Công an TPHCM cho biết, tính từ ngày 25-5-2021 đến ngày 24-5-2022, địa bàn xảy ra 364 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Công an thành phố đã điều tra khám phá 157 vụ, bắt giữ 106 đối tượng. Đến ngày 7-7, lực lượng chức năng đang xác minh 196 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt khoảng 2.385 tỷ đồng.
Các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, cán bộ hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền. Bọn lừa đảo còn lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa các bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa nạn nhân có liên quan tới một vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra...
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận và xử lý 1.236 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố 122 vụ với 85 bị can, tạm đình chỉ 265 vụ, không khởi tố 275 vụ, đang xác minh 574 tin với số tiền chiếm đoạt khoảng 58 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây Ủy ban nhân dân TPHCM đã có báo cáo sơ kết năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg gửi Bộ Công an. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động cấp, mở và sử dụng tài khoản ngân hàng; tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng sử dụng thông tin giả mạo hoặc mua của người khác để đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân TPHCM đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt việc đăng ký và sử dụng thuê bao số điện thoại di động; thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp buông lỏng quản lý việc đăng ký và sử dụng thuê bao điện thoại di động của các công ty viễn thông. Bên cạnh đó, giao Công an TPHCM thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý tin báo của người dân, tổ chức về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đảm bảo nhanh chóng, đúng pháp luật.
Ngoài ra, Công an TPHCM khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, kết luận điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để sớm đưa các bị can trong các vụ án ra xét xử "điểm", tăng tính răn đe với loại đối tượng này. Nhiều ngân hàng, nhà mạng di động lẫn cơ quan công an tiếp tục lên tiếng cảnh báo chiêu trò mạo danh nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu cục, cán bộ cơ quan công an... để lừa đảo. Phổ biến nhất là mạo danh rồi liên lạc với các chủ thuê bao điện thoại, thông báo họ có bưu phẩm liên quan đến tài khoản thẻ ngân hàng bị nợ quá hạn hoặc liên quan đến các vụ án nghiêm trọng...
Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của họ để làm cơ sở điều tra, hứa hẹn sẽ hoàn trả nếu nguồn gốc khoản tiền không có vấn đề; hoặc kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật qua đường link do các đối tượng này cung cấp, từ đó chiếm đoạt những khoản tiền lớn của nạn nhân. Mặt khác, nhiều ngân hàng cũng đã khuyến nghị người dùng cảnh giác chiêu thức giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến. Những kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng nhằm yêu cầu người dùng gửi thông tin CCCD, số thẻ tín dụng và mã CVV hoặc nộp phí tham gia...
Những kẻ lừa đảo cũng có thể giả nhân viên mạng viễn thông gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi SIM 4G/5G miễn phí để chiếm đoạt số điện thoại. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của chủ SIM. Đối với người dùng ví điện tử, một số ngân hàng cảnh báo chiêu trò đối tượng giả mạo là nhân viên của nhà cung cấp để hỏi khách hàng các vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật để khắc phục lỗi dịch vụ. Hoặc chúng gửi email, nhắn tin, gọi điện cho người dùng thông báo trúng thưởng hoặc được gói quà tặng có giá trị lớn. Tuy nhiên để nhận được quà, người dùng được yêu cầu phải cung cấp thông tin đăng nhập ví điện tử và sau đó bị kẻ xấu chiếm đoạt tiền.
Tương tự, theo đại diện sàn thương mại điện tử Shopee: "Trò lừa đảo thông báo trúng thưởng (nước hoa, phiếu mua hàng...) qua điện thoại dưới danh nghĩa Shopee đang dần trở thành một vấn nạn đối với người dùng. Hoạt động này thường yêu cầu người mua thanh toán phí vận chuyển cho giải thưởng nhận được nhằm mục đích trục lợi cá nhân...".
Lừa đảo công nghệ cao là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là phương thức lừa đảo đang được nhiều đối tượng sử dụng hiện nay vì nó có thể tiếp cận được nhiều người, thực hiện nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...
Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó.
Một thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo khác là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi nó cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an TPHCM, hiện nay loại tội phạm lừa đảo qua mạng đang diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả lớn cho người dân. Bộ Công an và Công an TPHCM thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Bên cạnh đó, đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này. Nếu phát hiện hoạt động loại tội phạm trên, người dân nhanh chóng trình báo cho lực lượng công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Xem thêm: lmth.758331_pat-cuhp-neib-neid-nav-oac-ehgn-gnoc-gnab-oad-aul/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc