Tiêm thuốc phóng xạ chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là diễn biến mới nhất từ Bộ Tài chính liên quan đến lùm xùm gần đây trong việc thanh toán chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất tại các bệnh viện công lập.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký ngày 26-6, gửi đồng thời cho Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bộ Tài chính cho biết pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (kèm nghị định chi tiết) đã quy định việc Nhà nước đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua các hình thức như đầu tư xây dựng, mua sắm, giao tài sản. Trong đó, có tài sản được xác lập sở hữu toàn dân do tổ chức - cá nhân biếu, tặng, cho, tài trợ, viện trợ.
Đồng thời không có quy định việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công được mượn tài sản để sử dụng.
Liên quan đến việc các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đặt trang thiết bị (máy đặt - mượn) để cơ sở y tế sử dụng, Bộ Tài chính khẳng định từ năm 2017 đơn vị đã có nhiều công văn gửi Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó nhấn mạnh "không có quy định được mượn tài sản để sử dụng".
Đồng thời đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh không thực hiện máy mượn hoặc cho phép máy đặt trong bệnh viện; tránh tình trạng phụ thuộc vào đơn vị cho mượn - đặt máy.
Trường hợp hóa chất, vật tư cần phải có để sử dụng máy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện thuê tài sản theo phương thức đấu thầu đúng quy định về pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và đấu thầu.
"Ý kiến của Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và đấu thầu; đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế" - công văn của Bộ Tài chính nêu.
Về việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, Bộ Tài chính cho rằng hiện đang thực hiện theo điều 32 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và chương V, VI của nghị định số 146/2018/NĐ-CP năm 2018. Trong các văn bản này "không có quy định các nội dung liên quan việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn - đặt do các đơn vị trúng thầu, vật tư".
Do đó, công văn của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế rà soát đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập.
Trường hợp Nhà nước chưa đảm bảo được đầy đủ, trong khi các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biếu, tặng, cho, tài trợ, viện trợ máy móc thì cần phải xác lập sở hữu toàn dân và xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Tài chính khẳng định công văn này được thực hiện sau ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 16-5 về việc dừng thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn - đặt do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất.
Như vậy với công văn này của Bộ Tài chính, có thể các cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng máy mượn - đặt sẽ lại rơi vào một tình huống "khó xử" khi theo thực tế hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên cả nước đều sử dụng máy đặt - mượn từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất thay vì tự chủ mua sắm trọn gói.
Ở nhiều bệnh viện, danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Lùm xùm
Từ giữa tháng 5-2022, nhiều bệnh viện có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất sau công văn dừng thanh toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các bệnh viện cho rằng máy đặt - mượn là "một thực tiễn của lịch sử", nếu tạm ngừng sẽ đẩy các đơn vị vào thế "kẹt" không biết nên dừng hay tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh. Đơn cử như Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện có tới 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện hoạt động đều là máy mượn - đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Sở Y tế TP.HCM và UBND TP.HCM cũng có công văn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc và cho rằng việc dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy đặt - mượn, đồng nghĩa việc các cơ sở khám chữa bệnh tạm ngưng các dịch vụ kỹ thuật, điều này khiến người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế sau đó khẳng định việc thanh toán BHYT đối với máy đặt - mượn vẫn đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807 ngày 9-11-2018 của Bộ Y tế. Ngày 24-5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi máy mượn - đặt sang các hình thức theo quy định tại nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
TTO - Ngày 24-5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do đơn vị trúng thầu hóa chất, vật tư cho mượn hoặc đặt máy.