Cử nhân từng định làm công nhân
Là sinh viên ngành quản trị kinh doanh một trường đại học ở quận Bình Thạnh, ra trường với bằng cử nhân, Võ Minh Đức (27 tuổi, ngụ phường 10, quận Gò Vấp) từng thử việc vị trí kế toán một cửa hàng quần áo khá lớn. Nhưng sau chín tháng làm việc, anh nghỉ do không chịu được áp lực công việc và thường xung đột cấp trên.
"Tôi thấy lương, phụ cấp cũng thấp nhưng công việc thì rất nhiều, thường ở công ty tới tối hoặc mang việc về nhà làm đến khuya, có lúc làm cả ngày nghỉ. Mức lương đó còn thấp hơn làm công nhân tăng ca", Đức nói.
Đức chuyển sang làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng một doanh nghiệp bất động sản. Được nửa năm, anh trong danh sách nhân sự cắt giảm do công ty kinh doanh không thuận lợi.
Có chút hiểu biết truyền thông, anh xin vào một thẩm mỹ viện. Song vì chưa có nhiều kinh nghiệm, anh thường bị từ chối các đề xuất, thu nhập lại bấp bênh do chưa phải là nhân viên chính thức. Anh nhanh chóng rời đi khi thời gian làm chỉ tính bằng tháng.
Có thời điểm anh thất nghiệp gần bốn tháng khi rải hồ sơ xin việc ở một số công ty nhưng bị từ chối. Lý do "hồ sơ nhạt nhòa, chưa có thành tích nổi bật" hoặc không chấp nhận mức lương anh đề ra. Có nơi không hồi âm, nơi thì cho biết đang cắt giảm người làm.
Để trang trải tiền thuê nhà và sinh hoạt phí, chàng trai quê Quảng Ngãi có bằng Đại học Kinh tế, phải trải qua những việc mà anh chưa từng nghĩ sẽ phải làm như chạy xe công nghệ, đến cò đất nghiệp dư. Thậm chí, nhiều lúc nản, anh định làm công nhân bởi "nghe nói nếu tăng ca thì lương hơn 10 triệu đồng/tháng".
Đầu năm nay, anh lên Đà Lạt ở năm tháng với vai trò tình nguyện viên cho một trang trại du lịch. "Tôi được trả công hơn 5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, cũng không chi tiêu quá nhiều nên tạm sống được", Đức tâm sự. Nhưng việc này cũng không kéo dài.
Hiện tại, sau hơn bốn năm ra trường, Đức vừa được nhận vào làm kế toán một doanh nghiệp mỹ phẩm ở quận Gò Vấp, dù thu nhập chưa như mong đợi. "Thời điểm này tìm được việc làm đã là quý rồi", anh cho hay.
Mãi vẫn không có việc ổn định vì lương thấp
Buổi sáng giữa tuần tại một trung tâm dịch vụ việc làm ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), một số bạn trẻ ghé vào tìm hiểu thông tin. Gương mặt thoáng chút lo lắng, Phạm Thị Hồng (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vừa cầm tờ mô tả vị trí cần tuyển của một cơ sở làm đẹp vừa hỏi yêu cầu công việc.
Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng khách sạn, cô từng đi làm cho một công ty nhỏ với mức lương 6 triệu đồng. "Quá nhiều việc không tên và sau đó bị giảm lương do công ty khó khăn nên một năm sau tôi đành xin nghỉ", cô nói.
Hồng tiếp tục rải hồ sơ 4 - 5 nơi. Có nơi cô vào thử việc một tháng rồi ngưng, có nơi không được nhận phỏng vấn.
"Tôi từng xin vào một công ty thiết bị vệ sinh, việc không liên quan chuyên ngành. Mỗi ngày viết 5 - 6 bài giới thiệu sản phẩm, lương 5 triệu đồng nên tôi từ chối. Tôi đang tìm việc khác, cầu mong lương khá hơn", cô tâm sự.
Với Hồng, chuỗi ngày đi xin việc quá trần ai, nào chuẩn bị hồ sơ, đi khám sức khỏe, sắm "bộ đồ vía" đi phỏng vấn rồi thất bại... Cô nhận thấy mình là người năng động, chịu khó, thế nhưng kiếm được việc thu nhập ổn là điều không dễ. Hồng cho biết nếu sau này có việc trái ngành nhưng đáp ứng những tiêu chí về thu nhập thì cô sẵn sàng làm.
Không giống Hồng và Đức, Nguyễn Lan Phương (26 tuổi, ngụ Bình Dương) quyết định... đi học nghề sau vài năm thử sức nhiều nơi. Tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ Sài Gòn bốn năm trước, ban đầu cô làm việc trong ngành thẩm định. Đặc thù công việc phải làm ngoài giờ hành chính nên cô dần thấy không phù hợp và xin nghỉ.
"Sau đó, tôi làm marketing cho một công ty ở quận Bình Thạnh, mức lương 10 triệu đồng và thêm phụ cấp ăn trưa, xăng xe. Thời gian làm việc khá thoải mái, sáng 8h30 mới đến chỗ làm", Phương kể. Đợt dịch COVID-19, cô gái trẻ lập gia đình và mang thai, thời gian giãn cách cộng thêm giảm lương nên phải nghỉ việc. Cô về quê sinh con và không tiện đi làm xa nhà nữa nên xin vào một công ty chuyên về nhà tiền chế.
Tháng 9-2023, Phương lại một lần nữa phải nghỉ việc và lại đi học từ đầu nghề chăm sóc sức khỏe.
Kinh nghiệm dày dạn hơn những người trên, Đinh Tiến Quốc, 29 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Đại học Tài chính - Kế toán, đã bảy năm cũng đang phải làm lại từ đầu. Từng làm việc cho phòng giao dịch ngân hàng thương mại khá lớn ở TP.HCM, năm ngoái anh bị mất việc vì ngân hàng gặp sự cố, phải thu gọn hệ thống.
"Tôi nghĩ mình có kinh nghiệm ngành ngân hàng, ai ngờ hơn 10 tháng rải đơn vẫn chưa tìm được việc phù hợp", Quốc chua chát nhận định cá nhân rằng thời điểm này anh tìm việc có vẻ còn lận đận hơn hồi mới ra trường bảy năm trước, dù đã có kinh nghiệm.
Quốc kể anh đã thâm niên làm việc và có gia đình, lại đang nợ tiền góp mua chung cư, nên đề xuất mức lương từ 16 triệu đồng, nhưng đều bị từ chối hết. Thậm chí, có chỗ chỉ chịu trả anh dưới 10 triệu đồng, "như vậy thì như công nhân lao động rồi".
Thất vọng, Quốc thử xin việc các công ty tài chính. Hầu hết đều mời anh đến phỏng vấn, nhưng đều kèm điều kiện phải chạy doanh số quá cao. Và kinh nghiệm cho anh hiểu rất khó khả thi ở giai đoạn khó khăn này.
Cơ cấu nhu cầu nhân lực ở TP.HCM
Dựa trên khảo sát nhu cầu nhân lực của 14.540 lượt doanh nghiệp với 69.951 chỗ làm việc, "Báo cáo thị trường lao động quý 3 - dự báo nhu cầu nhân lực quý 4-2023 tại TP.HCM" do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM công bố cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo là 60.473 chỗ làm việc, trong đó trình độ đại học là 15.984 chỗ làm, chiếm 22,8%.
Đơn vị này cũng khảo sát 32.305 người có nhu cầu tìm việc tại TP.HCM, kết quả cho thấy nhu cầu tìm việc ở lao động đã qua đào tạo là 32.135 người. Trong đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm theo trình độ đại học trở lên có 24.854 người, chiếm gần 77% tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Như vậy trong quý 3-2023, khảo sát của đơn vị này cho thấy 24.854 người có trình độ đại học trở lên có nhu cầu tìm việc, trong khi nhu cầu tuyển dụng đối với trình độ này là 15.984 chỗ làm.
Làn sóng sa thải ở ngành công nghệ
Theo "Báo cáo thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành công nghệ giai đoạn 2022 - 2023" do VietnamWorks inTECH công bố, suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra những tác động không nhỏ đến lĩnh vực này. Việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, thách thức trong thu hút nhân tài... buộc nhiều doanh nghiệp thay đổi cơ cấu nhân sự và chiến lược tuyển dụng.
Cụ thể, doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM chịu tác động mạnh bởi làn sóng sa thải nhân sự công nghệ hơn các tỉnh thành khác. TP.HCM có tỉ lệ cắt giảm nhân sự ngành này cao nhất (22,2%), Hà Nội thấp hơn và thường chọn cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác (chiếm 14,7%).
Những công ty quy mô nhân sự dưới 100 người có tỉ lệ cắt giảm nhân sự cao. Nhóm lao động công nghệ thông tin dưới năm năm kinh nghiệm chịu ảnh hưởng nặng nhất từ làn sóng cắt giảm này, chỉ có 23,8% người có công việc ổn định.
Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tập trung chất lượng tuyển dụng nhiều hơn, yêu cầu khắt khe hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm và có kinh nghiệm cao.
---------------
Ngoài lý do xin việc khó khăn, một số bạn trẻ cho biết họ thường chọn nhảy việc hoặc từ chối nếu việc làm không như mong đợi.
Kỳ tới: Khi bạn trẻ kén việc, nhảy việc như cơm bữa
Nhiều bạn trẻ rải CV khắp nơi nhưng không được hồi âm. Nhiều người chấp nhận làm trái nghề để "chờ thời" hay tranh thủ học tiếp cho qua ngày đoạn tháng thất nghiệp.