Hải Phòng
Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương tăng trưởng cao nhất và là cái tên duy nhất tăng trưởng trên 10% trong nhóm các thành phố lớn.
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng từ 13% trở lên), đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng. Điểm nổi bật trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng là khu vực dịch vụ với chỉ số tăng 9,05%.
6 tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố tăng trưởng khá mạnh mẽ so với cùng kỳ.
Tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt trên 3 triệu lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 117,2 nghìn lượt, tăng 227,08%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 84.458,1 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm tăng 11,84% so với cùng kì năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 6 tháng qua đạt 53.969,7 tỷ đồng, tăng trên 18,5% so với cùng kì năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 279.430 tỷ đồng. Đặc biệt, các hoạt động đầu tư tại Hải Phòng diễn ra rất sôi động, thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt 75.368,8 tỷ đồng, tăng 2,56%.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Hải Phòng đạt 924 triệu USD.
Cần Thơ
Đứng thứ hai về tăng trưởng trong số các thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ.
TP Cần Thơ trên đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,04% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất trong 3 năm qua.
Đó là những nỗ lực của thành phố trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp thuận lợi, tăng trên 3,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu cá tra tăng mạnh, giá đạt mức cao, sản lượng thủy sản đạt trên 104.000 tấn, tăng trên 7% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ đạt hơn 50% so kế hoạch. Các biện pháp sản xuất - kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,86% so cùng kỳ.
Các hoạt động thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại. Tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 3,1 triệu lượt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 57.100 tỷ đồng, tăng 24,7% so 6 tháng cùng kỳ năm trước.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Hải Phòng đạt 7,83 triệu USD.
Hà Nội
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng năm 2022 của Hà Nội tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc trung ương.
Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay của Hà Nội cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, đồng thời, thể hiện xu hướng phục hồi, phát triển rõ nét qua từng quý của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 6,4%; Quý II tăng 11,68%), đóng góp 5,91 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 336 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng mức và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 61,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,4% và gấp 2,3 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,1% và tăng 11,7%.
Tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt trên 8,6 triệu lượt.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,7%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7,0%; khai khoáng giảm 7,6%.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Hà Nội đạt 748 triệu USD.
Đà Nẵng
Tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng bứt phá, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 4/5 trong nhóm.
Đặc biệt trong quý 2, thành phố đã đạt mức tăng trưởng cao (GRDP ước tăng 12,37% so với cùng kỳ), đã góp phần giúp Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương phục hồi kinh tế khá nhanh, hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý 2.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.497 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021. Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt so với thời điểm cuối năm 2021 do nhu cầu hàng hóa trên thế giới phục hồi mạnh. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 1,0 tỷ USD, tăng 20,8%. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 55 triệu USD, bằng 50% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được phục hồi, chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang dần được khơi thông. Chỉ số IIP ước tăng 3,42% so với cùng kỳ (kế hoạch cả năm 2022 tăng 4-5%).
6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu du lịch tăng trưởng rõ nét với số lượt du khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,32 triệu lượt, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến ngày 20/6, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021; tổng chi ngân sách đạt 12.206 tỷ đồng, bằng 80,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Đà Nẵng đạt 47,78 triệu USD.
TP. HCM
Kinh tế TP. HCM tiếp đà phục hồi mạnh mẽ khi tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 3,02 điểm phần trăm đồng thời có mức tăng trưởng 4,83% trong bối cảnh các hoạt động dịch vụ vừa bắt đầu hồi phục sau khi chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 0,52 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 2,23%; trong đó công nghiệp đóng góp 0,78 điểm phần trăm trong khi xây dựng kéo giảm 0,26 điểm phần trăm do có mức tăng trưởng -6,41%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP. HCM đón hơn 11,47 triệu lượt khách, trong đó có 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022, cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ, đạt 13,7% so với kế hoạch năm 2022.
Khu vực nông nghiệp đóng góp thấp nhất 0,01 điểm phần trăm và tăng 1,77%. Chỉ số IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 140.275 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách địa phương ước thực hiện 10.987 tỷ đồng, bằng 34,4% kế hoạch năm và giảm 3,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước thực hiện 103.234 tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn nước ngoài ước thực hiện 17.107 tỷ, tăng 5,8%.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào TP. HCM đạt 2,213 tỷ USD.
https://cafef.vn/so-gang-tang-truong-grdp-va-cac-ket-qua-kinh-te-cua-5-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-trong-6-thang-dau-nam-2022-20220705074428281.chn