Đường vào nông trại Tam Nông (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM) còn gập ghềnh, nhất là khi gần tới đích, nhưng du khách sẽ được bù đắp bằng một không gian miền quê đích thực. Chủ nhân nông trại là TS Nguyễn Văn Bắc, chuyên ngành về chăn nuôi và công tác trong lĩnh vực khuyến nông nên dùng chính nông trại của mình là nơi "trình diễn" những tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp.
Chăn nuôi không hôi
Tuy đất của nông trại chỉ rộng 1 ha nhưng nằm lọt giữa một vùng đất nông nghiệp rộng 200 ha nên mọi người còn tận hưởng không khí trong lành ở đây từ xung quanh.
Gần đây, khi khái niệm "kinh tế tuần hoàn", "nông nghiệp tuần hoàn" được nhắc đến nhiều thì nông trại Tam Nông là mô hình trực quan sinh động. TS Bắc đưa chúng tôi tham quan khu vực chăn nuôi dê, gà, bồ câu, vịt với số lượng không ít nhưng chẳng hề có mùi hôi. Khi đưa khách vào tận chuồng gà để nhặt trứng vừa đẻ, TS Bắc bất ngờ cúi xuống bốc một nắm phân đưa lên mũi ngửi để khẳng định phân không hôi và nhiệt tình mời mọi người xung quanh cùng... ngửi để kiểm chứng.
Lý do là tại đây áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học (rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh) để phân hủy chất thải. Theo TS Bắc, chăn nuôi không mùi hôi là công nghệ được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công và được nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới. Đến nay, nghiên cứu này đã được thương mại hóa với hơn 10 doanh nghiệp tham gia sản xuất chế phẩm làm đệm lót sinh học cung cấp ra thị trường.
Bà con nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí nên đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tuy vậy, TS Bắc cho rằng ứng dụng này vẫn còn mới với nhiều người nên cần được phổ biến rộng rãi bởi đây được xem là một cuộc cách mạng trong chăn nuôi vì khắc phục được ô nhiễm.
Cũng nhờ chăn nuôi chuồng hở, gần với thiên nhiên như cách ông bà ta xưa nên du khách, nhất là trẻ em, có thể vào tận chuồng, sờ tận tay, cho vật nuôi ăn mà không phải lo ngại về vấn đề vệ sinh.
Khu chăn nuôi không chỉ là mô hình tham quan mà còn cung cấp trứng và thịt cho bữa ăn của du khách trong nông trại, có lúc còn có sản phẩm để du khách mua mang về.
Nói về nông nghiệp tuần hoàn, TS Bắc cho biết không chỉ chất thải chăn nuôi mà rác hữu cơ tại nông trại được mang đi ủ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ bón cho khu vườn, trong đó có cả rau xanh, cây ăn trái. Trong vườn còn có đàn vịt siêu trứng sử dụng thức ăn chính là ốc bắt trong trang trại, phân đàn vịt rơi xuống ao làm thức ăn cho cá tạo thành vòng tuần hoàn.
TS Nguyễn Văn Bắc giới thiệu nông trại Tam Nông của mình
Giấc mơ bảo tàng "tam nông"
Theo TS Bắc, nông trại được gia đình mua từ năm 1999 với mục đích để dành làm vườn nghỉ ngơi tuổi già nên trong nhiều năm liền chỉ có đầu tư, cải tạo, thuê người trông coi chứ không thu được nguồn lợi nào.
Đến năm 2015, sau lần ông đến Mỹ, được tham quan mô hình American Farm ở bang Minnesota, trưng bày nông nghiệp cổ xưa bên cạnh nông nghiệp hiện đại của nước Mỹ, thu hút rất đông khách tham quan.
"Việt Nam mình là nước nông nghiệp nhưng chưa có một triển lãm hay bảo tàng nào như vậy trong khi những phương thức sản xuất kiểu cũ đang dần biến mất. Như cối xay lúa, từng là vật dụng quen thuộc trong mỗi nhà, nay người trẻ gần như không biết đến. Nếu làm đề án, xin kinh phí nhà nước để làm theo mô hình kiểu của Mỹ thì sẽ rất lâu mà chưa chắc được nên tôi mới nghĩ đến việc tự đầu tư theo sức mình tại mảnh vườn có sẵn" - TS Bắc kể về ý tưởng hình thành nông trại Tam Nông.
Từ đó, đi đến đâu, TS Bắc cũng để ý gom góp những gì thuộc về làng quê xưa, từ "cầu ao giếng nước", cầu khỉ, cầu dây văng, cầu kiều... đến những vật dụng sản xuất nông nghiệp xưa đưa về nông trại.
"Mình có ý tưởng nhưng người thực hiện chính lại là bà xã, cũng là người có đam mê nông nghiệp và đã nghỉ hưu nhiều năm nên toàn tâm toàn ý chăm chút cho khu vườn. Trang trại chỉ bắt đầu thu phí tham quan vào năm 2018, sau 3 năm đón khách miễn phí. Ngoài khách đến với mục đích nghỉ ngơi, giải trí còn có nhóm khách từ các trường học đến trải nghiệm về nông nghiệp, nhiều gia đình còn học cách làm nông ở đô thị vừa là thú vui vừa có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
TS Bắc cho biết nông trại của ông không chỉ có khách trong nước mà còn đón khách từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, trung bình mỗi tuần nông trại có 100 lượt khách đến tham quan. Điều này cho thấy sức hút của mô hình.
"TP HCM rất thiếu mảng xanh nhưng phát triển công viên rất chậm vì mô hình công viên kiểu cũ không có nguồn thu, không huy động được vốn từ xã hội. Nếu là du lịch nông nghiệp thì khả năng thu hút được nhà đầu tư cao; thành phố có mảng xanh và người dân thành phố không phải đi xa để trải nghiệm nông thôn" - TS Bắc nhận định.
Thêm không gian xanh cho thành phố
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TP HCM), nông trại Tam Nông quy mô tuy nhỏ nhưng đã góp phần làm phong phú thêm không gian xanh cho thành phố và tạo cảm hứng cho nhiều người phát triển mảng xanh tại nơi họ sinh sống ngay trong lòng đô thị.
Xem thêm: mth.13430101221702202-mein-iaoh-yad-naoh-naut-peihgn-gnon-iart-gnart/et-hnik/nv.moc.dln