Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Khoanh vùng kiến thức trọng tâm để ôn tập, đồng thời nắm vững các thủ thuật, kỹ năng giải bài thi sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngày 7-7, khoảng 1 triệu thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với môn thi đầu tiên là ngữ văn (buổi sáng, 120 phút) và môn toán (buổi chiều, 90 phút).
Ngày 8-7, buổi sáng thi bài khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân), thời gian làm bài 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Ngoài môn văn thi tự luận, tất cả các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Kiểm tra kỹ đề thi trước khi làm bài
Thông tin về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Lê Mỹ Phong - phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo) - cho hay: "Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thí sinh cũng cần lưu ý những nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao để phân hóa kết quả thi của thí sinh. Mức độ khó cũng nằm trong khối kiến thức các em đã học nhưng khó hơn một chút".
Chia sẻ về kinh nghiệm làm các môn thi trắc nghiệm, các chuyên gia đều đặc biệt lưu ý thí sinh nên cân nhắc thời gian làm bài thi nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh, chính xác.
ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - lưu ý thí sinh: "Đề thi phải đảm bảo đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã. Nếu thí sinh bỏ qua bước kiểm tra mà dành thời gian làm bài ngay thì nguy cơ không được tính điểm bài thi này rất cao.
Khi nhận đề thi cần lưu ý kiểm tra bảo đảm các môn thi thành phần trong mỗi bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có cùng một mã đề thi; nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi".
Không bỏ trống câu trả lời
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, với thi trắc nghiệm, đề thi được sắp xếp câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó nên thí sinh có thể làm bài theo trình tự câu hỏi của đề thi để có điểm và tiếp theo hãy dành thời gian cho các câu hỏi khó để giành điểm cao hơn.
Thời gian làm bài thi trắc nghiệm không nhiều, trung bình mỗi câu trả lời chỉ từ 0,5 - 1 phút, do vậy cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý, không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, tránh bỏ sót các câu hỏi ở phía sau hoặc cuối giờ, làm bài một cách qua loa, vội vàng, kết quả sẽ không được như ý.
"Do đó, cần phải phân chia đồng đều thời gian cho từng câu hỏi. Đồng thời, rút ngắn thời gian trả lời đối với câu hỏi dễ, thay vào đó hãy dành nhiều thời gian cho những câu khó. Khi gặp câu hỏi khó, thí sinh có thể đánh dấu ra giấy nháp để tạm thời làm các câu hỏi tiếp theo. Nếu không giải được câu hỏi khó, có thể dùng phương án loại trừ. Nếu không thể tìm ra đáp án đúng, có thể chọn ngẫu nhiên, không nên bỏ trống câu trả lời", thầy Sơn khuyên.
Theo quy chế thi, khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải tuân thủ các quy định: chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời; trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn; điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đối với số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 ở phía trước); điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
Bên cạnh đó, thầy Sơn còn lưu ý: "Một trong những lỗi thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi trắc nghiệm là tẩy không sạch đáp án cũ mà đã chọn đáp án mới. Trong khi bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, nếu không tẩy sạch đáp án cũ, máy sẽ hiểu có hai đáp án, do đó câu trả lời này sẽ không được tính điểm".
TTO - Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe và kiến thức, thí sinh cần lưu ý những quy định trước khi vào phòng thi để tự tin tham gia thi tốt nghiệp THPT.