Vào ngày 7/1/2021, một người đàn ông 34 tuổi với bệnh nền suy gan thận đã chết tại bệnh viện thủ đô Bhutan. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây không phải là trường hợp duy nhất tử vong vì đại dịch của quốc gia nhỏ bé này.
Vậy chuyện gì đã xảy ra khi hàng loạt cường quốc vất vả chống dịch thì đất nước nhỏ bé chỉ với 1 bác sĩ trên mỗi 2.000 người này lại đạt được những thành công đáng kể trong bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng?
Quốc vương Bhutan nghỉ ăn trưa tại một chốt kiểm tra trên đường đi thăm người dân
Theo hãng tin Reuters, ấn tượng đầu tiên của giới truyền thông quốc tế là sự nghiêm túc của các nhà lãnh đạo trong công tác phòng dịch. Mặc dù là quốc vương của Bhutan nhưng vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã di chuyển khắp đất nước, băng rừng lội đèo và gõ cửa từng nhà để cảnh báo người dân về đại dịch.
"Khi nhà vua di chuyển hàng trăm cây số và gõ cửa từng nhà để cảnh báo về đại dịch thì người dân sẽ coi trọng công tác phòng chống hơn nữa. Sự xuất hiện của nhà vua có sức ảnh hưởng hơn xa so với những văn bản hướng dẫn", Thủ tướng Lotay Tshering của Bhutan nhận định.
Giới truyền thông cho biết sự xuất hiện của nhà vua còn mang ý nghĩa đảm bảo người dân không cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống dịch.
Trong những tuần gần đây, quốc vương Bhutan đã đi tới cả những vùng núi có độ cao 4.343m so với mực nước biển suốt 5 ngày chỉ để cảm ơn đội ngũ y bác sĩ vì đã cố gắng giúp người dân chống dịch. Văn phòng quốc vương từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn nhưng vẫn đăng tải nhiều hình ảnh về chuyến đi này.
"Nỗi lo lắng lớn nhất của quốc vương là đại dịch sẽ lây lan như cháy rừng để rồi thiêu rụi cả đất nước", một nhân viên cấp cao của văn phòng quốc vương Bhutan cho biết.
Vốn là cha của gia đình 2 người con và là nhà lãnh đạo đất nước, vua Bhutan tuân thủ rất nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh. Sau mỗi chuyến đi động viên, ông đều cách ly tại một khách sạn tại thủ đô khi trở về và cũng đã tiêm phòng dịch Covid-19.
Huy động cả bác sĩ thú y chống dịch
Theo tờ The Atlantic, bên cạnh sự nghiêm túc của nhà lãnh đạo đất nước, việc Bhutan đảm bảo được phòng chống dịch tốt cũng góp công rất lớn từ các chiến lược của chính phủ. Xin được nhắc là quốc gia 760.000 dân này chỉ có 337 bác sĩ, chỉ bằng một nửa so với yêu cầu từ Tổ chức y tế thế giới (WHO). Thậm chí chỉ có 1 bác sĩ duy nhất trong số đó là được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19.
Tính trên toàn quốc, Bhutan chỉ có khoảng 3.000 nhân viên y tế và duy nhất 1 máy xét nghiệm Sars nCov-2.
Sự thiếu hụt này là dễ hiểu khi Bhutan là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới với GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 3.412 USD. Tồi tệ hơn, Bhutan giáp ranh với Trung Quốc, nước phát hiện ca nhiễm đầu tiên của đại dịch, và Ấn Độ, quốc gia có tỷ lệ người lây nhiễm cao nhất nhì thế giới và số người chết vì dịch cao thứ 4 toàn cầu.
Nhận thức được rủi ro này, Bhutan đã vô cùng nghiêm túc trong công tác chống dịch từ những ngày đầu. Khi Trung Quốc báo cáo WHO ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 31/12/2019 thì chỉ 11 ngày sau đó, Bhutan đã xây dựng xong kế hoạch phòng chống và áp dụng sau đó 4 ngày.
Vào đầu tháng 3/2020, Bhutan có ca nhiễm bệnh đầu tiên và nước này chỉ mất hơn 6 tiếng để truy tra 300 F1. Đồng thời quốc gia này cũng tuyên bố đóng cửa mọi hoạt động đông người, thực hiện giãn cách trên toàn quốc.
Đến tháng 4/2020, quốc vương Bhutan thành lập quỹ 19 triệu USD để hỗ trợ cho hơn 34.000 người dân chịu ảnh hưởng vì đại dịch. Không dừng lại đó, chính phủ còn gửi những hộp quà miễn phí bao gồm thuốc men, vitamin, khẩu trang... cho hơn 51.000 người già cả trên cả nước.
Chính phủ Bhutan nhận định cuộc chiến chống dịch Covid-19 không phải chỉ riêng ngành y tế mà cần mọi ban ngành, mọi người dân trên cả nước chung tay. Thái hậu (mẹ của vua) Bhutan cũng đã yêu cầu các bạn ngành chú ý đến sức khỏe sinh sản, đảm bảo y tế cho trẻ sơ sinh cũng như chống bạo hành gia đình mùa dịch.
Trước sức ảnh hưởng của quốc vương, hàng nghìn người Bhutan đã nộp đơn tự nguyện xin gia nhập đội ngũ tình nguyện viên, chấp nhận xa gia đình một thời gian để chung tay cùng cả nước chống dịch.
Đặc biệt hơn, Bhutan nhận rõ sự thiếu hụt nguồn lực của bản thân nên họ chấp nhận tận dụng mọi thứ mình có. Việc thiếu bác sĩ khiến Bhutan huy động cả đội ngũ thú y và chuyên gia an toàn thực phẩm sang công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá rất cao tốc độ tiêm chủng của Bhutan. Nếu không tính trẻ em thì nước này đã tiêm chủng cho 85% dân số từ đầu tháng 4/2021 và nhiều khả năng sẽ hoàn thành phổ cập vaccine cho cả nước vào cuối tháng 6/2021.
Dù dân số ít nhưng địa hình đồi núi, rừng rậm là một cản trở với các chuyên gia y tế cho việc tiêm chủng tại Bhutan nhưng chính phủ nước này đã vận dụng cả trực thăng để vận chuyển vaccine nhằm tăng tốc tiêm chủng. Trong khi đội ngũ bác sĩ di chuyển đến nơi tập kết thì mọi thiết bị bao gồm cả vaccine đã được đưa đến trước nhằm tận dụng thời gian.
Mặc dù vậy, do là nước nghèo nên Bhutan không đủ vaccine. Quốc gia này đã cạn nguồn dự trữ vaccine Astra Zeneca sau khi tiêm chủng xong cho 90% dân số và đang lên kế hoạch tiêm hỗn hợp các loại vaccine khác.
Nguồn: The Atlantic
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị