Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chững lại trong tháng 5/2021 khi mà hiệu ứng so sánh với nền thấp của năm đại dịch Covid-19 của năm 2020 ngày một dịu đi, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gặp khó khi đương đầu với tình trạng chi phí tăng cao.
Cục Thống kê Trung Quốc công bố lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc tháng 5/2021 tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4/2021, lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng đến 57% so với cùng kỳ. Tính trong 5 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc tăng 83,4% so với 5 tháng đầu của năm 2020.
Việc nhu cầu của thị trường phục hồi cũng như hoạt động của doanh nghiệp cải thiện đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận, theo chuyên gia kinh tế tại Cục Thống kê Trung Quốc – ông Zhu Hong.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi không cân bằng khi mà các doanh nghiệp nhỏ phục hồi chậm hơn các doanh nghiệp quy mô cỡ lớn và trung bình, theo ông Zhu. Trong số 41 ngành nghề công nghiệp được theo dõi và tính toán, gần 70% công bố lợi nhuận tăng trong tháng 5/2021, 80% trong số này công bố lợi nhuận cao hơn so với mức của năm 2019.
Chi phí hàng hóa cao đã giúp làm tăng lợi nhuận cho nhiều ngành ví như ngành sản xuất hàng hóa nguyên liệu thô, tuy nhiên lại gây sức ép lên nhiều ngành khác. Chỉ số giá sản xuất tháng 5/2021 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính từ năm 2008, chủ yếu bởi giá kim loại tăng mạnh.
Ngành sản xuất dược phẩm tăng trưởng nhảy vọt, nguyên nhân chính bởi nhu cầu với các thiết bị y tế liên quan đến đại dịch ví như vắc xin và bộ xét nghiệm tăng quá nhanh.
Tăng trưởng lợi nhuận ngành khai thác mỏ đồng thời ghi nhận mức ấn tượng 136%, ngành sản xuất trong khi đó tăng trưởng 85,2%.
Trung Quốc đang đẩy cao chiến dịch hạn chế giá hàng hóa tăng nóng và giảm đầu cơ trong nỗ lực làm dịu đi rủi ro từ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giá hàng hóa nguyên liệu tăng nóng.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được Ủy ban giám sát và quản lý tài sản (Sasac) yêu cầu kiểm soát rủi ro và hạn chế liên quan đến thị trường hàng hóa quốc tế. Các công ty được đề nghị báo cáo về trạng thái giao dịch hàng hóa tương lai của họ lên Sasac để được xem xét.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý thực phẩm và chiến lược quốc gia (NFSRA) sẽ sớm công bố dự trữ quốc gia của các mặt hàng kim loại trong đó có bao gồm đồng, nhôm và thiếc. Các kim loại này sẽ được bán theo khối lượng lớn cho các nhà sản xuất, tuy nhiên khối lượng bán không được công bố.
Giá kim loại tại London và Thượng Hải giảm. Cổ phiếu của các công ty kim loại tại Trung Quốc và Hồng Kông giảm còn chỉ số cổ phiếu của các công ty kim loại và khai mỏ tại Australia giảm sâu nhất trong 1 tháng.
Một nhà kinh doanh hàng hóa tại công ty Shanghai Dongwu Jiuying Investment Management, ông Jia Zheng, chỉ ra: “Chúng tôi chưa hề chứng kiến Trung Quốc công bố dự trữ đã nhiều năm. Lần này, nguồn cung ngắn hạn sẽ tăng lên và vì vậy gửi đến thông điệp bi quan đến thị trường hàng hóa”.
Quan điểm cứng rắn của giới chức Trung Quốc nhắm đến việc ngăn chặn hoạt động đầu cơ quá mức khi mà giá cả đang tăng quá nóng và có thể tiềm ẩn rủi ro với nhóm các doanh nghiệp nhà nước.