Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, tổ chức
Tin giả, thiệt hại thật
Ngày 14/11, ông Kim Byoung-Ho, Chủ tịch Ngân hàng HDBank, đã phải phát đi thông báo về việc trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin xuyên tạc về hoạt động của HDBank và cá nhân một số lãnh đạo HDBank. Trong đó, đối tượng phát tán đã lấy tài khoản Facebook để đăng nội dung bịa đặt trên mạng xã hội.
Ngày 3/11, Thế giới Di động (MWG) bị lan truyền tin giả về việc đầu tư 1.611 tỷ đồng trái phiếu vào ngân hàng, công ty bất động sản đang bị điều tra. Thông tin thất thiệt này làm xáo trộn hoạt động của công ty, ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông và đối tác, cũng như gây ra sự hoang mang cho nội bộ công ty.
Cuối tháng 10/2022, VNDirect cũng gửi “trần tình” tới khách hàng, đối tác về tin đồn bịa đặt, sai lệch về hoạt động của công ty. Những tin đồn vô căn cứ đã khiến cho cổ phiếu VNDirect và nhiều doanh nghiệp tốt trên thị trường chứng khoán bị bán tháo do nhà đầu tư không có đủ thông tin để ứng xử phù hợp.
Trước đó, giữa tháng 10/2022, Ngân hàng SCB cũng phát đi thông báo khẳng định, các tin đồn thất thiệt về nhân sự cấp cao của SCB trên các trang mạng xã hội là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của SCB.
Những tin đồn, tin giả như trái bom công phá vào doanh nghiệp và nền kinh tế, gây thiệt hại vô cùng lớn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, khi những tin đồn sai lệch về tình hình kinh doanh, về người đứng đầu doanh nghiệp xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay. Theo đó, cổ phiếu xuống giá, ngân hàng phải tìm hiểu ngay về “sức khỏe” của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, khiến nhiều đối tác cũng bị ảnh hưởng.
“Tin đồn, tin giả gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp. Điều đáng ngại là, doanh nghiệp như đối đầu với “bóng ma”, vì trước đây có thể truy được nguồn gốc của tin giả, thì hiện nay với mạng xã hội, doanh nghiệp sẽ rất khó biết tin giả từ đâu ra”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc VNDirect, khi thị trường chứng khoán xấu đi, VNDirect chịu rất nhiều thông tin giả, sai lệch như hoạt động kinh doanh, hoạt động tư vấn cho khách hàng, thậm chí là tin Chủ tịch và Tổng giám đốc VNDirect bị bắt.
“Ở góc độ doanh nghiệp, những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, đến uy tín với các đối tác. Ví dụ như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán, hay khách hàng chuyển hết tài khoản đi”, ông Long chia sẻ.
Giải pháp nào ngăn chặn tin đồn, tin giả?
Tin đồn, tin giả lan truyền, có đất sống là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu bởi người dân thiếu thông tin. Bên cạnh đó còn do doanh nghiệp, tổ chức chưa cởi mở với báo chí, truyền thông, chưa có chiến lược chủ động cung cấp thông tin cho công chúng. Mặt khác, còn là việc lan truyền tin giả, tin đồn nhằm mục đích vụ lợi, công kích, phá hoại.
Ứng phó với tin đồn, tin giả, ông Long cho biết, VNDirect đã chọn cách truyền thông lại qua hình thức email, trao đổi trực tiếp đến nhân viên và đối tác của mình.
“Chúng tôi đã chọn cách liên hệ trực tiếp với họ ngay khi có thông tin sai lệch để trao đổi, tư vấn, giải thích thấu đáo. Trong bối cảnh vừa qua, chúng tôi thấy rằng đó là biện pháp thực sự cần thiết, hiệu quả, giúp cho nhà đầu tư bình ổn lại tâm lý, bình tĩnh trở lại”, ông Long cho biết.
Nhưng giải pháp của VNDirect chỉ là tình huống khi đã xuất hiện tin đồn, tức là giải pháp “chữa cháy”. Theo ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược với việc chủ động, tích cực, minh bạch cung cấp thông tin ngay từ khi có dấu hiệu sẽ xuất hiện tin đồn.
Từ khi được thành lập vào tháng 4/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin.
“Truyền thông bây giờ là đi bước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần phải nói. Thông tin không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức, thì phải chủ động đưa lên các phương tiện truyền thông, làm sẵn dữ liệu, cung cấp thông tin đó một cách công khai, minh bạch”, ông Vinh khuyến nghị.
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tin đồn lan tràn, khó dập là bởi chế tài xử phạt còn quá nhẹ, khiến các đối tượng phát tán “nhờn”. Hình phạt 7,5 triệu đồng đối với người vô tình truyền bá tin giả như hiện nay là rất nặng, nhưng đối với những người cố tình tung tin giả để trục lợi thì mức phạt trên không là gì cả.
“Một status viết thuê cho các doanh nghiệp thì giá một KOLs từ 15 đến 25 triệu đồng. Với mức hưởng như vậy, nếu bị phạt 7,5 triệu đồng thì “vẫn lời”, cho nên cơ quan quản lý nhà nước cần phân biệt rõ mức độ ảnh hưởng. Cần có giải pháp, hình phạt thích đáng trong trường hợp này”, ông Vinh nêu quan điểm.
LS. Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề không phải nằm ở hình phạt. Để giải quyết được tin giả, cần nâng cao tinh thần thượng tôn, thực thi pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, báo chí cần phải vào cuộc. Phản ứng của các cơ quan chính thống nhiều khi chậm so với mạng xã hội.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến nghị, doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với những tin đồn, tin giả. Doanh nghiệp cần có bộ phận truyền thông và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.