Cụ Đồ Chiểu còn là thầy thuốc đức độ, cứu người Tranh họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ năm 2022
Niềm kiêu hãnh máu mủ
Sau một hành trình dài đến Bến Tre, xuống huyện Ba Tri rồi quanh co tới xã Mỹ Nhơn, giữa một khu vườn sơri hoang tàn, căn nhà như sắp đổ, một bà cụ hiện ra còm cõi, cô đơn, nghi ngại nhìn người lạ.
Thế nhưng trên gương mặt chưa hết nét xuân sắc, nụ cười bừng sáng ngay khi nghe khách nhắc đến tên cụ Đồ Chiểu. "Đồ Chiểu, phải rồi, đời tôi chỉ còn những câu chuyện về cụ đồ thôi", bà nói, rồi lăng xăng đi thay áo, đi tìm tập thơ, tìm cái giỏ xách để đi thăm cụ đồ... Bà là Âu Dương Thị Yến, người cháu 5 đời của cụ.
"Mảnh vườn tôi đang ở đây là do cụ Nguyễn Đình Chiêm (người con thứ bảy của cụ Nguyễn Đình Chiểu) mua được sau nhiều năm tích cóp, có lẽ sau khi cụ Đồ Chiểu mất. Toàn gia ông Chiêm đã sống ở đây, giữ gìn mảnh vườn này.
Bà cố mẫu Sương Nguyệt Anh làm báo ở Gia Định, khi cuối đời cũng về đây và mất tại vườn này. Bà ngoại tôi là con gái ông Chiêm. Nay tôi còn một mình, chồng mất, con không có, sức khỏe không còn, vườn tược hoang tàn, nhà cửa đổ nát nhưng vẫn không nỡ bán vườn ông Chiêm.
Hơn 150 năm, bao nhiêu biến động, bao nhiêu khó khăn mà mấy thế hệ vẫn gìn vẫn giữ"... Gương mặt bà Yến tươi rỡ kể không dứt về niềm kiêu hãnh cả đời bà: được làm con cháu cụ đồ.
Bước chân bà lững chững đau khó khi ra khỏi nhà chợt như vững hơn, nhanh hơn khi trèo lên những bậc thang đền thờ Nguyễn Đình Chiểu rồi thoăn thoắt bước sang khu mộ.
Cắm xong mấy nén nhang, tìm một chỗ có bóng cây, khi ấy bà mới thư thả ngồi, ngắm ba ngôi mộ giản dị của cụ Đồ Chiểu, người vợ Lê Thị Điền và con gái là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã nằm đó, song song từ bao năm, phía trước còn có thêm mấy nấm mộ tròn nữa.
Tôi hỏi, bà mỉm cười: "Mấy nấm mộ tròn này là của gia đình chủ đất. Cụ Đồ Chiểu và vợ nằm đây là đất của học trò, của bà con Ba Tri tặng cho chứ bản thân cụ không có đất, sau này Nhà nước đổi vườn, mua thêm ruộng để lập khu lưu niệm. Có khu lưu niệm lớn nhất vùng rồi, nhưng cụ vẫn nằm cùng người dân.
Tài sản của cụ nếu có thì ở Gia Định, nhưng chẳng biết là ở đâu. Có hồi quan Tây ngỏ ý tìm trả, cụ không màng tới: "Đất vua còn mất thì của tôi sá gì". Cụ đi thuyền theo đường biển đến đây, làm người Ba Tri. Khi cụ mất, người dân tự nguyện để tang trắng cả một vùng".
Bà Yến mỉm cười kể tiếp: "Tôi được tiếng thông minh từ nhỏ, học toán - lý giỏi lắm, tôi đã muốn trở thành nhà khoa học nhưng rồi cha mẹ chết, phải rẽ ngang để đi làm nuôi các em, trở thành giáo viên dạy môn vật lý cấp II. Thế nhưng có "máu Đồ Chiểu" trong người nên tôi còn tập làm thơ. Bắt chước cụ, tôi làm 10 bài thơ nhớ cụ...".
Bà ngâm nga: "Nỗi buồn non nước suốt canh thâu/ Mây trắng trời xanh cũng nhuốm sầu/ Thương nước thương dân thơ đằm lệ/ Yêu người yêu nước ý u sầu...".
Ấy là bà nhớ một Nguyễn Đình Chiểu thi sĩ, còn đây là nhớ Nguyễn Đình Chiểu chiến sĩ: "Dù trăm năm lẻ đã trôi xa/ Khí tiết nho gia giữ đạo nhà/ Sáu mẫu tự vang hồn lục tỉnh/ Vạn câu thần rực sắc trăm hoa/ Đêm dài nhỏ lệ thương dân tộc/ Ngày ngắn khôn nguôi chuyện quốc gia/ Bút thép đâm gian dù mắt tối/ Mỗi lời văn một bản hùng ca"...
Bà Âu Dương Thị Yến bên mộ cụ Đồ Chiểu - Ảnh: TỰ TRUNG
Câu thứ 27 của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Người phụ nữ thứ hai tôi tìm gặp được ở một khu nhà trọ sâu trong thị trấn Cần Giuộc, cũng già yếu, tiều tụy và cũng như bừng sáng lên khi nhắc đến cụ Đồ Chiểu. Bà là Châu Anh Phụng. "Nói chuyện cụ đồ thì tôi sẽ nói, sẽ gặp", bà ôm lấy cái cặp đựng tài liệu vật bất ly thân rồi ra khỏi phòng trọ chật hẹp...
Không phải nhà nghiên cứu khoa học, không giảng dạy, không sáng tác, bà Châu Anh Phụng mang lấy cho mình nỗi say mê, tìm tòi những gì liên quan đến cụ Đồ Chiểu từ những ngày là nữ sinh Gia Long.
"Sinh sống ở Sài Gòn nhưng quê tôi ở Cần Giuộc. Mỗi lần về quê, tôi thấy quê mình thật nghèo, thật xấu xí. Kể với bạn, bạn trêu "cần tiền không cần, lại cần giuộc thì nghèo là phải rồi".
Thế rồi có lần thầy giáo hỏi rồi xoa đầu tôi bảo: "Quê em đáng tự hào lắm đó". Tôi về hỏi cha, cha nói "Quê mình có cụ Đồ Chiểu đó con".
Từ đó để ý, mỗi lần đọc tác phẩm của Đồ Chiểu là cha khóc. Tôi biết tự hào về Cần Giuộc từ đó, say mê với Đồ Chiểu từ đó, lặn lội đi tìm, sưu tầm những gì liên quan đến ông từ đó".
Bà Phụng đi cùng tôi ra tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được hoàn thành vào năm 2018 ở trung tâm thị trấn như sáng rực lên giữa trưa hè, tự hào chỉ vào cặp câu biền ngẫu thứ 27 của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc khắc dưới chân tượng.
"Bài văn tế này có 31 câu, khác các bản lưu hành chỉ có 30 câu, là khắc theo văn bản mà tôi đã sưu tầm được trong quá trình điền dã từ mấy chục năm trước: bản viết tay của cụ Lê Công Cẩn - một nhà nho ở vùng Cần Giuộc, cũng là cháu vợ cụ Đồ Chiểu. Bài có thêm câu biền ngẫu thứ 27: "Sông Cần Giuộc cỏ cây nhuốm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô; Chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ". Chợ Trường Bình xưa nằm gần chùa Tôn Thạnh...". Quả là câu thứ 27 này trong các bản văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đang lưu hành không có, mà chỉ có câu thứ 17: "Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ".
"Câu thứ 27 mà tôi tìm thấy đọc được rõ tâm sự mất nước xót xa của Nguyễn Đình Chiểu và gắn liền máu thịt với đất với người Cần Giuộc. Văn bản ấy là báu vật đối với tôi", bà Phụng nói. Bà còn có nhiều "báu vật" khác nữa, như những bản Lục Vân Tiên đầu tiên hơn trăm năm trước mà bà đang cất giữ "ở một nơi an toàn hơn phòng trọ. Và còn này nữa...", bà khoe. Chúng tôi cùng đến chùa Tôn Thạnh - Cần Giuộc. Mái chùa nâu xưa cũ và những tòa tháp sau này cùng đứng hài hòa, mát rượi và thơm ngát dưới bóng những cây sala cổ thụ.
Kéo tôi đến một tấm bia nằm trong sân chùa, bà chỉ: "Đây là tấm bia tôn vinh những ngày cụ Đồ Chiểu sống và sáng tác dưới mái chùa này do chính tôi vận động xây dựng từ 1973". Trên tấm bia đề: "Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp, và cũng nơi đây cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên".
Được xây dựng từ 1808, những ngày mái chùa gần với cuộc đời nhất là những ngày nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở đây, chứng kiến trận đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16-12-1861) của nghĩa dân Cần Giuộc "Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấc lòng son gởi lại bóng trăng rằm; Đồn Lang Sa một khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ"...
Bà Âu Dương Thị Yến tự hào: "Cụ đồ xưa gắn bản thân vào đất nước mật thiết như vậy. Gia Định mất, cụ về Cần Giuộc. Cần Giuộc không giữ được, cụ chạy về Ba Tri. Rốt cuộc lục tỉnh cũng bàn giao cho giặc, cụ quyết sống mà không động đến những thứ đồ văn minh, hiện đại mà người Pháp đem đến. Những người con cụ, như ông ngoại Nguyễn Đình Chiêm của tôi cũng theo nếp cụ. Mẹ kể: Có hồi đang đi trên đường, ông chợt hỏi "Đường này ai làm?", nghe trả lời "Tây làm", lập tức ông xắn quần lội xuống ruộng. Tôi là người thời đại khác rồi, tôi tự đúc kết khí chất Đồ Chiểu "năng lực, nhiệt thành, nhân ái" để sống cuộc đời mình, nghèo nhưng kiêu hãnh".
Rời khỏi khu mộ cụ Đồ Chiểu, bà Yến còn ngâm nga hai câu thơ khắc trên bia của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh: "Lọng sương dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô"...
-------------
Cách đây hơn chục năm, bài viết "Lục Vân Tiên đã chết" của một bạn đọc Bến Tre ghi lại câu chuyện mình chứng kiến trên phà Rạch Miễu và lời tâm sự "tinh thần Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha"...".
Kỳ tới: Nghĩa khí lục tỉnh
TTO - Truyện Lục Vân Tiên không những cung cấp cho sinh hoạt nói thơ một bổn thư mới hấp dẫn, mà còn làm nảy sinh một điệu nói thơ mang tên của chính nó. 'Nói thơ Vân Tiên' trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật ở Nam Kỳ.
Xem thêm: mth.28563759010702202-od-uc-gnob-oeht-2-yk-iod-gnort-ueihc-hnid-neyugn-oad/nv.ertiout