Còn hơn 8 triệu người chịu tác động tiêu cực từ đại dịch
Sáng 6/7, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II năm 2022.
Theo ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước ở cả 3 khu vực kinh tế.
Trong quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số hơn 8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%, 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhiều hơn so với các vùng khác với tỉ lệ 13,9%, cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 10,8% và 8,1%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 504.600 người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701.800 người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, số lao động trong độ tuổi có việc làm tăng ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (tăng 379.400 người, tương ứng tăng 7,5%), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (tăng 222.900 người, tương ứng tăng 2,3%), Đông Nam Bộ (tăng 155.100 người, tương ứng tăng 1,6%).
Thị trường lao động việc làm đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của quý trước. “Phương thức tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt, chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch cùng các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 là yếu tố chính làm tươi sáng hơn bức tranh thị trường lao động việc làm của Việt Nam trong quý II/2022”, ông Nam nêu rõ.
Lao động trong ngành dịch vụ khởi sắc
Trong quý II/2022, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429.800 người so với quý trước. Đây là quý thứ 3 liên tiếp kể từ sau mức giảm chạm đáy vào quý III/2021, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số người tham gia làm việc trong khu vực dịch vụ.
Trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực này đón nhận thêm gần 900.000 lao động, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 khu vực còn lại Nông, lâm nghiệp, thủy sản và Công nghiệp, xây dựng .
“Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 là cú hích quan trọng giúp lao động trong khu vực dịch vụ dần lấy lại được trạng thái ban đầu khi chưa xuất hiện đại dịch, tạo cơ sở cho đà tăng trưởng và phát triển”, ông Nam nói.
Trong quý II/2022, số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54.500 người so với quý trước và tăng 499.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm chính thức trong quý này là 17,1 triệu người, tăng 449.300 người so với quý trước và tăng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
“So với cả quý trước và cùng kỳ năm trước, số người có việc làm trong khu vực chính thức tăng cao hơn nhiều so với số người có việc làm trong khu vực phi chính thức. Điều này minh chứng rằng thị trường lao động đã phục hồi và có tính chất bền vững”, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động thông tin.
Cũng theo đơn vị thống kê, trong 3 khu vực kinh tế, so với quý trước, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 ở khu vực dịch vụ giảm nhiều nhất.
Trong tổng số 881.800 người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỉ trọng thiếu việc làm cao nhất trong quý này với 48,5% (tương đương với 427.500 người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 31,4% (khoảng 277.300 người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng thấp nhất với 20,1% (khoảng 177.000 người).
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động Việt Nam thời gian tới vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do chịu áp lực tăng giá xăng và một số mặt hàng thiết yếu từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Do đó, cơ quan này kiến nghị việc tiếp tục nhất quán phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19", tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường và việc xuất hiện các biến chủng mới.
Đặc biệt, chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.