Doanh nhân Lê Lưu Dũng phát biểu tại lễ ký kết hợp tác đầu tư.
Biến “kẻ thù” của rừng thành người bảo vệ rừng
Lê Lưu Dũng không phải là người xuất thân từ vùng quê Quảng Bình, nhưng vô cùng có duyên với mảnh đất này. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế, anh về Quảng Bình làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Công việc hàng ngày của anh là cứu hộ động vật hoang dã, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân địa phương, qua đó giảm thiểu tác động của con người lên những cánh rừng xanh.
Tuy nhiên, công việc mà Dũng đảm nhiệm ít nhiều có sự bất đồng với người dân địa phương, những người sinh ra từ rừng và dựa vào rừng để duy trì cuộc sống. Lâu dần, Dũng bắt đầu trăn trở với bài toán làm sao để những người dân địa phương vừa có thể tìm nguồn sinh kế từ rừng, vừa bảo vệ được thiên nhiên.
Năm 2013, Dũng dừng công việc cũ và chuyển sang làm cho một công ty du lịch mạo hiểm. Đây là nơi anh thu nhận những kiến thức ban đầu về cách làm tour du lịch sinh thái - mô hình có sự tham gia của người dân địa phương để cộng đồng cùng phát triển, tạo thành một hướng đi bền vững.
Sau 2 năm cảm thấy bản thân đã đủ “chín”, đồng thời muốn tự mình trải nghiệm, Dũng đứng ra khởi nghiệp với Jungle Boss. Không có sẵn vốn, anh mạnh dạn mượn sổ đỏ của mẹ để vay ngân hàng 200 triệu đồng, lấy tiền đầu tư homestay. Gọi là homestay cho “oai”, nhưng Jungle Boss lúc đó chỉ có vỏn vẹn 3 căn nhà gỗ, còn nơi Dũng làm việc và tiếp khách là một cái lều lá, được anh miêu tả “hệt như mấy quán cà phê chòi”.
Mất nửa năm để homestay vào guồng, Lưu Dũng mở rộng hoạt động sang các tour du lịch thám hiểm rừng trong ngày, bản lề dẫn tới con đường phát triển của Jungle Boss sau này. Đó là thời gian vất vả với nhà sáng lập khi anh phải tự đảm nhiệm mọi việc, vừa quản lý homestay, vừa dẫn khách đi rừng, vừa sắp xếp lịch trình, làm sales, marketing… Mỗi ngày, Dũng chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng, còn lại dồn toàn bộ sức lực, tâm trí cho công việc.
Nhưng những vấn đề ấy vẫn chưa là gì, bởi với anh, khó khăn nhất là câu chuyện nhân sự. Muốn mở rộng mô hình và đi dường dài, Dũng cần thêm nhiều người đồng hành, trong khi tại Quảng Bình, thật khó để tìm nhân sự chất lượng cao. Chưa kể, hạ tầng hạn chế, nên Jungle Boss khó thu hút người từ nơi khác đến; nếu muốn họ đến, phải chấp nhận chi phí tuyển dụng lớn.
Xác định được vấn đề, nhà sáng lập Jungle Boss chuyển hướng sang tuyển dụng lao động địa phương. Anh chiêu mộ những người “ở bên kia chiến tuyến”, từng vào rừng săn bắt, khai thác gỗ trái phép... về làm cùng với mình. Bằng cách này, Jungle Boss giúp họ có công việc ổn định với mức thu nhập tốt hơn, nhưng vẫn giữ được niềm đam mê đi rừng.
“Sau một thời gian làm du lịch, chính họ lại là những người có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Họ hiểu rằng, rừng được bảo vệ sẽ đem đến sự phát triển bền vững cho cả thế hệ mai sau. Thực tế, nhiều người đã làm việc tại Jungle Boss từ những ngày đầu cho đến thời điểm hiện tại”, nhà sáng lập chia sẻ với báo chí.
Nâng tầm trải nghiệm du lịch mạo hiểm
Cùng với thời gian, từ những tour đi rừng trong ngày, Jungle Boss mở rộng thêm phạm vi hoạt động thông qua 8 sản phẩm với các mức độ khó, mạo hiểm khác nhau, như khám phá thung lũng Ma Đa, khám phá vườn quốc gia, cắm trại...
Đặc biệt, tour khám phá hố sụt Kong, có giá 35 triệu đồng cho 4 ngày 3 đêm, với trải nghiệm đu dây 100 m thẳng đứng (tương đương độ cao tòa nhà 35 tầng), được đánh giá là sản phẩm du lịch mạo hiểm hang động có độ khó cao nhất tại Việt Nam. Để đưa sản phẩm này đi vào hoạt động, Jungle Boss đã mất tới 2 năm tính từ thời điểm đi khảo sát, đưa ra các hệ thống tiêu chí an toàn cho đến vấn đề xin cấp phép.
Thậm chí, doanh nghiệp còn mời Hiệp hội Hang động của Mỹ sang để khảo sát và lên phương án, trước khi chính thức được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép độc quyền khai thác vào cuối năm 2021.
CEO Lê Lưu Dũng khẳng định, với sự xuất hiện của sản phẩm này, Jungle Boss tự tin nằm trong top đầu các đơn vị kinh doanh tour du lịch mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay. Anh cho biết, Jungle Boss không đơn thuần chỉ bán tour, mà đang bán trải nghiệm cho khách hàng.
“Trải nghiệm ở đây là thám hiểm thực sự. Hang động thì có nhiều, riêng Quảng Bình đã phát hiện tới 400 hang động, nhưng tôi không muốn đi theo lối mòn. Tôi muốn tái hiện cách những nhà thám hiểm hang động đi và muốn cho khách hàng được trải nghiệm y như vậy. Mọi thứ phải làm theo cách hoang sơ nhất có thể, đương nhiên là phải đảm bảo an toàn”.
Điều này có nghĩa, những người tham gia tour mạo hiểm khám phá hố sụt Kong của Jungle Boss sẽ được thử thách bản thân thông qua mọi loại địa hình, từ đi bộ đường dài, lội suối, bơi trong hang cho đến đu dây lơ lửng ở độ cao 100 m… Như vậy, người tham gia phải là những cá nhân đáp ứng được các tiêu chuẩn mà phía nhà cung cấp tour đưa ra như độ tuổi bắt buộc từ 16 đến 65, không mắc các triệu chứng sợ độ cao, cao huyết áp, xương khớp, các bệnh về tim mạch…
Ngoài ra, để phục vụ một đoàn tối đa 10 khách trong tour này, Jungle Boss bố trí khoảng 30 nhân sự, trong đó có hướng dẫn viên, đội ngũ trợ lý an toàn, đầu bếp và người khuân vác. Tính trung bình, một khách sẽ có khoảng 3 người phục vụ.
“Chi phí cao, song đây là một trải nghiệm độc đáo, xứng đáng để tham gia. Hiện tại, tour Kong là sản phẩm chiếm đến hơn 50% doanh thu của Công ty, bởi lượng khách đặt tour khá nhiều kể từ khi ra mắt”, Lê Lưu Dũng chia sẻ.
Ngoài tour khám phá hố sụt Kong, Jungle Boss cũng thiết kế một số tour khác có mức độ mạo hiểm ít hơn và giá thấp hơn để đa dạng nguồn doanh thu. Hiện tại, doanh nghiệp còn khai thác các tour theo hình thức teambuilding trong rừng, hướng tới đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp.
Phát triển du lịch đi kèm bảo tồn thiên nhiên
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Jungle Boss đã đón hơn 40.000 lượt khách. Kênh bán hàng chủ yếu của Jungle Boss là online, chiếm đến 90%. Trước đại dịch, số lượng khách nước ngoài chiếm 90%, khách Việt Nam chiếm 10%, nhưng sau đại dịch, thì con số quay ngược lại, khách Việt Nam chiếm đến 90%.
Vốn xuất thân là một nhà bảo tồn thiên nhiên, CEO Lê Lưu Dũng tiết lộ, kim chỉ nam của anh là khai thác du lịch sinh thái đi cùng với bảo vệ môi trường. Khách hàng tham gia các tour luôn được yêu cầu tuân thủ các quy định bảo vệ di sản và tài nguyên thiên nhiên, tôn trọng các phong tục tập quán của địa phương, như không được chặt cây trong rừng, sử dụng bếp ga thay vì bếp củi… Thậm chí, chất thải của du khách trong hang cũng được ủ vi sinh bằng trấu để tạo thành phân hữu cơ.
“Khi đi trong hang, mọi người phải men theo lối có gắn miếng phản quang nhằm hạn chế giẫm đạp lên thạch nhũ. Ngoài ra, du khách vào hang đều phải đeo găng tay, bởi mồ hôi ở tay người có thể làm đổi màu thạch nhũ”, nhà sáng lập chia sẻ.
Đối với việc lắp đặt hệ thống an toàn trong hang động, Jungle Boss cũng hạn chế tối đa việc tác động vào môi trường hang động, như các thiết bị an toàn được sử dụng đa số là dây chịu lực, trong những trường hợp bắt buộc mới dùng đến các neo nhân tạo khoan vào vách đá.
Xuyên suốt hành trình khởi nghiệp 7 năm, CEO Lê Lưu Dũng thừa nhận, anh chưa từng nghĩ tới việc Jungle Boss có thể phát triển được như hôm nay. Từ một homestay với 3 căn nhà gỗ nhỏ nhỏ, một mình Dũng đảm nhận mọi việc, Jungle Boss đã xây dựng trụ sở rộng 650 m2, quản lý 2 khu homestay trên diện tích 700 m2, với số nhân sự lên tới 200 con người.
Gần đây nhất, Jungle Boss chính thức ký kết hợp tác đầu tư với Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn Cengroup, theo thỏa thuận khi tham gia gọi vốn trên Chương trình Shark Tank Việt Nam. Cụ thể, Shark Hưng sẽ đầu tư 12 tỷ đồng, tương ứng 25% cổ phần của Jungle Boss, giải ngân theo tiến độ nhu cầu vốn thực tế. Đại diện Cengroup còn giữ vai trò cố vấn, hỗ trợ phát triển kinh doanh và xây dựng các mô hình dịch vụ cho Jungle Boss trong thời hạn tối thiểu 3 năm.
Dù có nhiều giai đoạn gặp khó khăn, nhưng nhà sáng lập Jungle Boss khẳng định, chưa bao giờ để ngọn lửa đam mê vụt tắt. Lê Lưu Dũng luôn cảm thấy may mắn khi được làm công việc mình yêu thích, đồng thời đem đến nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.
“Từ vai trò là nhà bảo tồn thiên nhiên, tôi đã bắt đầu với niềm đam mê núi rừng như vậy và giờ đây tôi có một doanh nghiệp tạo ra doanh thu, nuôi sống rất nhiều người cũng có niềm say mê với thiên nhiên như mình. Đối với cá nhân tôi, mình phải làm cái gì đó thực sự là đam mê của mình. Khi mình sống vì đam mê, thì nó sẽ không còn là làm việc nữa. Sống cùng đam mê sẽ đưa ta tới giới hạn mà người khác chưa chắc đã làm được”.
Trong năm 2023, nhà sáng lập Jungle Boss dự định giới thiệu tới du khách các sản phẩm du lịch mạo hiểm mới tại Quảng Bình, như hành trình khám phá hang Thoòng - một hệ thống hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng; tiếp tục phát triển và đưa thêm những trải nghiệm mới cho tour du lịch chinh phục đỉnh cao mạo hiểm hố sụt Kong; phát triển dịch vụ cắm trại cao cấp Glamping tại thung lũng Trạ Ang và cho ra đời sản phẩm dù lượn ngắm miền di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.
Xa hơn nữa, Jungle Boss dự định sẽ nhân rộng mô hình hoạt động của mình sang các địa phương khác, như khu vực vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên - nơi có những thác nước cao thuận lợi để phát triển các tour du lịch mạo hiểm.