Bobby Fischer được nhiều người coi là kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất từng tồn tại của nhân loại. Vào năm 1964, Fischer khi ấy mới 21 tuổi đã thi đấu cùng lúc với 50 đối thủ và kết quả là đã thắng 47 trận, hòa 2 và thua 1. Anh thua Donn Rogosin, một tay vợt không nổi tiếng thời bấy giờ.
Bobby Fischer (9 tháng 3 năm 1943 - 17 tháng 1 năm 2008), Fischer thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Bobby Fischer là một đại kiện tướng cờ vua người Mỹ và là nhà vô địch cờ vua thế giới lần thứ mười một.
Từ khi còn nhỏ, Bobby đã sống theo cách riêng của mình, khác hẳn với bạn bè cùng trang lứa. Vào tháng 3 năm 1949, Bobby sáu tuổi và chị gái Joan của mình đã học cách chơi cờ vua bằng cách sử dụng các hướng dẫn từ một bộ cờ bằng nhựa với giá 1 USD mua ở cửa hàng kẹo. Tuy nhiên sau khi chị gái của mình dần chán trò chơi này, Fischer đã dạy cho mẹ (bà Regina Fischer) cách chơi cờ vua để cùng chơi với mình. Nhưng mẹ của Bobby cũng chẳng có mấy khi rãnh để chơi cờ cùng con trai, do đó, Fischer đã phải tự chơi với chính mình.
Sự quan tâm của Fischer đối với cờ vua trở nên quan trọng hơn bài vở ở trường, đến mức "khi lên lớp 4, anh ấy đã tham gia và ra khỏi 6 trường học".
Ngay từ khi 13 tuổi anh đã được coi là một cao thủ cờ vua với chiến thắng ngoạn mục trong một ván đấu nổi tiếng được biết đến với tên gọi Ván cờ thế kỷ. Bắt đầu từ năm 14 tuổi, Fischer đã chơi ở tám giải vô địch Hoa Kỳ, mỗi giải thắng với cách biệt ít nhất một điểm. Ở tuổi 15, Fischer trở thành đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử thời điểm đó và là ứng cử viên trẻ nhất cho chức vô địch thế giới.
Ở tuổi 20, Fischer giành chức vô địch Hoa Kỳ 1963–64 với tỷ số 11/11, điểm số hoàn hảo duy nhất trong lịch sử giải đấu. Cuốn sách "60 trận đấu đáng nhớ của tôi" (My 60 Memorable Games - xuất bản năm 1969) của Bobby Fischer đã trở thành một biểu tượng của văn học cờ vua Mỹ và được coi như một tác phẩm bậc thầy.
Fischer đã vô địch Giải đấu giữa các khu vực năm 1970 với cách biệt kỷ lục 3 ½ điểm và thắng 20 trận liên tiếp, bao gồm hai trận chưa từng có tiền lệ với tỷ số 6-0 tại Giải Candidates. Vào tháng 7 năm 1971, anh trở thành kỳ thủ số một chính thức đầu tiên trong danh sách của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE) và giữ vị trí này trong vòng tổng cộng 54 tháng.
Năm 1972, Fischer giành lấy chức vô địch thế giới từ tay Boris Spassky người Liên Xô trong trận đấu tổ chức tại Reykjavík, Iceland, trận đấu công khai đại diện cho sự đối đầu của hai cường quốc trong chiến tranh Lạnh đã thu hút sự chú ý của thế giới hơn bất kỳ sự kiện tương tự nào trước đây.
Năm 1975, Fischer từ chối bảo vệ danh hiệu của mình khi không thể đạt được thỏa thuận với FIDE , cơ quan quản lý quốc tế của cờ vua, về các điều kiện trận đấu. Kết quả là, người thách đấu Liên Xô Anatoly Karpov được mặc định là Nhà vô địch Thế giới. Sau đó Fischer trở nên ẩn dật và ít xuất hiện, biến mất trong mắt công chúng cho đến năm 1992, anh tái xuất để giành chiến thắng trong trận tái đấu không chính thức với Spassky. Vào những năm 1990, Fischer đã được cấp bằng sáng chế cho một hệ thống tính giờ cờ vua được sửa đổi, bổ sung thời gian tăng dần sau mỗi nước đi. Đây là một yếu tố tiêu chuẩn trong thực tiễn các trận đấu và giải đấu hàng đầu hiện nay. Ngoài ra ông còn sáng tạo một biến thể cờ vua được gọi là Chess960.
Bobby Fischer là một con người lập dị, khó đoán nên cũng vì thế mà ông mất gần hết bạn bè. Theo những gì được biết, Fischer chưa bao giờ được chẩn đoán chính thức, tuy nhiên đã có nhiều bình luận và suy đoán rộng rãi liên quan đến tình trạng tâm lý của ông dựa trên quan điểm cực đoan và hành vi bất thường của ông. Reuben Fine, nhà tâm lý học và người chơi cờ vua, người đã gặp Fischer nhiều lần, nói rằng "Một số hành vi của Bobby rất kỳ lạ, không thể đoán trước" và mô tả Fischer là "một con người rắc rối" với "những vấn đề cá nhân rõ ràng".
Valery Krylov, cố vấn của Anatoly Karpov và là chuyên gia về "phục hồi tâm sinh lý của các vận động viên thể thao", tin rằng Fischer bị tâm thần phân liệt . Nhà tâm lý học Joseph G. Ponterotto, từ các nguồn tin cũ, kết luận rằng "Bobby không có các tiêu chí cần thiết để đạt được chẩn đoán tâm thần phân liệt hoặc hội chứng Asperger. Tuy nhiên lại có bằng chứng cho thấy rằng ông mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng càng mạnh".
Ngày 17 tháng 1 năm 2008, Fischer qua đời ở tuổi 64 vì suy thận tại Bệnh viện Landspítali (Bệnh viện Đại học Quốc gia Iceland) ở Reykjavík. Ông đã bị suy thận thoái hóa, nguyên nhân là do ban đầu Fischer chỉ bị tắc nghẽn đường tiết niệu nhưng nhiều lần từ chối phẫu thuật hoặc dùng thuốc. Vào ngày 21 tháng 1, Fischer được chôn cất tại nghĩa trang Cơ đốc giáo nhỏ của nhà thờ Laugardælir, bên ngoài thị trấn Selfoss, cách Reykjavík 60 km về phía đông nam.
Theo Đức Khương
Trí Thức Trẻ