Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25-8) liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.
Nghị định 45 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định xử phạt liên quan đến hành vi không phân loại rác.
Lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM cho biết sở đang triển khai Nghị định 45/2022 cho các địa phương thực hiện, trong đó có việc triển khai quy định xử phạt người dân nếu không phân loại rác tại nguồn.
Địa phương chờ hướng dẫn thực hiện
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở TP.HCM, tại Quyết định 09/2021, TP.HCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành hai nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chị Nguyễn Ngọc Minh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã từng thực hiện phân loại rồi nhưng khi thu gom, người thu gom lại chứa chung một xe. Vì vậy nếu muốn phạt, hãy phạt đơn vị thu gom và chấn chỉnh lại việc tổ chức thu gom, phân loại rác trước khi xử phạt người dân”.
“Theo tôi được biết, Luật BVMT mới ban hành quy định phải phân loại rác thành ba loại, trong khi riêng TP.HCM hướng dẫn hai loại, vậy người dân chúng tôi phân chia thế nào mới đúng” - chị Minh cho biết.
Không chỉ người dân thắc mắc, nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM cũng không biết việc xử phạt sẽ áp dụng theo cách phân loại rác thành hai loại theo quyết định của TP, hay ba loại theo Luật BVMT.
Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đang chờ hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Theo lãnh đạo một phòng TN&MT, TP.HCM: Với những vướng mắc trên, hiện nay các địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện sao cho tính pháp lý được đảm bảo.
Ngoài ra, theo quyết định của TP.HCM, việc phân loại rác thành hai nhóm sẽ phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện. Theo đó, TP.HCM cũng đã triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
“Khi đã sử dụng công nghệ đốt rác phát điện thì không cần thiết phải phân thành ba loại. Tuy nhiên, nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa rõ ngày nào sẽ đi vào hoạt động” - lãnh đạo một phòng TN&MT, TP.HCM chia sẻ.
Cần có thời gian để người dân nắm rõ quy định
Nhiều người dân cho biết trước khi có quyết định xử phạt, họ cần phải được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn cần phải được thực hiện tốt và cần chuẩn hóa phương tiện thu gom rác.
Theo lãnh đạo một phòng TN&MT, TP.HCM: Việc cơ quan nhà nước cần làm là kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác phù hợp với quy định phân loại theo Luật BVMT. Nếu TP.HCM có chính sách riêng thì cũng phải có lộ trình thực hiện đảm bảo rác sau phân loại được thu gom, lưu chứa riêng trên phương tiện thu gom, vận chuyển.
“Việc xử phạt chỉ hợp tình, hợp lý khi mọi thứ đã sẵn sàng, người dân đều có kiến thức cơ bản trong việc phân loại rác. Lúc đó, hộ nào làm sai thì xử lý theo quy định, như vậy mới mang tính thuyết phục và được sự đồng thuận của người dân” - lãnh đạo một phòng TN&MT, TP.HCM cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, chia sẻ: Quy định xử phạt liên quan đến hành vi không phân loại rác là một tín hiệu tốt nhằm thúc đẩy người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nếu thực hiện tốt việc phân loại rác thì giảm bớt được chi phí Nhà nước phải thanh toán để xử lý rác.
“Tuy nhiên, khi thực hiện xử phạt, ngành chức năng cần lưu ý về cách giám sát, kiểm tra thường xuyên. Đồng thời, các địa phương cần tuyên truyền cho tất cả người dân đều hiểu cách phân loại, do đó cần có lộ trình thực hiện” - ông Sơn nhận định.•
Tùy vào thực tiễn để có lộ trình phù hợp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết lộ trình áp dụng quy định xử phạt không phân loại rác tại nguồn được thực hiện theo khoản 7 Điều 79 Luật BVMT. Theo đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024.
Luật BVMT 2020 giao cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Cụ thể, khoản 6 Điều 79 Luật BVMT nêu rõ UBND tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, trong đó có giá dịch vụ thu gom, xử lý; hình thức, mức kinh phí dịch vụ…
Do đó, từ ngày 25-8 (ngày Nghị định 45 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31-12-2024, trường hợp trên địa bàn tỉnh, TP đã ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định. Trường hợp trước thời hạn trên, các tỉnh, TP chưa có quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thì chưa áp dụng xử phạt.
Cũng theo đại diện Tổng cục Môi trường, hiện nay Bộ TN&MT đang hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các văn bản liên quan khác để làm căn cứ, hướng dẫn cho các địa phương triển khai quy định phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. TRỌNG PHÚ