Khóa tập huấn đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo ứng cử viên từ các đơn vị chức năng của NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo quy trình xét chọn của IMF, có 32 học viên (chính thức và quan sát viên) được lựa chọn tham gia khóa tập huấn. Các giảng viên cho khóa tập huấn là các chuyên gia cao cấp, các giảng viên nhiều kinh nghiệm từ CDOT và STI như ông Richard Sean Craig, Cố vấn kinh tế vĩ mô của IMF tại CDOT, bà Yoke Wang Tok, chuyên gia kinh tế tại STI và ông Dyna Heng, chuyên gia kinh tế tại Học viện Tăng cường năng lực của IMF (ICD). Nội dung khóa tập huấn được thiết kế phù hợp nhằm củng cố kiến thức cơ bản cho các cán bộ đang công tác tại ba cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng về các khuôn khổ kinh tế vĩ mô đồng thời trang bị các kỹ năng phân tích, đánh giá về các vấn đề trọng yếu như lạm phát, cung và cầu, chính sách tài khóa, tài khóa bền vững, nợ bền vững, tài khoản vãng lai, cán cân đối ngoại v.v., qua đó các cán bộ các bộ ngành hữu quan của Việt Nam có thể phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, được trang bị kiến thức để hiểu rõ hơn ý nghĩa, nguồn gốc (công thức tính toán) kết quả trong báo cáo của các đoàn Điều IV, phục vụ công việc hàng ngày. Đặc biệt, khóa học đã giúp học viên làm quen với mô hình EBA - mô hình các Đoàn Điều IV sử dụng trong việc đánh giá cán cân đối ngoại được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo NHNN, tại buổi khai mạc Khóa tập huấn, bà Khương Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN đánh giá cao trong những năm qua, các hoạt động nâng cao năng lực thông qua các khóa đào tạo, hội thảo do CDOT, STI, ICD cung cấp đã góp phần nâng cao năng lực hoạch định chính sách của các cơ quan chức năng trong khu vực. Đối với NHNN cũng như các Bộ và cơ quan khác, các khóa học của IMF, đặc biệt là các bài giảng và hội thảo do CDOT đứng ra tổ chức, thường gắn liền với các chức năng và nhiệm vụ hàng ngày của các cơ quan hữu quan Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn về phân tích chính sách dựa trên mô hình, dự báo kinh tế vĩ mô, hỗ trợ rất nhiều cho việc lập kế hoạch và định hướng chính sách của Việt Nam. Đại diện NHNN cũng cho biết trong hai năm qua, việc phát triển năng lực thông qua các khóa đào tạo đã bị ảnh hưởng. Đào tạo trực tuyến đã cho thấy nhiều hạn chế hơn so với cách tiếp cận trực tiếp. Do đó, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của IMF và CDOT trong việc tiếp tục đào tạo trực tiếp tại Việt Nam. Phó Vụ trưởng Vụ HTQT hy vọng, bên cạnh việc tích lũy kiến thức, các học viên sẽ có thêm cơ hội củng cố mối quan hệ công tác thông qua khóa học này. Nhân dịp này, bà Khương Thanh Hà bày tỏ lòng cảm ơn đến các đối tác đồng tổ chức cũng như tất cả học viên đã dành thời gian và đóng góp vào sự thành công của khóa tập huấn, đồng thời hy vọng IMF và CDOT sẽ tiếp tục triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động tư vấn chính sách, hỗ trợ phát triển năng lực cho Việt Nam.
Khóa học được diễn ra trong một thời gian ngắn, chưa thể đi sâu vào việc chẩn đoán kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các học viên đều bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, CDOT sẽ có những khóa học nâng cao với chủ đề tương tự để cán bộ của các bộ, ngành trong đó có NHNN được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi Việt Nam sẽ trở thành một nước thu nhập trung bình và hướng tới phát triển bền vững với những cải cách toàn diện trong lĩnh vực thống kê, ngân hàng và tài chính, vốn là thế mạnh của IMF. Thông qua khóa tập huấn trực tiếp như khóa học này, CDOT hiểu thêm về năng lực chuyên môn của cán bộ trẻ của Việt Nam, để có những kế hoạch đào tạo dài hơi hơn và thiết kế những khóa học mang tính ứng dụng cao, giúp cán bộ Việt Nam nâng cao hiệu quả chính sách, tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế, tài chính, từ đó củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro ngày càng gia tăng trên thế giới.
CDOT được thành lập tại Bangkok vào tháng 9/2012, với tên gọi ban đầu là Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật IMF cho Lào và Mi-an-ma (TAOLAM). Năm 2015, TAOLAM đổi tên thành CDOT với sự hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất của Chính phủ Nhật Bản và Thái Lan (Ngân hàng Trung ương Thái Lan). Đến nay, CDOT đã triển khai nhiều dự án tăng cường năng lực, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo về quản lý kinh tế vĩ mô và tài chính công, nghiệp vụ tiền tệ và ngoại hối, thống kê khu vực đối ngoại và tài chính chính phủ cho nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (chủ yếu cho 04 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam).
HTQT
Xem thêm: 334215VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www