầm quan trọng của gói giải pháp trong việc kích thích nền kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, dự luật rơi vào bế tắc khi đảng Cộng hòa phản đối bằng filibuster và khiến dự luật thất bại khi bỏ phiếu với kết quả 50-49.
Trong trường hợp mới nhất ngày 22/6, việc đảng Cộng hòa tấn công dự luật Vì Nhân dân bằng filibuster cho thấy đảng Dân chủ cần phải sửa đổi dự thảo nhằm giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ đối lập.
Những người Cộng hòa chỉ trích phe Dân chủ không đưa ra bất kỳ quyết định nghiêm túc nào để làm việc với họ về một dự luật lưỡng đảng, và tuyên bố sẽ không có cơ hội nào để dự luật được thông qua trong Thượng viện khi tỷ lệ kiểm soát là 50-50.
Tổng thống Biden giận dữ
Ngay sau thất bại của đảng Dân chủ ở Thượng viện, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng cáo buộc đảng Cộng hòa là bao che những nỗ lực chèn ép cử tri.
"Ngày hôm nay, đảng Dân chủ tại Quốc hội đã nhất trí cùng nhau để bảo vệ quyền bầu cử thiêng liêng...," ông Biden nói.
"Đáng tiếc là lập trường bảo vệ nền dân chủ của đảng Dân chủ đã vấp phải bức tường Cộng hòa sắt đá. Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện thậm chí phản đối cả việc tranh luận..."
Ông Biden và đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng một khuôn khổ liên bang về bầu cử là cần thiết, sau khi Georgia cùng các bang khác siết chặt quy định bầu cử, xuất phát từ những cáo buộc gian lận liên quan cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Hồi tháng 3, Tổng thống gọi luật an ninh bầu cử của bang Georgia là một trường hợp "Jim Crow trong thế kỷ 21" - đề cập đạo luật Jim Crow về thi hành phân biệt chủng tộc tại Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Biden cho biết ông sẽ "có nhiều điều để nói hơn" trong cuộc đấu tranh cho dự luật Vì Nhân dân vào tuần sau.
"Hãy để tôi nói cho rõ. Cuộc đấu tranh này còn lâu mới kết thúc. Tôi đã gắn kết với công việc này trong cả sự nghiệp của mình, và chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để một lần nữa khắc phục [trở ngại]," ông nói thêm.
Theo CNBC, dự luật Vì nhân dân có rất ít cơ hội hồi sinh tại Thượng viện hiện nay. Ít nhất hai nghị sĩ Dân chủ - Joe Manchin và Kyrsten Sinema - phản đối việc tìm cách loại bỏ thủ tục filibuster, qua đó cho phép phe đa số đơn phương thông qua dự luật.
Một số nhà lập pháp Dân chủ đã thúc giục đảng này từ bỏ quy tắc 60 phiếu đa số - mà họ thỏa thuận với đảng Cộng hòa để vượt qua thế bế tắc chia sẻ quyền lực lưỡng đảng hồi đầu năm.
Manchin tỏ thái độ rằng ông sẽ phản đối thông qua dự luật của đảng Dân chủ và mong muốn đạt được một chương trình lập pháp có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Ông Manchin mới chỉ đồng thuận với các đồng minh trong đảng trước phiên họp ngày 22/6, khi Schumer xác nhận sẽ đưa các đề xuất của ông liên quan đến yêu cầu danh tính cử tri vào trong dự luật.