vĐồng tin tức tài chính 365

9X khởi nghiệp bằng chiếc máy ép trái cây, giờ đây hệ thống cửa hàng doanh thu hơn chục tỷ một năm

2022-07-15 03:08

Từ mất trắng số tiền 1,2 tỷ đồng…

Trần Thiện Dương (sinh năm 1991) ở TP Hồ Chí Minh hiện đang là ông chủ của Công ty Cổ phần Laman chuyên kinh doanh nước ép trái cây và hoa quả tươi. Trước khi có những thành công bước đầu như ngày hôm nay, chàng trai trẻ đã trải qua nhiều khó khăn, mất mát.

Học kinh tế đối ngoại, sau khi tốt nghiệp năm 2012, Dương làm việc tại một ngân hàng nhưng trong suy nghĩ luôn nuôi ước mơ và đam mê kinh doanh.

Năm 2016 - 2017, vừa làm việc ở ngân hàng, Dương vừa kinh doanh thêm mảng sách trên Tiki và đã đạt một trong những nhà bán lẻ xuất sắc. Nhưng sau đó, Dương nhận thấy rằng, nếu cứ kinh doanh sách như vậy thì chỉ giống như buôn bán đơn thuần, không xây dựng được thương hiệu gì cho riêng mình.

Vì thế, năm 2019, Dương tự mày mò và mở cửa hàng kinh doanh về giày công sở cho phái nữ mang thương hiệu Lamanda do mình sáng lập và đã đăng ký độc quyền thương hiệu.

Để toàn tâm cho việc kinh doanh này, chàng trai trẻ đã nghỉ việc ngân hàng sau 5 năm gắn bó, từ bỏ mức lương 25-30 triệu đồng/tháng.

Liên hệ được với nhà sản xuất tại xưởng và hợp tác để họ gia công giày mang thương hiệu của mình, Dương đã mở liên tục 3 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, Dương có hợp tác với một cộng sự khác ‘rót’ vốn vào thêm nhưng quá trình hợp tác không thuận lợi, xảy ra mâu thuẫn lớn… khiến Dương quyết định từ bỏ, ra đi chỉ giữ lại duy nhất một chiếc bàn thu ngân.

“Số tiền 1,2 tỷ đồng dồn từ số tiền tích cóp trong thời gian 5 năm đi làm ngân hàng và vay thêm bạn bè em đã mất trắng khi kinh doanh giày. Khi ấy, không còn một đồng nào trong tay, thậm chí đến những bữa ăn hàng ngày cũng không còn tiền để mua, em phải nhờ bạn nhân viên cũ trợ giúp đồ ăn”, Dương kể lại.

Không chấp nhận thất bại này, Dương đã tận dụng chiếc máy ép, máy xay sinh tố… là những thứ tài sản có giá trị nhất trong nhà khi ấy để chuyển sang khởi nghiệp nước ép trái cây.

9X khởi nghiệp bằng chiếc máy ép trái cây, giờ đây hệ thống cửa hàng doanh thu hơn chục tỷ một năm - Ảnh 1.

Ban đầu, Dương dậy từ 5 giờ sáng đi chợ mua trái cây, rau củ rồi về tự pha chế, bán hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm; sau khi cửa hàng ổn định mới thuê thêm nhân viên. (Ảnh: NVCC)


Cuối năm 2020, một người bạn đã cho mượn 30 triệu đồng, Dương bắt đầu đi thuê một cửa hàng ở quận Phú Nhuận diện tích chỉ 6m2, chi phí thuê mặt bằng 3 triệu đồng/tháng.

Những ngày đầu tiên Dương còn chưa dám mở cửa hàng bán trực tiếp mà chỉ gửi thực đơn nhờ đồng nghiệp cũ đặt mua uống thử để kiểm tra chất lượng, sau 1 tuần Dương mới mở cửa hàng bán trực tiếp.

Hàng ngày, cứ một mình dậy từ 5 giờ sáng đi chợ mua trái cây, rau củ rồi về tự pha chế, bán hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

… đến doanh thu 12 tỷ đồng từ nước ép, 3 tỷ đồng từ bán trái cây tươi

Dương cho biết, tháng đầu tiên chưa có nhiều khách, đến tháng thứ 2, thứ 3 mới bắt đầu có khách ổn định, doanh thu bắt đầu đạt được 70 – 90 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí cũng lời được 25 – 30 triệu đồng.

Sau khi bán hàng ổn định, Dương mới thuê nhân viên phụ giúp, còn bản thân tập trung mày mò để tự thiết kế tem nhãn hiệu, in tờ rơi, mở fanpage trên facebook để quảng cáo thương hiệu nước ép Laman Juice của mình. Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, sản phẩm nước ép được Dương bán trên các kênh giao hàng grap, now…

9X khởi nghiệp bằng chiếc máy ép trái cây, giờ đây hệ thống cửa hàng doanh thu hơn chục tỷ một năm - Ảnh 2.

Chàng trai trẻ đã tự tìm tòi, nghiên cứu các công thức nước ép trên các website từ nước Mỹ rồi cải tiến, điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người Việt... (Ảnh: NVCC)


Ban đầu kinh doanh, sản phẩm nước ép chỉ là nước ép trái cây đơn thuần nhưng càng làm, Dương càng suy nghĩ cần có sản phẩm khác biệt khác với thị trường đang có, nước ép không chỉ đơn thuần từ trái cây… Chàng trai trẻ đã tự tìm tòi, nghiên cứu các công thức nước ép trên các website từ nước Mỹ rồi cải tiến, điều chỉnh phù hợp với khẩu vị của người Việt để cho ra các loại nước ép hỗ trợ cải thiện sức khỏe, làn da từ các loại rau củ như cần tây, cải bó xôi…

Thời điểm đó, các dòng nước ép cải thiện sức khỏe cũng mới nên Dương may mắn có nguồn khách ổn, nhiều khách hàng ủng hộ, từ đó có lợi nhuận để mở thêm các cửa hàng khác.

6 tháng sau đó, Dương đã mở thêm cửa hàng thứ hai cách cửa hàng thứ nhất hơn 1km. Rồi dần dần mở thêm tổng số 12 cửa hàng khác.

Đang kinh doanh thuận lợi, bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, Dương buộc phải đóng cửa 6 cửa hàng, chỉ để lại 6 cửa hàng.

Để duy trì hoạt động các cửa hàng này, Dương lại xoay sang kinh doanh thêm trái cây tươi, rau xanh nhập từ Đà Lạt trong thời gian TP Hồ Chí Minh xảy ra dịch bệnh. Thời điểm này Dương chủ yếu bán online trên các trang thương mại điện tử. Nhưng chỉ trong 2 tháng, doanh thu đã đạt 2 tỷ đồng.

Hiện cửa hàng trái cây, rau xanh này vẫn đang hoạt động và cũng là kho cung cấp nguồn nguyên liệu cho hệ thống cửa hàng nước ép Laman Juice.

Hiện Dương đang có 2 cửa hàng kinh doanh chính và 5 cửa hàng nhượng quyền thương hiệu. Thực đơn gồm 35 loại nước ép trái cây, sử dụng 15 loại rau củ, trái cây. Loại nước ép mix cần tây với táo, dứa là loại nước ép bán chạy nhất tại Laman Juice. Giá bán dao động từ 28.000 – 40.000 đồng, tùy theo ly hay chai.

9X khởi nghiệp bằng chiếc máy ép trái cây, giờ đây hệ thống cửa hàng doanh thu hơn chục tỷ một năm - Ảnh 3.

Thương hiệu nước ép Laman Juice do Dương tự tạo dựng và đăng ký độc quyền thương hiệu, hiện đã có 2 cửa hàng chính và 5 cửa hàng chuyển nhượng ở Sài Gòn... Toàn hệ thống mang lại doanh thu 12 tỷ đồng/năm.


“Dòng sản phẩm nước ép của hệ thống cửa hàng em chuyên về sức khỏe, phục vụ thị trường ngách, một số đối tượng. Tất cả rau, củ, quả đều được tuyển chọn tươi ngon và khi có đơn hàng mới ép để đảm bảo độ ngon tới tay khách hàng. Sau khi có dữ liệu khách hàng, thực đơn được bổ sung thêm các dòng sản phẩm thanh lọc cơ thể, giảm cân, đẹp da, duy trì vóc dáng, cải thiện hệ tiêu hóa… Với các gói liệu trình 7 ngày, 14 ngày hay 28 ngày để khách hàng lựa chọn, sản phẩm sẽ được chuyển đến tận nhà khách vào mỗi ngày”, Dương chia sẻ thêm về hướng đi của mình.

Dương cho biết, hiện nay những cửa hàng chính lớn nhất đã hoạt động ổn đang có doanh thu 12-16 triệu đồng/ngày. Còn những cửa hàng khác doanh thu khoảng 120 – 150 triệu đồng/tháng.

Tính doanh thu trung bình từ tất cả các cửa hàng nước ép đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm và doanh thu từ cửa hàng bán trái cây tươi khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Hiện, Dương đang tiếp tục mở rộng các cửa hàng nhượng quyền, một cửa hàng ở Hà Nội và Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Cùng với đó, thực đơn cũng được Dương bổ sung thêm, ngoài thức uống nước ép, Dương còn làm thêm các món sa lát từ rau xà lách… để cung cấp những bữa ăn healthy cho khách hàng.

Trong suốt quá trình khởi nghiệp của mình, Dương nhận thấy rằng, thất bại là bài học để ta trưởng thành hơn. Còn niềm tin vào bản thân, vào ý chí của mình, cứ làm từng bước rồi mình sẽ thành công.


Minh Thư

Infonet

Xem thêm: nhc.81314229141702202-man-tom-yt-cuhc-noh-uht-hnaod-gnah-auc-gnoht-eh-yad-oig-yac-iart-pe-yam-ceihc-gnab-peihgn-iohk-x9/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“9X khởi nghiệp bằng chiếc máy ép trái cây, giờ đây hệ thống cửa hàng doanh thu hơn chục tỷ một năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools