Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trò chuyện với học sinh Hải Phòng ngày 30-6 - Ảnh: NGUYỄN MẠNH
"Các thầy cô phải rà soát, có biện pháp hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong việc ôn tập do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài để các em có thể đạt được yêu cầu tối thiểu của kỳ thi tốt nghiệp THPT" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói tại buổi kiểm tra chuẩn bị thi tại Hải Phòng.
Ông cũng dành nhiều thời gian trao đổi với học sinh lớp 12 các trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Ngô Quyền về khó khăn khi phải học trực tuyến kéo dài, việc ôn tập trong những ngày cuối trước kỳ thi.
Đề thi phù hợp
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết thế hệ thí sinh dự thi năm nay vừa trải qua một năm học đặc biệt, với 7 tháng phải học trực tuyến. Đây cũng là lớp học sinh chịu ảnh hưởng từ nhiều đợt dịch từ năm 2020 - 2022. Vì thế trong định hướng ra đề thi, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tính toán để đề thi phù hợp với điều kiện dạy học thực tế, đồng thời đảm bảo đánh giá được chất lượng dạy học.
Ông Độ cũng đề nghị Hải Phòng cũng như các địa phương khác cần rà soát kỹ để nắm tình hình thí sinh, tùy theo tình huống, nhóm đối tượng cụ thể để có phương án hỗ trợ thí sinh khác nhau: từ việc đi lại, ăn nghỉ đến ôn tập, chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi.
"Không để thí sinh vì khó khăn mà bỏ thi. Đây là yêu cầu của Bộ GD-ĐT" - ông Độ nhấn mạnh.
4 loại phòng thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã giảm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn phòng dịch đúng với khuyến cáo của cơ quan y tế.
"Cần chuẩn bị 4 loại phòng thi: phòng thi cho thí sinh đại trà, phòng thi cho những thí sinh nghi ngờ nhiễm COVID-19, phòng thi cho thí sinh đang là F0 và phòng thi dự phòng" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khác với 2 năm trước, trong kỳ thi năm nay thí sinh F0, nghi ngờ là F0 (có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, test nhanh COVID-19 có kết quả dương tính) nếu đủ sức khỏe và có nguyện vọng sẽ được dự thi tại các phòng thi riêng trong các điểm thi. Thí sinh diện F1 được dự thi chung với thí sinh khác, nhưng phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian thi.
Bộ GD-ĐT cũng bổ sung đối tượng được đặc cách tốt nghiệp (bên cạnh các đối tượng đã quy định trong quy chế thi) là thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định (F0) đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế hoặc cách ly điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú, không thể dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Để được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có giấy xác nhận F0 do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với ca bệnh đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế do cơ sở y tế trực tiếp theo dõi điều trị xác nhận; đối với ca bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú thì do trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của xã, phường, thị trấn xác nhận.
Chú trọng ngăn ngừa hơn xử lý
Việc đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn được Bộ GD-ĐT yêu cầu siết chặt. Nhưng với thí sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng cần lường trước các rủi ro để ngăn ngừa sớm. Tránh cho thí sinh rơi vào tình huống sai phạm, phải xử lý kỷ luật vì những lỗi do không được giám thị phổ biến kỹ từ trước.
Từ thực tế các kỳ thi trước, ông Độ cho rằng nhiều khi "sự cố nhỏ, nhưng hậu quả lớn", ảnh hưởng đến cả kỳ thi. Vì thế, việc tập huấn cán bộ tham gia kỳ thi, tuân thủ các biện pháp phòng tiêu cực cần được các địa phương quan tâm, làm kỹ, không hời hợt.
Không sử dụng các phòng thi gần nhà dân, bố trí nơi để tư trang, đồ dùng của thí sinh đảm bảo khoảng cách 25m với phòng thi, kiểm tra các điều kiện như điện, quạt mát đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thí sinh là những vấn đề được lãnh đạo bộ lưu ý kỹ khi làm việc tại các hội đồng thi và ban chỉ đạo thi địa phương.
Cũng trao đổi về vấn đề phòng chống gian lận thi cử, ông Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đề nghị các hội đồng thi tuân thủ quy định bốc thăm để giám thị nhận phòng thi, bốc thăm chọn phương án đánh số báo danh của mỗi buổi thi, bốc thăm chọn cách thức phát đề thi... để đảm bảo khách quan, ngăn ngừa trước tình trạng gian lận thi có tổ chức như đã từng xảy ra.
Lo không đủ khả năng phát hiện thiết bị gian lận
Theo đại diện Ban chỉ đạo thi TP Hải Phòng, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hải Phòng mới đây có thí sinh mang một cặp kính bất thường vào phòng thi. Dù nghi ngờ, nhưng cán bộ coi thi không đủ khả năng xác định đây có phải thiết bị có khả năng sử dụng để gian lận không. Khi vật dụng này được chuyển cho cơ quan công an thì mới biết đó là thiết bị có gắn chức năng thu phát thông tin.
Việc này chỉ là một trong những tình huống khiến ban chỉ đạo thi ở Hải Phòng lo ngại cán bộ coi thi không đủ khả năng phát hiện những thiết bị tinh vi và mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan công an để tập huấn, hướng dẫn giám thị phát hiện các thiết bị, xử trí tốt các tình huống gian lận thi tinh vi.
Ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cũng bày tỏ lo lắng: "Giám thị chưa có kỹ năng, thiết bị để phát hiện các thiết bị công nghệ cao mà thí sinh mang vào phòng thi để làm lộ, lọt đề từ phòng thi ra bên ngoài".
Sao in đề thi: khâu trọng yếu
Bộ GD-ĐT khuyến cáo việc lựa chọn địa điểm, nhân sự, phương án đảm bảo an ninh, an toàn ở khu vực sao in đề thi phải được quan tâm đặc biệt để ngăn chặn lộ đề từ điểm in sao, vận chuyển đề thi và trong quá trình thí sinh làm bài thi.
Theo ông Lê Mỹ Phong, trong kỳ thi năm nay, một quy định mới là thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận. Vì thế, thí sinh nộp bài sớm sẽ phải ở lại phòng chờ của điểm thi tới thời điểm an toàn và không được mang đề thi ra ngoài điểm thi nếu chưa hết thời gian quy định trên.
TTO - Hơn hai tuần nữa khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thời điểm này các tỉnh thành đang gấp rút những khâu chuẩn bị cho kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
Xem thêm: mth.5933619010702202-hnis-iht-ort-oh-neit-uu-2202-man-tpht-peihgn-tot-iht/nv.ertiout