vĐồng tin tức tài chính 365

Cảnh giác với giả mạo sinh học nông sản

2021-06-25 11:10

Cảnh giác với giả mạo sinh học nông sản

LS. Lê Quang Vinh (*)

(KTSG) - Bio-piracy, tạm dịch là mạo danh sinh học hoặc giả mạo sinh học, thường được thực hiện bằng cách nhà lai tạo tạo ra một giống cây trồng mới dựa trên nguồn gen của giống cây trồng đã biết thuộc tri thức truyền thống (traditional knowledge) nhưng lại chủ ý lấy tên của giống cây trồng ban đầu.

Giả mạo sinh học chưa được ghi nhận ở Việt Nam nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta an toàn và chủ quan mà hãy nên cảnh giác. Bởi vì, chống giả mạo sinh học thực sự là cuộc chiến cam go và phức tạp.

Theo từ điển tiếng Việt, mạo danh có nghĩa là mượn tên người khác để làm việc có lợi cho mình hoặc là mạo tên người khác (thường để làm việc mờ ám). Từ điển trực tuyến Collins Dictionary định nghĩa mạo danh (impersonation) có nghĩa là giả vờ là người khác với dụng ý để lừa dối.

Từ mạo danh thương hiệu nông sản nổi tiếng

Mạo danh thương hiệu là hiện tượng tất yếu của kinh tế thị trường và đang xảy ra ở mọi quốc gia. Mạo danh thương hiệu có nghĩa là cung cấp chỉ dẫn sai lệch cho người tiêu dùng tin rằng sản phẩm mang một tên gọi địa lý được xem là nổi tiếng gắn liền với một quốc gia hoặc một khu vực địa lý nhất định trong khi trên thực tế sản phẩm đó không hề có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó.

Chẳng hạn gần đây, ST25 - gạo ngon nhất thế giới năm 2019 xuất hiện nhan nhản trên biển hiệu của các cửa hàng hoặc được các trang thương mại điện tử quảng bá và rao bán rầm rộ trong khi chính tác giả giống lúa này, kỹ sư Hồ Quang Cua, phát biểu với tờ VietNamNet rằng “mới bán giống được hai tháng, làm gì đã có gạo ST25 mà rao bán tràn lan trên mạng”.

Năm 2018, nhiều tờ báo cũng phản ánh sự kiện bà con nông dân ở huyện đảo Lý Sơn bày tỏ ý kiến quan ngại sâu sắc về việc nhiều tiểu thương, doanh nghiệp mạo danh tỏi Lý Sơn. Được biết tỏi Lý Sơn, một đặc sản nổi tiếng, là một loại tỏi có hương vị cay dịu nhẹ chứ không cay nồng như các loại tỏi khác được trồng ở ba xã An Bình, An Hải và An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 29-6-2020, tỏi Lý Sơn chính thức được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý theo Quyết định 2421/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Tương tự như ở Việt Nam, mạo danh thương hiệu nông sản nổi tiếng cũng thường xuyên xuất hiện ở các quốc gia khác. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan cũng phải vật lộn chống hiện tượng mạo danh, giả mạo Thai Hom Mali Rice, một sản phẩm gạo truyền thống nổi tiếng của Thái Lan có tên gọi là gạo thơm hoa nhài Thái Lan hoặc gọi theo cách khác là Khao-hom-ma-li-Thai. Trong tiếng Anh, loại gạo nổi tiếng này có tên gọi chính thức là Thai Hom Mali Rice hoặc tên gọi khác là Thai Jasmine Rice.

Đến giả mạo sinh học

Giả mạo sinh học là một hình thức mạo danh mới và nguy hiểm. Vào những năm 1990, một dạng mạo danh nữa xuất hiện gây lo ngại cho nhiều quốc gia đang phát triển có truyền thống lâu đời về canh tác lúa và sản xuất gạo, gọi là hiện tượng bio-piracy, tạm dịch là “giả mạo sinh học” hoặc có thể được gọi là hiện tượng chiếm đoạt tri thức truyền thống nhằm biến đổi thành quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp dưới dạng bằng sáng chế độc quyền.

Theo tờ New York Times, Công ty Ricetec Inc có trụ sở ở Texas, Mỹ nộp đơn yêu cầu USPTO cấp bằng độc quyền sáng chế cho một giống lúa mà công ty này cũng đặt tên Basmati và làm nổ ra xung đột dữ dội kéo dài nhiều năm giữa Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Mỹ.

Ấn Độ lo ngại rằng nếu bằng độc quyền sáng chế được cấp cho giống lúa lai Basmati, được Ricetec lấy trùng theo tên giống lúa nổi tiếng Basmati được trồng lâu đời ở Ấn Độ và Parkistan, sẽ dẫn đến việc gạo Basmati được xuất khẩu bởi các doanh nghiệp Ấn Độ - vốn được coi là nhà xuất khẩu gạo Basmati lớn nhất thế giới - bị cấm nhập khẩu ở cửa khẩu hải quan Mỹ vì lý do xâm phạm sáng chế.

Khi hiện tượng giả mạo sinh học vẫn còn đang gây căng thẳng trong thương mại quốc tế giữa Mỹ và Ấn Độ, thì khoảng tháng 11-2001, đến lượt Chính phủ Thái Lan buộc phải thuê luật sư tìm cách ngăn chặn Mỹ cấp bằng độc quyền sáng chế cho nhà lai tạo giống người Mỹ có tên là Chris Deren khi người này yêu cầu bảo hộ sáng chế độc quyền cho giống lúa mới được phát triển bằng cách sử dụng nguồn gen từ giống lúa Thai Jasmine Rice.

Gợi ý cho Việt Nam

Trong khi cái tên Thai Jasmine Rice đã trở thành tên gọi thông thường (generic), Chính phủ Thái Lan nhanh chóng nghĩ đến chiến lược vừa chống hiện tượng generic vừa chống mạo danh gạo Thai Jasmine Rice bằng cách họ xây dựng và đăng ký bảo hộ Thai Hom Mali Rice dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận với USPTO (Mỹ). Năm 2004, thương hiệu quốc gia Thai Hom Mali Rice được nộp dưới tên của Cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Thái Lan đã được USPTO chấp thuận cấp bảo hộ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận số 2,816,123.

Trước mắt, cách bảo vệ thương hiệu nông sản tốt nhất ở nước ngoài đặc biệt là thị trường Mỹ là Việt Nam nên xây dựng và nhanh chóng bảo hộ các thương hiệu đặc sản có nguồn gốc địa lý bao gồm cả gạo ST25 dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận với USPTO để có căn cứ pháp lý nhằm cả hai mục đích là chống hiện tượng mạo danh, giả mạo thương hiệu và tránh nguy cơ làm các thương hiệu này trở thành tên gọi thông thường (generic) tương tự như gạo Basmati của Ấn Độ hoặc Thai Jasmine Rice của Thái Lan.

Mặt khác, chúng ta cũng cần nâng cao cảnh giác và theo dõi kỹ khả năng các nhà sáng chế nước ngoài bao gồm cả các nhà lai tạo giống, những người có thể nhìn thấy trước lợi ích thương mại đủ lớn như gạo Basmati hoặc gạo Thai Jasmine Rice, có thể nộp đơn yêu cầu cấp sáng chế cho giống họ lai tạo mới dựa trên chính nguồn gen của các giống cây trồng gồm cả giống lúa ST25 của Việt Nam.

(*) Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự

Xem thêm: lmth.nas-gnon-coh-hnis-oam-aig-iov-caig-hnac/756713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cảnh giác với giả mạo sinh học nông sản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools