Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần 11-7, VN-Index giảm 16,02 điểm, xuống còn 1.155,29 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 319 mã giảm và 65 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,87 điểm, xuống 276,93 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 116 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,71 điểm, xuống 86,25 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.755 tỉ đồng, tăng nhẹ khoảng 8% so với phiên cuối tuần trước.
Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 8,6% lên 10.148 tỉ đồng. Đặc biệt, khối ngoại chỉ mua ròng khoảng 5 tỉ đồng ở sàn HoSE.
Cùng với đà giảm của thị trường, cổ phiếu VIC cũng giảm trong thời gian qua
Trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư cũng có tâm lý bất an sau khi xuất hiện tin đồn liên quan việc "cấm xuất cảnh" đối với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), trước đó 1 ngày.
Ngay trong sáng nay, Bộ Công an đã bác tin đồn trên dù chưa nêu tên cụ thể. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn chưa vững tin.
Đến gần cuối phiên chiều, khi thông tin chính thức về vụ việc được công bố và tên ông Phạm Nhật Vượng được đề cập, các cổ phiếu liên quan Vingroup đã thu hẹp đà giảm.
Trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng đã quay đầu giảm giá mạnh, vì thế chỉ số bị kéo giảm sâu.
Riêng nhóm cổ phiếu họ Vingroup đã có sự thay đổi ngoạn mục về giá vào cuối phiên. Cụ thể, nếu như trước phiên sáng, 3 cổ phiếu họ Vingroup là VHM, VIC và VRE đều giảm sâu, có lúc VIC giảm đến 6% nhưng sang phiên chiều tình thế thay đổi. VIC đứng giá tham chiếu, trong khi VHM từ 58.500 đồng lên 60.500 đồng/cổ phiếu.
Một số chuyên gia lâu năm trên thị trường chứng khoán cho rằng nhóm cổ phiếu Vingroup có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là chỉ số VN-Index cũng như VN30. VIC, VHM và VRE có lượng cổ phiếu lớn, chỉ cần nhóm này tăng điểm thì chỉ số sẽ tăng và ngược lại, chỉ số sẽ giảm theo nếu nhóm này giảm điểm.