Chỉ một năm trước, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng 2022 sẽ là một năm kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp sẽ quay trở lại, hoạt động hết công suất sau hơn một năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Người tiêu dùng sẽ được tự do ra ngoài, sử dụng số tiền họ đã tiết kiệm được trong suốt thời gian phong tỏa mua sắm hàng hóa, dịch vụ, điều mà họ đã không thể làm trong nhiều tháng trước đó. Đây sẽ là “thập niên 20 huy hoàng”, theo lời một số chuyên gia khi họ liên tưởng tới giai đoạn kinh tế bùng nổ mạnh mẽ sau khi dịch cúm bùng phát từ năm 1918 và kết thúc vào năm 1921.
Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, sự lạc quan đó đã hoàn toàn biến mất. Từ “thập niên 20 huy hoàng, nhiều người lại mường tượng ra một giai đoạn lạm phát đình đốn (đình lạm), giống như thập niên 70 của thế kỷ trước, thời điểm các quốc gia Arab dừng xuất khẩu dầu tới nhiều quốc phương Tây khiến cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào một giai đoạn trì trệ kéo dài. Lạm phát khi đó tăng lên ngưỡng 2 chữ số, đi kèm với tăng trưởng “rùa bò”.
Vậy, nguyên nhân là gì?
Xung đột tại châu Âu
Kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi sau đại dịch trước khi vấp phải cú sốc lớn đầu tiên: Cuộc xung đột Ukraine. Ngày 24/2, Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine, cuộc xung đột vũ trang đầu tiên tại lục địa già kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là cuộc xung đột vũ trang đầu tiên tại châu Âu từ Thế chiến II. Ảnh: Reuters.
Động thái của Nga ngay lập tức châm ngòi cho một loạt các lệnh trừng phát từ các quốc gia phương Tây và đồng minh. Mỹ và châu Âu chưa bao giờ thế hiện sự đoàn kết lớn tới như vậy.
Những biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm sớm cô lập nền kinh tế của Nga, buộc quốc gia này sớm rút quân khỏi Ukraine. Thế nhưng, tình thế không khác nào gậy ông đập lưng khi không chỉ Nga mà chính các quốc gia phương Tây, và người dân của họ, đang phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề từ chính những gì họ đã làm.
Nga là quốc gia có sản lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Nga còn là một cường quốc xuất khẩu thép, niken và nhôm. Chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu, Nga là quốc gia có ảnh hưởng lớn tới an ninh lương thực toàn cầu. Về phần mình, Ukraine là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về sản lượng ngô, thứ 7 về lúa mì và số 1 về hạt hướng dương…
Ngay sau khi xung đột nổ ra, một loạt các thị trường tài chính giảm điểm. Giá dầu, khí đốt, kim loại và thực phẩm liên tục đi lên. Những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga ngay lập tức đẩy giá dầu cán mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Các lệnh trừng phạt đã thành công tách một lượng lớn dầu của Nga ra khỏi thị trường dầu mỏ thế giới, nằm chờ trên những con tàu lênh đênh trên biển, trong khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi nhanh chóng trong đại dịch, khiến cho cung cầu dầu mỏ thế giới mất cân bằng. Trong ngày 7/3, giá dầu Brent có thời điểm leo lên ngưỡng trên 139 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng lên ngưỡng 130 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.
Châu Âu chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất, không chỉ bởi vị trí ngay sát trung tâm xung đột, mà còn là sự phụ thuộc lớn của châu lục này vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Suốt vài tháng qua, EU luôn tìm cách giảm mức độ phụ thuộc của mình vào Nga thông qua một loạt các giải pháp mới như tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế hay tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nhưng tất cả các biện pháp trên sẽ không sớm mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Giá năng lượng liên tục leo thang tại khu vực này kéo theo giá cả một loạt các loại hàng hóa khác. Người dân trong khu vực phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mức sống, điều có thể đẩy không ít người trở lại ngưỡng đói, nghèo ngay giữa châu Âu hoa lệ.
Khối lượng dầu của Nga nằm chờ trên biển sau khi xung đột nổ ra tăng gấp 2 lần so với trước đó (Đơn vị: Triệu thùng). Ảnh: CNBC. |
Tại các quốc gia khác, những hệ quả kinh tế từ cuộc xung đột được cảm nhận qua đà tăng giá hàng hóa, làm gia tăng áp lực lạm phát, vốn đã nhen nhóm từ trước khi cuộc xung đột xảy ra. Khi giá hàng hóa tăng lên, nhập khẩu ròng các sản phẩm năng lượng và thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được gỡ bỏ. Nhu cầu từ châu Âu giảm sút sẽ tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu.
Ví dụ như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là chi phí năng lượng, tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan tăng vọt. Lạm phát tháng 5 của Thái Lan đạt 7,1%, cao nhất trong vòng gần 14 năm.
Và nguy hiểm hơn, cuộc xung đột Ukraine châm ngòi làn sóng bảo hộ lương thực đang có xu hướng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Malaysia thời gian qua cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng từ lúa mì, dầu cọ cho tới thịt gà nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước. Điều này hoàn toàn có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng, nguồn cơn dẫn đến bất ổn tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Trung Quốc “khốn đốn” vì đại dịch
Khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2020, quốc gia này phục hồi nhanh chóng chỉ sau vài tháng. Nhưng năm nay, mọi chuyện đã thay đổi khi quốc gia này phải đối mặt với một biến chủng có tốc độ lây lan chóng mặt: Omicron.
Đợt bùng dịch mới nhất tại Trung Quốc bắt đầu từ tháng 3 và tâm điểm của làn sóng lây lan lần này lần lượt là hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước: Thượng Hải và Bắc Kinh.
Từ cuối tháng 3, Thượng Hải áp dụng phong tỏa trên phạm vi toàn thành phố do số ca nhiễm liên tục tăng vượt tầm kiểm soát. Người dân không được phép ra khỏi nhà, các phương tiện giao thông, cơ quan, trường học, nhà máy ngừng hoạt động, từng hàng rào được dựng lên xung quanh những khu dân cư có ca dương tính.
Một loạt các công ty đa quốc gia như Apple, Tesla, General Electric, Amazon, Adidas và Estée Lauder lên tiếng cảnh báo về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra bởi lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, thành phố đóng góp tới 1/5 tổng kim ngạch thương mại quốc tế của nền kinh tế số 2 thế giới.
Quan ngại thậm chí bắt đầu xuất hiện từ trước đó, khi thành phố Thâm Quyến phong tỏa trong một khoảng thời gian ngắn trong tháng 3. Sau Thượng Hải, một số thành phố lớn khác như Bắc Kinh và Trịnh Châu, thủ phủ vận tải hàng không của Trung Quốc, phong tỏa một số khu vực và hạn chế nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân trong tháng 5.
Những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô, hàng hóa và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, quốc gia sở hữu 7/10 cảng container lớn nhất thế giới bao gồm Thượng Hải, Ninh Ba, Thâm Quyến và Quảng Châu, như “ngồi trên lửa”.
Thậm chí, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đối diện với những nút thắt mới khi Thượng Hải mở cửa trở lại sau phong tỏa. Tình trạng tắc nghẽn đã được ghi nhận tại các cảng biển bờ Tây nước Mỹ khi hàng hóa ồ ạt được giải phóng khỏi Trung Quốc.
Số lượng container được xuất khẩu (màu xanh) và nhập khẩu (màu hồng) qua cảng Thượng Hải trong 5 tháng đầu năm 2022. Ảnh: FT. |
Không chỉ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo tụt tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là trong quý II. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, hoạt động sản xuất và dịch vụ tại quốc gia này giảm liên tiếp trong giai đoạn tháng 3-5/2022.
Trong tháng 4, doanh số bán lẻ tại thị trường Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với mức giảm 3,5% ghi nhận vào tháng trước đó. Sản lượng công nghiệp cũng giảm 2,9% trong tháng đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tăng từ 5,8% trong tháng 3 lên 6,1% trong tháng 4, cao nhất hơn 2 năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc khó trở thành hiện thực nếu như quốc gia này tiếp tục theo đuổi các tiếp cận không khoan nhượng zero-Covid.
Lạm phát trở thành chủ đề nóng toàn cầu
Lạm phát không phải câu chuyện hoàn toàn mới. Giá cả bắt đầu đi lên từ năm 2021 trong bối cảnh quá trình phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu chậm hơn đà hồi phục của nhu cầu mua sắm của người dân sau khi nhiều quy định phòng dịch Covid-19 được nới lỏng.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine và dịch bệnh tại Trung Quốc khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6%, cao nhất từ năm 1982, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ.
Theo Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), mức tăng giá tiêu dùng tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro (eurozone) đạt 8,6% trong tháng 6/2022, cao hơn so với kỷ lục cũ 8,1% một tháng trước đó. Trong tháng 6, cả Pháp và Tây Ban Nha đều chứng kiến lạm phát vượt ngưỡng 10%, lần đầu tiên kể từ năm 1985.
Trong cuộc họp tháng 6 của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cơ quan này xác nhận sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm vào kỳ họp tháng 7 tới. Một đợt tăng lãi suất sẽ được thực hiện trong tháng 9 nếu như tình hình lạm phát không được cải thiện.
Từ tháng 11/2021 tới tháng 6/2022, ngân hàng trung ương Anh đã 5 lần tăng lãi suất, trong khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, cũng có lần tăng lãi suất đầu tiên sau 15 năm.
Ngay tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với tình trạng lạm phát thấp, CPI tăng 2,1% liên tiếp trong 2 tháng 4 và 5, vượt ngưỡng mục tiêu của ngân hàng trung ương Nhật Bản. Do tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, giá đồng yên sụt giảm mạnh so với đồng USD, khiến cho giá cả hàng hóa nhập khẩu tại Nhật Bản tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân quốc gia này.
Giá xăng bình quân toàn nước Mỹ có thời điểm tăng cao hơn ngưỡng kỷ lục 5 USD/gallon. Ảnh: Getty. |
Triển vọng u ám
Lạm phát cao tại nhiều quốc gia đã châm ngòi làn sóng chạy đua lãi suất toàn cầu, làm gia tăng quan ngại đình lạm hoặc tồi tệ hơn là suy thoái.
Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, tăng trưởng -1,6% trong quý I/2022 trước ảnh hưởng từ làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron và quá trình cắt giảm chi tiêu chính phủ. Lạm phát cao và việc Fed quyết liệt siết chính sách tiền tệ được dự báo ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng của Mỹ trong quý II. Công cụ GDPNow của Fed Atlanta dự báo kinh tế Mỹ sụt giảm 2,1% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2022, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái (được định nghĩa qua hai quý giảm liên tiếp).
Trước tác động từ làn sóng đại dịch mới nhất, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực từ 4% xuống 2,7%, đồng thời nâng dự báo lạm phát trong năm nay từ 2,6% lên 6,1%.
Trên phương diện toàn cầu, trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 4,1% (trong tháng 1) xuống 2,9% trước tác động của cuộc xung đột Ukraine và đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo “tình trạng tăng trưởng chậm sẽ tồn tại tới hết thập kỷ này do thực trạng đầu tư yếu trên phạm vi toàn cầu”.
Trước đó, Viện Tài chính quốc tế (IIF) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,6% xuống 2,3%. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Họ cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 5,1% xuống 3,5% do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 với biến chủng siêu lây nhiễm Omicron.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3% trong năm 2022, thấp hơn 1,5% so với dự báo trước đó trong tháng 12/2021.
“Xung đột Ukraine, cùng với đó là lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố và cảng biển quan trọng tại Trung Quốc, tạo ra một loạt các xung lực kéo giảm tăng trưởng toàn cầu trong năm nay”, cơ quan này chia sẻ trong báo cáo triển vọng toàn cầu công bố hồi đầu tháng 6.
Còn theo IMF, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 đạt 3,6%, giảm 0,8% so với dự báo hồi tháng 1, trước khi xung đột Ukraine nổ ra. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 từ 3,8% xuống 3,6%.
Tổng hợp
Xem thêm: nhc.64322104140702202-gnag-yat-gnahc-nagn-iuv-couc-man-uad-gnaht-6-ioig-eht-et-hnik/nv.fefac