Người đem hồn Việt vươn tầm thế giới
Nhạc trưởng Lê Phi Phi sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nghệ thuật và tri thức yêu nước, với ông nội cùng các bậc tiền bối đều là các nhà nho có học thức.
Cha anh chính là cố nhạc sĩ Hoàng Vân, một cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng và hàn lâm Việt Nam, với nhiều sáng tác nổi tiếng như Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng, Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên…
Ngoài những ca khúc ngắn về cách mạng, tình yêu, quê hương đất nước, nhạc sĩ Hoàng Vân còn để lại 4 bản giao hưởng, 4 tác phẩm viết cho đại hợp xướng. Bản nhạc vũ kịch Chị Sứ cũng là bản ballet đầu tiên của Việt Nam.
Chị gái anh là tiến sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Y Linh.
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống học hành và đào tạo âm nhạc bài bản, chuyên sâu như vậy nên ngay từ nhỏ, Lê Phi Phi sớm được tiếp cận với âm nhạc nghệ thuật, đặc biệt là nhạc hàn lâm, cổ điển qua sự giáo dục tỉ mỉ của người cha Hoàng Vân, cũng như chính những bản giao hưởng do ông biên soạn.
Không những vậy, anh còn được nuôi dưỡng một tâm hồn yêu nhạc, biết trân trọng tinh hoa âm nhạc bác học, một thứ âm nhạc không mấy phổ biến với người Việt lúc bấy giờ. Cốt cách âm nhạc khác biệt đã hình thành trong Lê Phi Phi từ đó. Anh nói:
"Cha có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi trong nghệ thuật. Ông đã dạy cho tôi những nốt nhạc đầu tiên khi tôi còn bé, ông hướng nghiệp cho tôi theo chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, ông ủng hộ quyết định của tôi sau khi tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky sang nước cộng hoà Macedonia làm việc và sinh sống".
Được gia đình tạo điều kiện theo đuổi đam mê, Lê Phi Phi đã tốt nghiệp trung cấp khoa Lý luận và Chỉ huy dàn nhạc của Nhac viện Hà Nội vào năm 1986.
Không bằng lòng với kiến thức đạt được, Lê Phi Phi tiếp tục theo hoc đại học tại Nhạc viện nổi tiếng thế giới P.I.Tchaikovsky (Liên bang Nga) – một trong những cái nôi đào tạo nhạc cổ điển và tự định hướng cho mình trở thành nhạc trưởng. Đây là một hoài bão lớn và táo bạo, cho thấy ý chí của Lê Phi Phi.
Trong những năm tháng học tại Nhạc viện P.I.Tchaikovsky, Lê Phi Phi miệt mài nghiên cứu, chuyên tâm tìm hiểu về nhạc hàn lâm. Ngày ngày, anh đều lên thư viện tìm sách đọc và mày mày tự chơi các loại nhạc cụ cơ bản trong dàn nhạc giao hưởng.
Lê Phi Phi tâm niệm, để trở thành nhạc trưởng chỉ huy thì bản thân mình phải am hiểu và sử dụng được các nhạc cụ trong dàn nhạc. Từ đó, anh luyện cho mình đôi tai cảm nhạc ngày càng tinh tế, cùng thẩm mỹ âm nhạc dày dặn.
Với Lê Phi Phi, nhạc công có thể buông bỏ một nhịp, nhưng nhạc trưởng thì phải quán xuyến tất cả, không có gì được bỏ sót. Muốn làm được điều đó một cách rất tự nhiên, người nhạc trưởng không chỉ dựa vào cảm xúc thông thường, phải có quá trình nghiên cứu, thẩm thấu tác phẩm, cộng với tài năng thiên bẩm của mình.
Tốt nghiệp Nhac viện Tchaikovsky với thành tích cao, Lê Phi Phi lập tức được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nước cộng hoà Macedonia từ năm 1993 đến năm 2000. Đây là một vinh dự mà không phải người Việt Nam nào cũng đạt được.
Với tài năng xuất chúng và thái độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, nhạc trưởng Lê Phi Phi được rất nhiều dàn nhạc mời về chỉ huy như: Dàn nhạc Đài phát thanh và truyền hình Belgrad (Serbia), Nhà hát Vũ kịch Tirana (Albania), Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh và truyền hình Albania, Dàn nhạc giao hưởng Vidin(Bulgaria), Dàn nhạc giao hưởng Nis (Serbia), Dàn nhạc vũ kịch trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky (Russia), Nhà hát nhạc vũ kịch Macedonia, Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh và truyền hình Macedonia, Dàn nhạc giao hưởng Kosovo, Dàn nhạc Jyvaskyla sinfonia (Phần lan).
Ngoài ra anh cũng cộng tác dàn dựng với các dàn hợp xướng, dàn nhạc thính phòng tại Macedonia và các nước khác.
Hiện nay, Lê Phi Phi đang đảm nhiệm vị trí nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của Trung tâm Nhạc và vũ kịch Ilia Nikolovsski-Lui, giảng dạy tại Học viện âm nhạc và nghệ thuật quốc gia Macedonia, chỉ huy cộng tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia và Nhà hát vũ kịch Macedonia.
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, dàn nhạc giao hưởng của trung tâm âm nhạc và múa đã đi biểu diễn nhiều nước như Ý, Đức, tại Thế vận hội thể thao thế giới 2004 Athens (Hy lạp).
Lê Phi Phi đã có hàng ngàn buổi biểu diễn tại Macedonia cũng như các nước như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Thụy Điển, Albania, Bulgaria, Phần Lan, Việt Nam... Anh sở hữu một sự nghiệp đồ sộ, đáng mơ ước và là một trong những vị nhạc trưởng hiếm hoi của Việt Nam vươn ra được thế giới.
Bản thân Lê Phi Phi là một tấm gương sáng, chứng mình vị thế, chỗ đứng của người Việt trên bản đồ nhạc hàn lâm thế giới.
Trái tim đau đáu hướng về Tổ quốc
Dù thành công trên thế giới là vậy, nhưng Lê Phi Phi luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Anh mong muốn được đóng góp tài năng, công sức của mình cho nền âm nhạc nước nhà.
Chính vì thế, từ năm 1995, Lê Phi Phi đã thường xuyên về Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình hoà nhạc, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhac trong nước như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt nam, Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.
Đồng thời, anh cũng là cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn trong nước, tạo điều kiện hỗ trợ các nghệ sĩ theo đuổi đam mê.
Năm 2005, Lê Phi Phi đươc vinh dự bầu chọn là một trong những Việt kiều Vinh danh nước Việt do báo điện tử Vietnamnet tổ chức.
Anh cũng là chỉ huy thường trực cho chương trình Điều còn mãi được tổ chức hàng năm tại Hà Nội.
Ngoài biểu diễn chuyên nghiệp, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng chú tâm tới các hoạt động thiện nguyện và đào tạo, ươm mầm thế hệ trẻ. Anh đảm nhiệm vai trò chỉ huy thường trực cho các chương trình từ thiện do quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin tổ chức hàng năm.
Anh cũng là chỉ huy khách mời thường xuyên cho trương trình mang âm nhạc cổ điển tới thanh niên, học sinh, sinh viên Giai điệu trẻ và Giai điệu mùa thu do Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, Lê Phi Phi còn có một gia đình hạnh phúc bên cô vợ người Macedonia và con trai lớn. Điều trăn trở lớn nhất của anh hiện tại là làm sao phát triển được nền âm nhạc cổ điển Việt Nam. Anh nói:
"Đời sống xã hội Việt Nam hiện nay đã khá hơn, nhưng đời sống của những người làm âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Họ lao động rất vất vả, thậm chí khắc nghiệt. Họ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tập, khổ luyện.
Thực sự phải là những người rất yêu nghề mới trụ lại được. Nhưng có thực mới vực được đạo, nếu họ có một mức lương khá hơn, chế độ đãi ngộ khá hơn thì họ sẽ có nhiều năng lượng kích thích hơn để làm nghề một cách toàn tâm toàn ý.
Đời sống của người làm âm nhạc được nâng cao thì chất lượng chuyên môn cũng sẽ cao hơn, hay hơn và nghiễm nhiên là sự quan tâm của khán thính giả, xã hội sẽ lớn hơn".
Nghị lực vượt qua bệnh dịch Covid 19
Vào tháng 5 năm 2021 vừa qua, nhạc trưởng Lê Phi Phi bất ngờ bị nhiễm Covid 19 và phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe không tốt. Cả gia đình anh đều mắc bệnh, nhưng anh là người bị nặng nhất so với vợ và con. Anh nói:
"Tôi là người bị nặng nhất nhà, tôi sốt 38,5 độ nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhiệt độ giảm chút rồi lại tăng lên. Do sốt cao nên tôi rất mệt, sau 10 ngày tôi đi khám phổi, bác sĩ nói đã thấy dấu hiệu của viêm phổi qua tiếng khò khè trong phổi của tôi, lúc đó tôi mới nhập viện điều trị".
Tuy lâm vào tình trạng xấu như vậy, nhưng Lê Phi Phi vẫn lạc quan, kiên trì chiến đấu cùng bệnh tật và có chế độ sinh hoạt, luyện tập rất khoa học. Ngoài ra, anh còn nhận được sự hỗ trợ hết mình từ gia đình, đặc biệt là vợ anh. Anh tâm sự:
"Vai trò của vợ tôi rất quan trọng. Mặc dù vợ tôi cũng mắc Covid, nhưng suốt những ngày điều trị, cô ấy giữ vai trò là một người lái xe và chính cô ấy đã nấu từng bữa cơm, ép nước hoa quả và một tay lo liệu mọi thứ".
Là một người từng trực tiếp trải qua những giờ phút đấu tranh cùng bệnh dịch, hơn ai hết, nhạc trưởng Lê Phi Phi thấu hiểu được giá trị của niềm tin, sức mạnh tinh thần và sự sẻ chia, kết nối giữa người với người.
Chính vì thế, anh đã đứng ra làm nhạc trưởng chỉ huy dàn giao hưởng trong đêm hòa nhạc ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid 19 diễn ra vào 20 giờ tối chủ nhật ngày 27 tháng 6 tới đây.
Đón xem Chương trình hòa nhạc giao hưởng trực tuyến ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19
Chương trình hòa nhạc "Chia sẻ để gần nhau hơn" được tổ chức trực tuyến kết nối Việt Nam với thế giới, mang thông điệp "Vì một Việt Nam khỏe mạnh, vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch". Đêm nhạc được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 27/06/2021 (giờ Việt Nam) trên sóng truyền hình quốc gia VTV1.
Bên cạnh những giai điệu bất hủ cùng các nghệ sĩ nổi tiếng, đêm nhạc sẽ có sự tham gia giao lưu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giáo sư Nick Brown - Hiệu trưởng Đại học Linnace (thuộc Đại học tổng hợp Oxford), HLV Park Hang Seo, UNESCO…
Trong thời gian diễn ra chương trình hoà nhạc, tất cả nhà hảo tâm tham gia đóng góp trực tuyến cho Quỹ Vắc xin qua website sẽ nhận được những món quà từ các thương hiệu nổi tiếng Grab, FPT Retail, PNJ, Pharmacity,... cùng 5.000 vé bay quốc tế và quốc nội.
Để quyên góp, ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tham gia qua các phương thức:
- Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng theo thông tin trên website chính thức của Quỹ Vắc-xin (https://www.quyvacxincovid19.gov.vn)
- Soạn tin nhắn: COVID NK gửi đến 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000, K là thể hiện đơn vị (1 ngàn đồng);
- Đóng góp trực tuyến qua website: https://www.quyvacxincovid19.gov.vn.
Long Phạm
Pháp luật & Bạn đọc