Thiếu tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, các thảm họa, thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã, đang và sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, thảm họa, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến hàng triệu người khác phải sơ tán, mức độ thiệt hại về kinh tế ngày càng gia tăng.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tính đến nay Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phòng chống thảm họa, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình như: Nghị quyết số 24 ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Nghị định số 30 ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 160 ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 02 ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự…
Những năm vừa qua, với vai trò nòng cốt, lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài ngành Công an để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn và thảm họa, thiên tai. Hội thảo khoa học “Công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm tuyên truyền, giáo dục về nhận thức; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như vai trò của lực lượng CAND nói chung, của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng đối công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 61 báo cáo khoa học của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND...
Thiếu tướng Lê Quang Bốn phát biểu Đề dẫn Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Phân tích đánh giá, làm rõ thực trạng và dự báo về tình hình, diễn biến, cũng như tác động của thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Các phương án tổ chức và xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp cũng như lực lượng dự bị, thường trực sẵn sàng chiến đấu... Phổ biến công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nghiên cứu, chế tạo các trang thiết bị mới ứng dụng trong công tác dự báo thảm họa, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Phổ biến kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các giải pháp cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai ở Việt Nam…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, thiên tai và biến đối khí hậu; nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công tác cứu nạn, cứu hộ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với thảm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu. Phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội thảo. |
Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với thảm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra; thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo kế hoạch, kịch bản đã đề ra; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời công tác cứu nạn, cứu hộ trong các vụ việc đã triển khai thực hiện trên thực tế.
Ưu tiên bố trí kinh phí và trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống thảm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu. Hướng dẫn Công an các đơn vị cơ sở làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư, phương tiện, công tác dự phòng, dự trữ để chủ động ứng phó khi có tình huống thảm họa, thiên tai xảy ra…
Xây dựng các kịch bản về các tình huống nghiệp vụ phổ biến trong ứng phó với các mối đe dọa của thảm họa, thiên tai. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ trong thảm họa, thiên tai cho lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng dự bị xung kích phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của ngành Công an.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Chủ động đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến dục kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân về phòng, chống thảm họa, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các nguồn lực tài chính, trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trong ứng phó với thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu…