Sáng 9.7, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và gây quỹ “Ngôi nhà thứ 3”. Thảo Đàn là tên gọi được ghép từ 2 địa danh “Thảo Cầm Viên” và “Tao Đàn” tại TP.HCM, đây là điểm sinh hoạt đầu tiên của một nhóm thanh niên tình nguyện, tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em đường phố đầu những năm 1990.
Thảo Đàn - Nơi xoa dịu nỗi đau cho trẻ lang thang, đánh giày...
Tham dự lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay vào thời điểm năm 1990, TP.HCM có rất nhiều trẻ em lang thang, đi đánh giày, bán vé số... có lúc, số lượng tới hàng trăm ngàn em. Khi đó, cùng nhiều trung tâm, mái ấm trên địa bàn, nhóm bạn tình nguyện viên lập ra chi hội Thảo Đàn đã tiếp cận, giúp đỡ các em, xoa dịu những nỗi đau mà các em phải chịu.
Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn đã có 30 năm hoạt động, hỗ trợ vì nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI THẢO ĐÀN |
Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM Phạm Đình Nghinh cũng tri ân hành trình của đơn vị. Sự chung tay và tấm lòng của nhiều thế hệ nhân viên công tác xã hội đã cùng TP.HCM giúp đỡ rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ lang thang, HIV/AIDS hòa nhập với cuộc sống và phát triển.
Ông Trần Công Bình, Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, là một trong số những người đầu tiên tham gia thành lập Thảo Đàn. “Đơn vị đã nỗ lực bền bỉ, bằng cái tâm của nhiều thế hệ nhân viên công tác xã hội và những tình nguyện viên. Cơ sở Thảo Đàn cũng đóng góp nhiều sáng kiến trong hoạt động bảo vệ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em để TP.HCM và cả nước nhân rộng", ông Bình nói và kỳ vọng đơn cùng những nhân viên công tác xã hội sẽ giữ vững tinh thần, luôn dấn thân với công việc bằng cái tâm, sự yêu thương trẻ, vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, gửi lời tri ân chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các chuyên gia, tình nguyện viên công tác xã hội... đã đồng hành với đơn vị trong suốt thời gian qua. Bà Ngân cho biết đơn vị sẽ luôn học hỏi, có nhiều sáng tạo để công việc thực sự có ích cho trẻ và cộng đồng cần trợ giúp.
Gây quỹ cho sáng kiến "Ngôi nhà thứ 3"
Song song với lễ kỷ niệm, đơn vị cũng gây quỹ cho sáng kiến “Ngôi nhà thứ 3”, giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt học tập an toàn và tự tin vào bản thân. Sáng kiến này tiếp nối các các mô hình “Ngôi nhà Huynh đệ” (1993 - 1998) đào tạo nghề và kết nối cơ hội làm việc cho trẻ trên 16 tuổi; “Ngôi nhà An toàn” (1994 - 2013) giúp nhóm trẻ từ 6 - 16 tuổi có chỗ ở an toàn để theo đuổi học tập; “Ngôi nhà Hy vọng” (2000 - 2005) giúp trẻ em đường phố bị HIV/AIDS; “Ngôi nhà Bán trú” (2013 đến nay)...
Theo thống kê cuối năm 2021, TP.HCM có khoảng 1,9 triệu trẻ em, trong đó có 27.880 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng và có 1.061 trẻ tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Các cơ sở ngoài công lập hiện đang cùng thành phố hỗ trợ, chăm sóc cho 2.099 trẻ.