vĐồng tin tức tài chính 365

Lực lượng An ninh Công an TPHCM trong chuyên án nổi tiếng nhất (kỳ 1)

2022-07-12 13:15

Hàng trăm tổ chức phản động, hàng ngàn đối tượng chống đối được sự hỗ trợ từ các thế lực ngoại bang muốn gây hoang mang, chia rẽ, kích động bạo loạn hoặc sử dụng bạo lực khủng bố để giết hại cán bộ, nhân dân, phá hoại hạ tầng kinh tế, văn hóa... đã bị ngăn chặn, đập tan. Đến thời kỳ đổi mới, hội nhập, LLANND tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, cùng với các lực lượng khác theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, để đất nước nói chung, TPHCM nói riêng ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Bài 1: TỪ NHỮNG VỤ ÁN KINH HOÀNG

Ngày 14-7-1999, ông Lâm "Chín ngón" - một đại ca khét tiếng giới giang hồ Sài Gòn trước năm 1975 bất ngờ bị hai thanh niên chở nhau trên xe máy xông vào tạt axít khi ông này vừa bước ra khỏi một quán phở ở cư xác Bắc Hải - Q10. Vụ việc lập tức được dư luận đặc biệt quan tâm bởi vai vế và quá trình hành tẩu giang hồ, tù tội của ông Lâm kích thích sự tò mò về những kẻ dám "vuốt râu hùm". Băng nhóm nào dám ra tay với ông Lâm được bàn tán sôi nổi trong các quán cà phê, bàn nhậu.

Một luồng dư luận khác đặt câu hỏi: "Ông Lâm đã gác kiếm, rời chốn giang hồ hơn 10 năm, sao vẫn bị ân oán?"... Riêng ông Lâm vẫn im lặng vì đoán biết ai đã ra tay với mình, người này thế lực rất đáng sợ nên nạn nhân đành ôm hận chờ thời. 15 tháng sau ông Lâm mới dám gửi đơn tố cáo y... Và sau này, ông Lâm đã ra tòa với tư cách bị hại mang nỗi đau nặng nề.

Vụ ông Lâm "Chín ngón" bị tạt axít đến tàn phế chưa nguôi trong dư luận thì gần nửa năm sau, vào đêm 01-10-2000, Dung Hà - một "chị đại" số má còn lớn hơn Lâm "Chín ngón" và đang thời hưng vượng, bị bắn chết khi đang ngồi hóng mát cùng bạn bè trên đường Bùi Thị Xuân, Q1.

Các nhân chứng kinh hoàng với hai sát thủ trẻ măng, mảnh mai như công tử nhà giàu, đi xe Spacy thời thượng, thong thả dừng xe, rút súng... rồi lượn xe vào màn đêm biến mất khi nạn nhân đổ gục với phát đạn chuyên nghiệp vào mang tai. Sự việc này gây rúng động dư luận trong cả nước, sôi sục ở quê hương Hải Phòng của nạn nhân với sự tiếc thương, tức giận của hàng trăm tay giang hồ đất cảng. Người ta đồn đoán về một cuộc tắm máu trong giới giang hồ để trả thù cho thủ lĩnh của giang hồ Hải Phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Trưởng ban chuyên án Z5.01 trao đổi với phóng viên các báo đài

Sau vụ tạt axít ông Lâm "Chín ngón" và trước vụ bắn Dung Hà vài tháng là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 16, rạng sáng 17-01-2000 tại một quán ăn ở trung tâm Q1. Từ việc pha đèn xe môtô dẫn đến cự cãi, đánh nhau giữa nhóm thanh niên (9 người) bạn bè của anh Phan Lê Sơn - công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM với nhóm con, cháu, đàn em của một ông trùm nổi tiếng giới giang hồ Sài Gòn.

Băng giang hồ này đã dùng hung khí sát hại Phan Lê Sơn và người bạn của anh là Hồ Phúc Hưng. Khi cơ quan chức năng điều tra, vụ án này có dấu hiệu bị một vài cá nhân làm lệch hồ sơ để giảm tội từ "giết người" sang "gây rối trật tự" cho đối tượng cầm đầu là cháu ruột của ông trùm đó.

Trong 47 năm (1975 - 2022) chiến đấu anh dũng, kiên cường, LLANND - Công an TPHCM đã lập rất nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, trong đó có đóng góp quan trọng vào một chuyên án hình sự lớn nhất từ xưa đến nay mang bí danh Z5.01 (sau này khi đưa ra xét xử được gọi là "vụ án Năm Cam cùng đồng phạm"). Đây có thể là lần đầu tiên, lãnh đạo Công an TPHCM sử dụng nhiều phòng nghiệp vụ an ninh để phá một vụ án hình sự. Hơn 20 năm rồi, nhưng những ấn tượng về chuyên án này vẫn lưu đọng trong tâm trí của nhóm phóng viên Chuyên đề Báo CATP. Khi được cấp trên giao tác nghiệp đưa tin, bài suốt 2 năm điều tra, xét xử vụ án lớn nhất lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam.

Nếu vụ tạt axít ông Lâm "Chín ngón" và vụ bắn Dung Hà lộ rõ tính chất ân oán giang hồ thì vụ giết Phan Lê Sơn và Hồ Phúc Hưng cho thấy sự lộng hành của những băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen. Dù biết Sơn là Cảnh sát hình sự, chúng vẫn không ngán ngại, ra tay đoạt mạng.

Càng đáng sợ hơn khi một số cán bộ quyền lực, sĩ quan chỉ huy trong các cơ quan chấp pháp cố ý bẻ cong pháp luật để bỏ sót người, lọt tội trong vụ án này, nhằm cứu giúp các hung thủ máu lạnh thoát án tử hình. Vụ án mạng có thật này được dư luận thêu dệt, cường điệu thành câu chuyện tương tự các bộ phim, tiểu thuyết về Mafia ở nước ngoài. Tên tuổi của ông trùm đứng sau vụ án càng được tô vẽ về thế lực, khiến nhiều tay giang hồ sừng sỏ càng muốn về dưới trướng ông ta để được che chở khi "hữu sự".

Nhưng với các vị lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Thành ủy - UBND TPHCM thì đây là vấn đề nhức nhối ở một thành phố quan trọng bậc nhất của đất nước, cần phải giải quyết trước khi bùng phát các vụ việc tương tự hoặc có những diễn biến xấu hơn về trật tự xã hội để các thế lực phản động lợi dụng, kích động gây phức tạp về chính trị...

Cán bộ y tế của lực lượng an ninh nhân dân Công an TPHCM khám sức khỏe cho bị cáo trước phiên tòa xử vụ án Z5.01

Hơn 20 năm sau nhìn lại vụ án này, chúng ta càng khâm phục sự chỉ đạo tuyệt vời từ các cơ quan Trung ương và Thành ủy - UBND TPHCM. Trước khi "cất lưới" toàn bộ "tập đoàn tội phạm" lên đến hàng trăm đối tượng (riêng số bị cáo phải hầu tòa đã là 155, chưa kể rất nhiều đối tượng bị xử lý bằng các hình thức khác hoặc đã chết vì tai nạn, bệnh tật trước khi vụ án được khởi tố), trong đó có những đối tượng là cán bộ cao cấp nắm quyền "sinh sát" ở nhiều ngành, lĩnh vực; những nhà chỉ đạo chuyên án đã có những quyết định điều động để chặt dần "móng vuốt, vây cánh" của các "sếp đã nhúng chàm".

Sau đó là các quyết định bổ nhiệm những người tài, đức được tin tưởng vào các vị trí then chốt, nắm các quy trình xử lý cực kỳ quan trọng khi chuyên án bắt đầu khởi động. Các vụ án hình sự từ xưa đến nay đều do các đơn vị cảnh sát tiến hành trinh sát, điều tra, tham gia tố tụng... Nhưng trong vụ án "đặc biệt đầu bảng" này, một số đơn vị như thế gần như "tê liệt" vì thủ trưởng có dấu hiệu đã sa ngã, "quy tà”, sẽ gây cản trở cho quá trình phá án. Sau này nhận định đó hoàn toàn chính xác khi một số chỉ huy các đơn vị ấy đã bị khởi tố, bắt giam và ra tòa lãnh án nhiều năm tù giam.

Luật sư trao đổi với các bị cáo là đối tượng của chuyên án Z5.01

Trong thời điểm mọi "nhất cử nhất động" của Ban chuyên án phải đặt trong quy trình tuyệt mật thì việc lựa chọn lực lượng tiến hành kế hoạch cực kỳ quan trọng này được giao cho lực lượng An ninh - Công an TPHCM. Đây là những đơn vị vừa có truyền thống anh hùng vừa được trang bị phương tiện kỹ thuật tốt lại vừa có nghiệp vụ cao cường, sắc sảo.

Đó là "đoàn hùng binh" được các cấp lãnh đạo hết sức tin tưởng như: Phòng Trinh sát ngoại tuyến (PA21), Phòng An ninh văn hóa tư tưởng (PA25), Phòng An ninh điều tra (PA24), Phòng Trinh sát kỹ thuật (PA23), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18)... Các cán bộ chiến sĩ được chọn đều có sức khỏe tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, võ thuật và nghiệp vụ giỏi và hừng hực khí thế tiến công trước giờ "G" của chuyên án...

(Còn tiếp...)

Nhóm PV Chuyên đề

Xem thêm: lmth.058331_tahn-gneit-ion-us-hnih-na-neyuhc-gnort-mchpt-na-gnoc-hnin-na-gnoul-cul/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Lực lượng An ninh Công an TPHCM trong chuyên án nổi tiếng nhất (kỳ 1)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools