Ở thời điểm hiện tại, thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng với gần như mọi loại mặt hàng, từ dầu, ngũ cốc, các kệ gỗ (pallet) đến hạt cà phê hay thậm chí là bồn tắm, sữa, bim…. Điều này có những tác động lớn. Đại dịch mà nhiều người mô tả là "thế kỷ" đã làm chao đảo nền kinh tế, gây xáo trộn chuỗi cung ứng và tác động lên lực lượng lao động theo cách khó có thể dự đoán.
Khi đối mặt với một cú sốc ngoại sinh như Covid-19, thuật ngữ "cơn bão hoàn hảo" dường như bao hàm cả quy mô của sự gián đoạn, khó khăn trong việc xác định chính xác tác động cũng như thách thức để bù đắp những tác động đó.
Khi đại dịch xảy ra, cụm từ "cơn bão hoàn hảo" tăng đột biến trên báo chí, truyền thông và tiếp tục gia tăng khi đại dịch kéo dài với những tác động nằm ngoài sức tưởng tượng. Ở phố Wall, đó là cụm từ được các nhà quản lý tiền tệ sử dụng để mô tả một trong những quý tồi tệ nhất đối với nhiều loại tài sản.
Những cơn bão hoàn hảo xảy ra liên tiếp mà đến ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng không thể dự đoán được. Tuy nhiên, không ít trong số đó bắt nguồn từ một nguyên nhân duy nhất: Điều kiện thời tiết khắc nghiệt dẫn đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu đối với căng thẳng về nguồn cung lương thực, tạo ra tình trạng thiếu hụt nhiều loại nông sản. Trong khi đó, nhiều năm thiếu đầu tư và sự không chắc chắn do hiệu ứng cái roi da (bullwhip) - hiện tượng dự báo nhu cầu không đúng với thực tế diễn ra trong chuỗi cung ứng – gây tác động tới mọi ngành nghề, từ xây dựng tới hàng không....
Dưới đây là cái nhìn tóm lược về một số cơn bão hoàn hảo đang xảy ra ở thời điểm hiện tại:
Đi lại bằng máy bay: Khi đại dịch được khống chế, nhu cầu đối với ngành hàng không tăng trở lại. Tuy nhiên, sự gián đoạn lại một lần nữa xảy ra. Lượng khách nhiều khiến các phi công đang phải bay với số giờ làm thêm kỷ lục. Dẫu vậy, điều đó cũng không giúp ngăn chặn việc hủy chuyến, hành khách mắc kẹt và thậm chí, kỳ nghỉ của họ bị hủy hoại. Sự quản lý yếu kém trong lĩnh vực hàng không sẽ chưa thể sớm được giải quyết.
Các thị trường mới nổi: Những gì đang diễn ra gần như chắc chắn đây là cơn bão hoàn hảo với các thị trường mới nổi khi so sánh với thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng nợ thế giới thứ 3 hồi những năm 1980. Chúng ta đã thấy những khoản vay khổng lồ từ các gói kích thích kinh tế thời Covid-19.
Nghiên cứu y sinh ở châu Âu: Nguồn cung động vật linh trưởng quan trọng với nghiên cứu y sinh ở châu Âu đã bị chấm dứt đột ngột. Một phần trong cuộc khủng hoảng thiếu này là việc Trung Quốc cấm xuất khẩu khỉ phục vụ thí nghiệm và sắp tới là lệnh hạn chế của Ủy ban châu Âu (EC) đối với việc nghiên cứu trên các loài linh trưởng.
Nơi ở cho các động vật được cứu hộ: Trung tâm cứu hộ Carla Lane Animals in Need cho biết cơn bão hoàn hảo đối với họ là các khu nuôi nhốt đã không thể chứa thêm bất kỳ động vật nào nữa khi mọi loại chi phí đều tăng vọt, khiến họ không còn đủ ngân sách để nuôi dưỡng những con vật cần hỗ trợ.
Quảng cáo trực tuyến: Nhà phân tích Ross Sandler của Barclays đã viết trong một lưu ý tuần trước rằng lĩnh vực quảng cáo trực tuyến đang phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo. Đó là sự sụt giảm trong chi tiêu quảng cáo trên Internet cũng như sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các ngôi sao mới nổi như TikTok và Apple. Nó đe dọa mạnh mẽ đến Facebook, Google và các nhà khai thác quảng cáo trực tuyến truyền thống.
Cây có múi của Nam Phi: Nghiên cứu chỉ ra rằng ngành công nghiệp sản xuất các loại quả có múi ở Nam Phi đang phải hứng chịu một cơn bão hoàn hảo về sản lượng tăng, chi phí đầu vào nông nghiệp đắt đỏ nhưng giá xuất khẩu thực tế giảm, điều được dự báo còn kéo dài trong một vài năm tới. Tồi tệ hơn, những điều này diễn ra khi Nam Phi đang phải vật lộn với các điều kiện kinh tế không lạc quan, bao gồm áp lực tài khóa, suy giảm tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp cao và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở mức thấp.
Bơ Úc: Cung vượt vượt cầu, bơ, loại quả từng có giá lên tới 3,9 USD/trái vào năm 2016, đang giảm giá mạnh trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng chủ lực khác tăng vọt. Biên lợi nhuận (nếu có) của người trồng bơ tiếp tục bị bào mòn do chi phí phân bón, nhiên liệu và vận chuyển hàng hóa tăng cao. Giám đốc điều hành Avocados Australia gọi đây là cơn bão hoàn hảo với người trồng bơ, khiến một số người phải đánh giá lại tương lai của mình.
Dưa hấu Texas: Người dân từ khắp Texas vẫn quen đến các quầy của Holder’s Produce để mua dưa hấu. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm, sẽ không có dưa hấu để bán trong mùa hè này. Larry Holder, chủ sở hữu của Holder’s Produce, nói rằng: "Chúng tôi cũng thất vọng như mọi người. Đó là một cơn bão hoàn hảo, kết hợp giữa thời tiết khắc nghiệt với tình hình của chúng tôi".
Tôm biển: Các tàu đánh cá đã khai thác vụ tôm lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Nhưng ngành này đang gặp rủi ro. Giá tôm thấp, chi phí nhiên liệu đắt đỏ và thiếu hụt nhân công khiến ngành này bị đe dọa.
Rau diếp ở Úc: Trong khi giá tăng không ngừng, các nhà buôn tin rằng cần nhiều thời gian để giá xuống khi chính những người sản xuất đang phải đối mặt với một "cơn bão hoàn hảo", từ điều kiện thời tiết xấu tới chi phí đầu vào tăng vọt. Thời tiết ẩm ướt ở đông nam Queensland khiến mùa màng thất bát. Người nông dân phải vật lộn với thời tiết khi trồng vụ tiếp theo vì nhiệt độ không thuận lợi.
Xây dựng ở Australia: Chi phí kim loại, nhựa và gỗ đã liên tục tăng trong nhiều năm nhưng chúng phi mã trong thời kỳ đại dịch khi các nhà máy ở nhiều quốc gia bị buộc phải đóng cửa trong thời gian dài. Matthew Mackey, giám đốc điều hành của công ty kỹ thuật Arcadis, nhận định: "Các doanh nghiệp nhỏ hơn không có dòng tiền và cũng không có một hệ thống bảo hộ giống nhau. Họ sẽ cảm thấy nỗi đau sớm hơn và tồi tệ hơn rất nhiều".
Các nhà thầu: Cơn bão hoàn hảo với nhóm này tới từ chi phí vận chuyển và vật liệu cao trong khi lương người lao động cũng tăng mạnh mẽ. Nhiều công trình, được lên kế hoạch trước, đã bị trì hoãn khi chi phí đội lên quá cao.
Nhân loại: Nhân loại đang phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo của các cuộc khủng hoảng, vốn làm giă tăng bất bình đẳng ở khắp mọi nơi. Sự chia rẽ không chỉ không thể chấp nhận về mặt đạo đức mà còn nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình và an ninh trong một thế giới đầy mâu thuẫn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu do xung đột ở Ukraine gây ra những ảnh hưởng đến các quốc gia, vốn quay cuồng trong đại dịch và khủng hoảng khí hậu. Nó đảo ngược tiến trình thu hẹp khoảng cách giữa các nước đang phát triển và phát triển.
Tham khảo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1422288.htmXem thêm: nhc.32433050121702202-ioig-eht-teuq-nac-gnad-oah-naoh-oab-noc-31-iot-oc-am-tom-ihc-gnohk/nv.fefac