TS Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam từ năm 2017 - Ảnh: WHO
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-6, TS Kidong Park - trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - cho rằng dịch bệnh ở TP.HCM hiện đang diễn biến phức tạp. Nhiều chùm ca bệnh ở các địa điểm và trong những bối cảnh khác nhau với nguồn lây nhiễm chưa xác định cho thấy sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra.
Theo đánh giá của ông Park, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường các hành động ứng phó mạnh mẽ với ổ dịch đã được chứng minh là có hiệu quả. Điều này bao gồm phương pháp tiếp cận bốn tại chỗ (nhân lực - cơ sở vật chất - hành động ứng phó - nguồn lực) và chiến lược năm nguyên tắc (phòng ngừa - phát hiện sớm - kiểm dịch - khoanh vùng - dập dịch).
"Chúng tôi biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo hệ thống y tế tăng công suất xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu mỗi ngày và các nhân viên y tế đã làm việc suốt ngày đêm" - ông Park nói.
"UBND đã quyết đoán trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cả việc ban hành chỉ thị số 10 của riêng TP để hướng dẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Chúng ta cần người dân một lần nữa thể hiện sự đoàn kết và tuân thủ các biện pháp y tế" - ông nói thêm.
Cũng theo trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, vắc xin có thể là công cụ hữu hiệu để chống lại đại dịch này về lâu dài, nhưng vai trò của vắc xin trong việc kiểm soát ổ dịch cấp tính còn hạn chế. Hầu hết các loại vắc xin yêu cầu tiêm hai mũi và hiệu quả bảo vệ sẽ có sau khi tiêm mũi thứ hai một vài tuần.
Vì vậy, theo ông Park, việc thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế kết hợp với tiêm vắc xin là cách tiếp cận đúng đắn.
TTO - Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 29-6, TS Park Ki-dong, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh sự minh bạch dữ liệu từ nhà sản xuất vắc xin.