Sáng 5.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật vừa được thông qua tại kỳ họp 3 Quốc hội XV.
Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua khen thưởng T.Ư, trả lời tại họp báo ngọc thắng |
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc luật Thi đua khen thưởng sửa đổi vừa được thông qua sẽ khắc phục việc khen thưởng nhiều, hình thức, thậm chí khen thưởng sai mà cụ thể là vụ Việt Á vừa qua như thế nào, ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua khen thưởng T.Ư, khẳng định việc khắc phục khen thưởng mang tính cộng dồn thành tích, khen thưởng nhiều như vừa qua là một mục tiêu đặt ra khi sửa luật.
Ông Giang nhấn mạnh theo quy định hiện hành, cấp trình khen, cụ thể là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về thủ tục, hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn, tính chính xác của thành tích trước khi đề nghị khen.
Do đó, để khắc phục tình trạng khen thưởng nhiều, khen thưởng hình thức thì ngay từ quá trình xem xét đề nghị khen thưởng phải xem xét rất kỹ thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.
"Có nghĩa là phải họp hội đồng ở bộ, ở tỉnh họp hội đồng thi đua khen thưởng để xem xét trên cơ sở thành tích. Bên cạnh ý kiến thành viên hội đồng, còn có yếu tố nữa là quy định liên quan việc lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, thẩm quyền, chuyên ngành, quản lý nhà nước, nhiều kênh để lấy ý kiến", ông Giang nói, và cho biết ngoài ra sau khi có quyết định khen thưởng còn phải công bố trên các hệ thống thông tin.
Ngoài ra, một điểm mới sửa luật lần này là phân cấp rất mạnh cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xét khen thưởng.
"Tôi suy nghĩ rằng nếu như làm được đúng theo quy định của luật thì chắc chắn sẽ khen thưởng đúng, khen thưởng và tránh được những câu chuyện buồn như vừa rồi", ông Giang nhấn mạnh.
Trưởng ban Thi đua khen thưởng T.Ư cũng cho hay, sau khi có việc của Công ty Việt Á, khi xây dựng luật Thi đua khen thưởng sửa đổi, Ban Thi đua khen thưởng T.Ư đã phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội để xây dựng Điều 93 về xử lý vi phạm trong thi đua khen thưởng.
"Tôi nghĩ đây là những quy định cụ thể, chặt chẽ để chúng ta xử lý các trường hợp vi phạm. Tôi cũng báo cáo là cũng không mong muốn gì khi đã trình Thủ tướng, Chủ tịch nước khen thưởng sau đó lại trình để hủy quyết định khen thưởng", ông Giang nói.
Trước đó, ngày 23.6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 715/QÐ-CTN hủy quyết định tặng Huân chương Lao động hạng ba với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây dư luận xấu.
Trước đó, vào tháng 3.2021, Công ty Việt Á đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba theo đề nghị của UBND TP.HCM do có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tới tháng 12.2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án thổi giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á và nhiều địa phương.
Theo đó, sau khi tham gia đề tài nghiên cứu cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)", Công ty Việt Á đã "chuyển giao công nghệ" và bán kit xét nghiệm cho nhiều bộ, ngành T.Ư cũng như 62/63 địa phương trong cả nước với doanh thu lên tới 4.000 tỉ đồng.
Trong quá trình đó, Công ty Việt Á đứng đầu là Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đã thực hiện các hành vi nâng khống giá và đưa hối lộ. Theo lời khai của Phan Quốc Việt, Công ty Việt Á đã chi khoảng 800 tỉ đồng tiền bôi trơn.
Đến nay, liên quan tới vụ Việt Á, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 70 người, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan thuộc Học viện Quân y.