Lính cứu hỏa chữa cháy trên tàu tấn công đổ bộ Bonhomme Richard tại căn cứ hải quân San Diego tháng 7-2020 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng dài 4 ngày xảy ra năm 2020 đã làm 21 người bị thương và khiến con tàu bị hỏng nghiêm trọng về cấu trúc, điện và cơ học nên buộc phải phá bỏ. Vụ cháy cũng để lộ ra hàng loạt lỗi hệ thống trong bảo trì tàu, huấn luyện và giám sát của các cấp chỉ huy.
Tháng 7-2021, hải quân Mỹ cho biết thủy thủ Ryan Mays bị cáo buộc phóng hỏa và cố ý làm hỏng tàu đã bị truy tố. Mays là một thủy thủ thuộc tàu USS Bonhomme Richard.
Trong đợt xử lý này, những người có trách nhiệm trong ban lãnh đạo tàu và đội cứu hỏa bị phạt nặng nhất. Cựu sĩ quan chỉ huy của tàu, đại tá Gregory Scott Thoroman, và cựu sĩ quan điều hành, đại tá Michael Ray, bị khiển trách và trừ lương. Cựu chỉ huy trưởng, Jose Hernandez, bị khiển trách.
Phó đô đốc Richard Brown, sĩ quan đã nghỉ hưu, từng là chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vào thời điểm đó, nhận được thư cảnh cáo từ lãnh đạo hải quân Carlos Del Toro.
Ông Del Toro viết trong thư rất nặng lời rằng ông Brown có trách nhiệm vì đã "không xác định được cũng như không giảm thiệt hại của vụ việc. Sự thiếu giám sát của ông góp phần gây ra tổn thất cho con tàu". Thư cũng phê bình ông Brown vì không đảm bảo rằng các thủy thủ dưới quyền được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài ra, còn một số hình thức phạt khác nhẹ hơn với các thủy thủ liên quan đến vụ cháy con tàu trị giá hàng tỉ USD này.
Vào thời điểm bị phóng hỏa, tàu Bonhomme Richard đang ở trong cảng để tân trang và nâng cấp để nó có khả năng chở máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35B.
Theo Đài CNN, cuộc điều tra hình sự với Ryan Mays, người bị cáo buộc là phóng hỏa đốt tàu, vẫn đang diễn ra. Luật sư của Mays khẳng định thân chủ của mình vô tội.
Phó chỉ huy tác chiến hải quân, đô đốc William Lescher cho biết: "Mất tàu Bonhomme Richard do hỏa hoạn là sự cố có thể ngăn chặn được. Chúng tôi đã thực hiện những thay đổi đáng kể để điều này không xảy ra thêm một lần nào nữa".
Theo CNN, điều tra của hải quân cho thấy vụ hỏa hoạn phá hủy con tàu là kết quả của một loạt lỗi hệ thống, trong đó có việc thiếu bảo dưỡng tàu, không huấn luyện đầy đủ, thiếu sót trong cung cấp hỗ trợ trên bờ và giám sát.
Ước tính, Mỹ có thể mất tới 4 tỉ USD để thay thế chiếc tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard.
TTO - Hàng trăm lính cứu hỏa ngày 13-7 tiếp tục chiến đấu từ trên không, trên bộ và dưới nước trong ngày thứ 2 liên tiếp để cứu tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard của hải quân Mỹ đang cháy.
Xem thêm: mth.71043601161702202-drahcir-emmohnob-ssu-uat-yahc-uv-gnort-nauq-is-12-tahp-ym/nv.ertiout