Trung Quốc được cho đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga chế tạo gần đường kiểm soát thực tế (LAC) – ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát với lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, theo trang tin The EurAsian Times.
Trong bối cảnh xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra ở khu vực Đông Ladakh đã hơn một năm, hai nước tăng cường hiện diện quân sự và hoạt động chuyển quân dọc LAC.
Trung Quốc triển khai 2 tổ hợp S-400 sát biên giới Ấn Độ?
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: The EurAsian Times
Ngày 15-6 năm ngoái, vụ ẩu đả đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh của Ấn Độ khiến 24 binh sĩ thiệt mạng. Đây là vụ đụng độ biên giới chết người nhất giữa quân đội Ấn Độ và quân đội Trung Quốc trong hàng thập niên.
Một số báo cáo cho rằng Trung Quốc hiện giờ đã bố trí hai tổ hợp S-400 tại căn cứ không quân Hotan ở Tân Cương và tại căn cứ không quân Nyingchi ở Tây Tạng, gần LAC.
Quân đội Trung Quốc cũng được trang bị máy bay không người lái (UAV) vũ trang, UAV được triển khai bầy đàn, tên lửa và rocket. Cũng có nhiều báo cáo đưa tin về việc Trung Quốc bổ sung các khu trại trong các khu vực sâu xa dọc LAC.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ sẽ nhận lô năm tổ hợp S-400 từ Nga. S-400 có khả năng tấn công tên lửa, máy bay trong phạm vi 40 km – 400 km.
Các loại vũ khí đang được sử dụng
Theo hãng tin Bloomberg, Ấn Độ đã đưa gần 50.000 quân tới LAC, nâng tổng số binh sĩ tham gia nhiệm vụ canh gác biên giới với Trung Quốc lên khoảng 200.000 quân, tăng 40% so với năm ngoái.
Ấn Độ đang bảo vệ các căn cứ quân sự nước mình cũng như những thị trấn có doanh trại bằng việc triển khai tên lửa hành trình Akash nội địa, hệ thống tên lửa đất đối không phản ứng nhanh SpyDer do Israel chế tạo và hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn OSA-AK và Pechora có từ thời Liên Xô, theo báo Hindustan Times.
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Những tiêm kích có trong Không quân Ấn Độ như Sukhoi-30 MKI và MIG-29 thường xuyên được triển khai để tuần tra bầu trời.
Các báo cáo cho hay quân đội Ấn Độ đang nhận bốn UAV Heron từ Israel để làm nhiệm vụ trinh sát dọc LAC.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang trong quá trình mua UAV MQ-9 Predator-B của Mỹ, một loại UAV đã được thử nghiệm trong chiến trường.
Ở chiều ngược lại, quân đội Trung Quốc đã triển khai hàng loạt UAV, UAV bầy đàn, tên lửa và rocket, trong đó có tên lửa đất đối không HQ22 với khả năng tấn công máy bay, trực thăng, UAV, tên lửa đạn đạo và hành trình.
Trung Quốc cũng được cho đã triển khai trực thăng tấn công Z-10 cho các hoạt động ở vùng núi và máy bay vận tải hạng nặng Y-20 để thuận lợi cho việc điều động binh lính ở Tây Tạng.
Một phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã thiết lập một địa điểm đặt tên lửa đất đối không bên bờ hồ Mansarovar ở Tây Tạng, đồng thời đang phát triển những cơ sở tương tự để bao phủ những khu vực nhạy cảm tại biên giới tranh chấp ở Doklam và Sikkim.
Ấn Độ sẽ đấu với Trung Quốc bằng S-400?
Trong bối cảnh Ấn Độ sắp mua được lô S-400 đầu tiên của Nga, đã có cuộc tranh luận thường xuyên trong giới quốc phòng về việc liệu câu trả lời của Ấn Độ đối với S-400 của Trung Quốc (Trung Quốc đã mua của Nga năm 2018) có phải cũng sẽ là S-400 không?
Tiến sĩ Amrita Jash làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh trên bộ trụ sở New Delhi (Ấn Độ) nêu bật mối quan ngại của Bắc Kinh đối với Ấn Độ trong quyết định triển khai hệ thống tên lửa S-400 của nước mình.
Binh sĩ Ấn Độ dưới chân núi gần Leh, thủ phủ của Ladakh hôm 24-6-2020. Ảnh: TAUSEEF MUSTAFA/AFP/Getty Images
“Trung Quốc coi Ấn Độ là một mối đe dọa bởi thực tế Ấn Độ luôn chống lại những hành động của Trung Quốc tại LAC. Đông Ladakh là một sự kiểm tra thực tế không chỉ với Ấn Độ mà còn cho Trung Quốc. Trung Quốc không còn có thể đối xử nhẹ nhàng với Ấn Độ được nữa” – bà Jash nói với The EurAsian Times.
Bình luận về tranh chấp biên giới Ấn-Trung, bà Jash nói rằng không như các tranh chấp biên giới khác của Trung Quốc vốn đã được giải quyết, việc giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ là một “kèo giao dịch khó khăn” với Bắc Kinh và nước này biết rõ điều này.
“Do đó, những nỗ lực (của Trung Quốc) trong việc thay đổi hiện trạng tại LAC sẽ tiếp tục” – bà nói.
Khi được hỏi liệu Ấn Độ có khả năng triển khai hệ thống S-400 tại LAC hay không, bà Jash nói rằng việc Ấn Độ mua S-400 chủ yếu nhằm mục đích xây dựng khả năng phòng thủ chống lại các đối thủ.
“Với Ấn Độ, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự khôn ngoan nằm ở việc triển khai S-400 tại LAC. Ở đây, từ khóa là răn đe” – bà Jash nói thêm.
Tiến sĩ Jash còn lưu ý cách Bắc Kinh đang để mắt tới hệ thống tên lửa S-500 của Nga càng làm gia tăng tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
Trong khi đó, Ấn Độ đang thích ứng với những thực tế đang thay đổi trong tác chiến trên không bằng cách đầu tư vào công nghệ mới hơn như tên lửa không đối đất tầm trung HAMMER.
Trong một bước đi khác nhằm củng cố năng lực phòng không, Ấn Độ đang trong quá trình hợp nhất các lực lượng vũ trang vào các quân khu hỗn hợp.