Kỹ sư Võ Anh Hùng tại phòng làm việc - Ảnh:TBD
Những năm 2014, ngành điện được Tập đoàn ABB Oy của Thụy Sĩ (chuyên về robot, điện, thiết bị điện nặng và công nghệ tự động hoá) chuyển giao phần mềm MicroSCADA SYS600 9.4 để điều hành hệ thống điện. Tuy nhiên, quá trình sử dụng phần mềm này đã phát sinh nhiều vấn đề.
Cản trở lớn nhất khiến các kỹ sư phải mất rất nhiều thời gian để sử dụng, vận hành là việc đối tác không cung cấp tài liệu hướng dẫn, tài liệu đào tạo nên không khai thác được hết các tính năng ẩn dấu.
Muốn đào tạo, chuyển giao thì phải… chi tiền
3 kỹ sư đồng ý tưởng đã "thuần hoá" được phần mềm từ Thụy Sĩ là Võ Anh Hùng, Thái Văn Trương, Nguyễn Đình Đức.
Ông Võ Anh Hùng - hiện là phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam - cho biết trong lĩnh vực tự động hóa MicroSCADA SYS600 được đánh giá khá cao. Đây là phần mềm sử dụng phố biến trên thế giới, bảo mật cao. Tuy nhiên việc vận hành mất nhiều thời gian và việc đơn vị sở hữu phần mềm "đòi chi tiền" thì mới đào tạo sử dụng các tính năng đã thôi thúc các kỹ sư mày mò.
"Đây là phần mềm có độ mở rất lớn và có khả năng giải quyết được rất nhiều việc. Điện lực Quảng Nam quản lý tới 410 ngàn khách hàng, lượng công tơ điện và điểm giao cắt dày đặc đặt ra yêu cầu tự động hóa cao nhằm hạn chế sức lao động của cán bộ nhân viên. Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị đối tác mở thêm các công cụ tích hợp thì họ đòi mỗi năm phải trả hơn gần 700 triệu đồng cho tổng cộng 20 giờ đào tạo. Với ngành điện, đây là một con số không đơn giản" - ông Hùng nói.
Phòng điều hành hệ thống điện trên toàn tỉnh tại Điện lực Quảng Nam - Ảnh: TBD
Năm 2019, trước động lực số hóa toàn bộ công việc của ngành điện, ông Hùng cùng kỹ sư Thái Văn Trương, Nguyễn Đình Đức quyết tâm mày mò nghiên cứu để bắt hệ thống MicroSCADA SYS600 "đẻ" thêm các tính năng phục vụ công việc.
Theo ông Hùng, việc trao đổi dữ liệu từ trung tâm điều khiển tới các điểm nút trên hệ thống điện thời điểm này luôn gặp trục trặc bởi lượng dữ liệu khổng lồ, khách hàng đông cùng điểm nút dày. Nhiều lúc hệ thống điều khiển quá tải, tê liệt, ảnh hưởng tới việc vận hành, đóng cắt.
"Chứng kiến cái ảnh anh em công nhân ngành điện mỗi khi có sự cố phải cầm cây sào đèo nhau chạy xe máy tới trạm biến áp đóng cắt cầu dao vừa nguy hiểm, vừa mất thời gian, lại rất thô sơ nên chúng tôi quyết tâm phải mở bằng được tính năng mới từ phần mềm" - ông Hùng nhớ lại.
Thành quả của bàn tay, sáng tạo kỹ sư ngành điện
Năm 2020, trong rất nhiều sáng kiến được ngành điện tuyên dương thì ứng dụng mở thêm tính năng từ phần mềm MicroSCADA SYS600 phục vụ theo dõi trao đổi dữ liệu giữa các điểm nút kết nối về hệ thống SCADA tại trung tâm điều khiển Quảng Nam của nhóm kỹ sư Võ Anh Hùng đã được vinh danh.
Theo tính toán sơ bộ, với việc "bẻ khoá" và bắt một phần mềm tổng phải phát huy một tính năng còn ẩn dấu đã làm lợi hàng tỉ đồng cho ngành điện.
Phòng điều hành hệ thống điện trên toàn tỉnh tại Điện lực Quảng Nam - Ảnh: TBD
"Nói nôm na có thể hiểu rằng chúng ta nhập về một cỗ động cơ vốn chứa một sức mạnh rất lớn. Nhưng phía đối tác chỉ cung cấp động cơ, còn làm việc gì thì lại phụ thuộc vào chúng ta, còn nếu yêu cầu họ chỉ dạy thêm thì phải trả tiền cho họ. Chúng tôi bắt "cỗ máy" này phải làm thêm việc, sử dụng sức mạnh của nó để giải quyết các công việc mà ngành điện Việt Nam đang rất cần" - ông Hùng nói.
Về sáng tạo của mình cùng cộng sự, kỹ sư Võ Anh Hùng cho biết trên cơ sở tìm hiểu phần mềm tổng, nhóm của ông đã viết và kích hoạt công cụ Semigraphic Tool Menu trong phần mềm MicroSCADA SYS600 để theo dõi, giám sát tình trạng trao đổi dữ liệu giữa các điểm nút kết nối về hệ thống máy chủ. Từ đó hệ thống có thể chủ động và sớm đưa ra các giải pháp để nhanh chóng khắc phục những lỗi phát sinh trong vận hành, phát triển mạng lưới điện.
Hiện tại, hệ thống thu thập và giám sát điều khiển đặt tại Công ty Điện lực Quảng Nam đang kết nối tín hiệu đến 13 trạm biến áp và các điểm khác nhau. Mỗi điểm nút lại có hệ thống đồng hồ đo lường, tủ điều khiển, phần mềm giao tiếp khác nhau. Việc viết và sử dụng công cụ Semigraphic Tool Menu trong phần mềm MicroSCADA SYS600 đã giải quyết triệt để hiện tượng treo cổng kết nối, làm hệ thống vận hành ổn định hơn.
Góp phần thay đổi ngành điện
Theo kỹ sư Võ Anh Hùng thì tại thời điểm nghiên cứu, Điện lực Quảng Nam là nơi đầu tiên kích hoạt thành công công cụ Semigraphic Tool Menu trong toàn EVN.
Việc tự sản sinh ra công cụ này cũng mở ra khả năng làm việc mới của MicroSCADA SYS600 9.4 để áp dụng cho toàn ngành điện mà vốn trước đó phía đối tác ABB Oy chưa cung cấp các tài liệu hướng dẫn, chưa đào tạo.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh - giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, sáng kiến của nhóm ông Võ Anh Hùng cùng nhiều sáng kiến khác đang góp phần rất lớn cho sản xuất của ngành điện.
Không chỉ tiết giảm chi phí vận hành, nhân lực… những sáng kiến này đang dần thay đổi cách thức làm việc của ngành điện; từ thủ công qua giao tiếp số, phù hợp với chủ trương phát triển hệ thống điện lưới thông minh mà Chính phủ đã đặt ra.
Việc sáng tạo cũng cho thấy khả năng, trình độ của đội ngũ kỹ sư ngành điện trong điều kiện mà công nghệ số đang chuyển dịch mạnh mẽ.
TTO - Ngoài việc tài trợ kinh phí xây hai phòng ở cho học sinh bán trú để phục vụ việc ăn học của học sinh miền núi, Tổng công ty điện lực miền Trung còn trao quà tết, áo ấm cho người dân miền núi.
Xem thêm: mth.13592549042601202-gnurt-meht-ed-iahp-iaogn-mem-nahp-tab-neid-us-yk/nv.ertiout