Ngày 12-7, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cho biết đã chấp thuận kiến nghị của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) là chủ đầu tư dự án quốc lộ 13, giảm mức thu phí qua trạm BOT với mức 1000 đồng/lượt cho tất cả các loại xe.
Hiện nay, trạm thu phí Suối Giữa tại TP Thủ Dầu Một vẫn giảm mức thu phí theo kiểu "làm tròn lên" (15.000 đồng giảm 2% vẫn còn 15.000 đồng). Ảnh: LÊ ÁNH |
Cũng theo Sở GTVT Bình Dương, đơn vị đang làm văn bản trả lời để chủ đầu tư áp dụng giảm mức phí cho trạm BOT quốc lộ 13 bắt đầu từ 15-7.
Cách tính mới sẽ áp dụng tại trạm thu phí Lái Thiêu (TP Thuận An) và trạm thu phí Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một). Mức thu phí các trạm BOT quốc lộ 13 sẽ đồng loạt giảm 1.000 đồng/lượt cho tất cả các loại xe.
Như vậy, nếu tính “làm tròn xuống” thì thực tế sẽ giảm sẽ từ 5% đến 7%, nhiều hơn mức giảm 2% theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể: xe dưới 12 chỗ ngồi và xe tải đến 3,5 tấn giá 14.000 đồng (giá cũ: 15.000 đồng, giảm 7%). Xe từ 12 đến 30 chỗ ngồi và xe từ 3,5 tấn đến 8 tấn giá 17.000 đồng (giá cũ: 18.000 đồng, giảm 6%). Xe trên 30 chỗ ngồi và xe trên 8 tấn giá 19.000 đồng (giá cũ: 20.000 đồng, giảm 5%).
Trước đó, Quốc hội đã có Nghị quyết 43/2022 và cụ thể bằng Nghị định 12/2022 của Chính phủ yêu cầu các trạm thu phí đường bộ thực hiện giảm 2% thuế giá trị giá tăng (V.A.T)/giá vé, để hỗ trợ chia sẻ khó khăn với người dân. Từ đó, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19.
Sau đó, các trạm thu phí tại các địa phương đã thực hiện theo Nghị định trên, nhưng khi giảm 2% thì số tiền bị lẻ. Cụ thể: với mức thu phí 15.000 đồng, khi áp dụng mức thuế giảm 2% (từ 10% xuống 8%) thì tính ra còn 14.727 đồng. Nếu áp dụng đúng theo cách tính này thì các trạm thu phí không có tiền trả lại.
Chính vì thế, đa số các trạm thu phí đã áp dụng cách giảm “làm tròn xuống” để có lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân, từ 14.727 đồng còn 14.000 đồng .
Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) lại có kiểu tính ngược lại là “làm tròn lên”, từ 14.727 lên thành 15.000 đồng (vẫn y như giá cũ trước đó).
Chính vì cách tính này, doanh nghiệp và người dân đã phản ứng gay gắt. Người dân cho rằng cách tính này là có lợi cho chủ đầu tư chứ không hề có lợi doanh nghiệp và người dân, đi ngược lại hoàn toàn chủ trương trong Nghị định của Chính phủ.
Sau khi bị phản ứng, chủ đầu tư đã có kiến nghị điều chỉnh cách tính phí theo cách “làm tròn xuống”.