Ngày 12/7, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề phải chăng tình trạng ùn tắc giao thông đã tác động đối với sự phát triển của TPHCM.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Phan Công Bằng nhìn nhận, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực giao thông của thành phố thường chiếm 1/4 cả nước nên áp lực hệ thống giao thông rất lớn. Thực tế, TPHCM được xem là địa phương ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngành giao thông đánh giá mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do tình hình ùn tắc gây nên.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết chưa đánh giá cụ thể về việc ùn tắc giao thông làm mất bao nhiêu % GRDP và điều này cần ngồi lại tính toán.
Theo bà Thắng, giao thông có phát triển thì kinh tế mới phát triển theo. Dù có nhiều quyết sách để giải quyết nhu cầu giao thông nhưng việc ách tắc ở cửa ngõ thành phố khiến việc lưu thông giữa các tỉnh, thành khó khăn, gây cản trở to lớn đến sự phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: "Việc tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác, nếu làm rời rạc từng tuyến như hiện nay thì tới năm 2045 cũng không xong". |
Trao đổi ý kiến, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia giao thông của người dân.
Ông Mãi cũng cho rằng việc tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác, nếu làm rời rạc từng tuyến như hiện nay thì tới năm 2045 cũng không xong, mà xong cũng khó phát huy được. Song song đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh việc cần phát huy cả hệ thống giao thông thuỷ, quy hoạch mạng lưới đường sắt kết nối vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng thành phố cần nhìn nhận thêm về các vấn đề còn tồn tại, ách tắc khác đang diễn ra trên địa bàn, như chuyện úng ngập lâu dài; tình hình phát triển đô thị; đồng thời xem lại năng lực của tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở; vấn đề tăng dân số cơ học. “TPHCM xem xét cần kiến nghị gì lên trung ương để được hỗ trợ hay tự giải quyết được”, Bộ trưởng Dũng bày tỏ.
Theo Ngô Tùng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.60665436121702202-ex-tek-iv-man-iom-dsu-yt-6-tam-hnad-mchpt/nv.zibefac