Ngành vận tải toàn cầu đối mặt thách thức lớn
Song Thanh
(KTSG) - Tình trạng đình trệ tại cảng quốc tế Diêm Điền và một loạt cảng container quan trọng khác của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động của sự tắc nghẽn này, thậm chí còn lớn hơn cả sự cố kênh đào Suez hồi tháng 3.
Cảng Diêm Điền ách tắc nghiêm trọng vì dịch bệnh
Theo CNN, một loạt cảng container quan trọng đối với chuỗi thương mại thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở miền Nam Trung Quốc.
Tình cảnh hỗn loạn bắt đầu từ tháng trước khi giới chức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - nơi có nhiều cảng container bận rộn nhất thế giới - phải thông báo hủy chuyến bay, giãn cách xã hội đối với một số cộng đồng, tạm đình chỉ các hoạt động thương mại dọc bờ biển của tỉnh để kiểm soát tình trạng dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt.
Dù đến nay, tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn và một số hoạt động đã được nối lại nhưng tổn thất với các cảng biển tại Quảng Đông nói riêng và thương mại quốc tế nói chung vẫn là rất lớn.
Cảng Diêm Điền, cách Hồng Kông khoảng 60 ki lô mét về phía Bắc, chuyên xử lý 36.000 container 20 feet mỗi ngày, chiếm tới 10,5% lượng container ngoại thương của cả nước, đã phải đóng cửa gần một tuần vào cuối tháng trước sau khi phát hiện nhiều công nhân tại cảng dương tính với Covid-19. Ngay cả khi đã được mở cửa trở lại, cảng vẫn vận hành với công suất thấp, dẫn đến khối lượng lớn container bị ách lại, nhiều tàu chưa được rời cảng.
Hôm thứ Ba tuần trước, các nhà chức trách tại cảng Diêm Điền cho biết, hoạt động của cảng sẽ sớm trở lại bình thường vào cuối tháng này, khi công nhân quay trở lại làm việc và nhiều cầu cảng nối lại hoạt động. Công suất hoạt động tổng thể của cảng hiện đã được khôi phục lại mức 70%, tuy nhiên project44 cho biết, sẽ phải mất nhiều tuần để xử lý lượng container tồn đọng.
Ông Parash Jain - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vận tải biển, cảng biển châu Á tại ngân hàng HSBC nhận định: “Việc giải quyết lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng Diêm Điền có thể mất nhiều tháng, bởi khi vào mùa cao điểm mua sắm, nhu cầu hàng hóa sẽ còn tăng cao hơn nữa”.
“Vụ việc đã gây ra thiệt hại lớn”, Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm. “Dịch Covid-19 và khối lượng vận chuyển gia tăng đáng kể từ cuối năm ngoái đã khiến các cảng biển trở thành điểm nghẽn toàn cầu, từ bến bãi, khâu vận chuyển hàng hóa, các nhà kho cho tới các trung tâm phân phối. Những con số này đang ngày càng gia tăng”.
Maersk cho biết, tình trạng tắc nghẽn tại cảng Diêm Điền là nguyên nhân chính khiến hoạt động vận chuyển của hãng bị gián đoạn nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ mắc kẹt của tàu Ever Given ở kênh đào Suez hồi tháng 3. Công ty cũng xác nhận rằng, việc chờ đợi kéo dài hơn hai tuần đã khiến nhiều hãng vận tải phải chuyển hướng tàu hàng tới các cảng biển khác.
Theo ước tính của Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Vespucci Maritime, ông Lars Jensen, kể từ cuối tháng 5, cảng Diêm Điền đã không thể xử lý khoảng 357.000 container 20 feet. Con số này cao hơn tổng số hàng hoá bị ảnh hưởng trong sáu ngày kênh đào Suez bị tắc nghẽn vào tháng 3 vừa rồi.
Tắc nghẽn lan rộng
Để ứng phó với tình trạng tắc nghẽn tại cảng Diêm Điền, những công ty vận tải như Maersk đang cố gắng chuyển một số tàu sang các cảng khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phương án này là chưa đủ để giải quyết vấn đề, bởi Maersk cảnh báo, thời gian chờ đợi tại các cảng khác ở Thâm Quyến, Quảng Châu và Hồng Kông cũng sẽ tăng lên khi nhiều tàu ồ ạt chuyển hướng.
Trên thực tế, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng ở Diêm Điền đã lan rộng, ảnh hưởng đến các cảng khác trên đồng bằng sông Châu Giang, như Shekou và Chiwan ở Thâm Quyến, Nansha ở Quảng Châu, tất cả đều là những cảng container hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, các cảng này hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Refinitive, tính đến ngày 17-6, hơn 50 tàu container vẫn đang chờ đợi để được vào khu vực vùng đồng bằng Châu Giang tỉnh Quảng Đông. CNN đánh giá, đây là sự cố ùn tắc lớn nhất từ năm 2019 đến nay.
Chỉ số giá cước vận chuyển container đối với hàng hóa xuất khẩu tại các cảng Thượng Hải và Ninh Ba đã tăng lần lượt 6% và 5,2% trong hai tuần đầu tháng 6, phản ánh năng lực hạn chế tại các cảng chủ chốt của Trung Quốc.
Hiệu ứng domino đối với chuỗi cung ứng toàn cầu
Nút thắt cổ chai tại Diêm Điền xảy ra đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi dòng hàng hóa lớn hơn, nhưng rốt cuộc lại phải đối mặt với rất nhiều hạn chế về nguồn cung, từ giá hàng hóa tăng cao cho đến tình trạng thiếu chất bán dẫn và container chứa hàng trên toàn thế giới. Hiệu ứng domino từ sự cố này được dự báo sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đối với ngành công nghiệp vận tải hàng trên toàn thế giới.
Theo CNN, tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển phía Nam Trung Quốc đã buộc nhiều công ty vận tải lớn phải cảnh báo khách hàng khả năng hàng hóa sẽ bị chậm, có thể phải đổi tuyến hoặc tăng phí đột biến. Nhiều đại gia trong ngành vận tải biển như Hapag-Lloyd, MSC và Cosco Shipping, đều đã tăng phí vận tải hàng hóa giữa châu Á với Bắc Mỹ hoặc châu Âu. Chẳng hạn, MSC đã thông báo tăng phí vận tải từ châu Á đến Bắc Mỹ lên khoảng 3.798 đô la/1 container 45 feet.
Đây đang dần trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu trong lĩnh vực vận tải biển. Hãng vận tải Drewry Shipping có trụ sở tại London cho biết, giá cước của tám tuyến vận tải Đông - Tây hàng đầu đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng kể nhất là tuyến đường từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan), với mức phí vận chuyển tăng 534% lên hơn 11.000 đô al cho một container 40 feet. Còn theo Refinitive, giá cước vận chuyển container trung bình từ Trung Quốc sang châu Âu cũng đã đạt 11.352,33 đô la - mức cao nhất kể từ năm 2017.
Trong một lá thư gửi tới Nhà Trắng, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) đã cảnh báo rằng, sự tắc nghẽn tại các cảng biển không chỉ làm chậm trễ chuỗi cung ứng mà còn dẫn đến tình trạng thiếu hàng tồn kho, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Peter Sand - chuyên gia phân tích vận tải biển của Bimco - một hiệp hội các chủ tàu cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn tại Diêm Điền, đang làm gia tăng mức độ gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã phải hứng chịu rất nhiều áp lực. Rất nhiều người có thể sẽ không tìm thấy món hàng mình mong muốn trên kệ khi đi mua quà dịp Giáng sinh năm nay”.
Sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu
Phó chủ tịch điều hành tại nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng E2open có trụ sở tại Texas (Mỹ), ông Pawan Joshi nhận định, cuộc khủng hoảng tại Quảng Đông một lần nữa cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu “mỏng manh dễ vỡ” đến thế nào.
Ông Pawan Joshi giải thích: “Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn khả năng dự phòng cho bất cứ sai sót hay sự kiện bất ngờ nào nữa. Tất cả đều đã bị vắt kiệt. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thể chịu được dù chỉ một sự cố nhỏ nhất vì không còn phương án ứng phó nào nữa”.
Theo các chuyên gia, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng vọt hiện nay đang xung đột với năng lực vận tải “giậm chân tại chỗ”. Áp lực càng tăng khi năng lực vận tải hàng không toàn cầu sụt giảm do khu vực hàng không đường dài gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.
“Trong bối cảnh nhu cầu vận tải biển trên toàn thế giới còn tăng mạnh, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến hàng hóa tắc nghẽn với mức độ cao hơn bình thường và tình trạng hàng bị chậm chuyến sẽ xảy ra thường xuyên hơn”, ông Joshi cho biết.
Nhu cầu hàng hóa được dự báo có thể sẽ thay đổi phần nào khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 và mọi người bắt đầu chi tiêu ít hơn cho các thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác. Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại, những hạn chế đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khó có thể biến mất trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi nhận thấy tình trạng rệu rã trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng lan rộng, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn hiện nay”, ông Peter Sand - chuyên gia phân tích vận tải biển của Bimco nhận định và ước tính, thế giới có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng căng thẳng chuỗi cung ứng trong vòng một năm tới.
Nguồn: CNN, SCMP
Xem thêm: lmth.nol-cuht-hcaht-tam-iod-uac-naot-iat-nav-hnagn/766713/nv.semitnogiaseht.www