Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố - Ảnh: VĂN MẠNH
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá cao gấp 3-4 lần sách giáo khoa hiện hành gây khó khăn với những gia đình có thu nhập thấp là vấn đề "nóng" trong thời gian qua.
Rồi chuyện thiếu sách giáo khoa vào thời điểm hiện tại xuất phát từ những vướng mắc trong quy trình công bố danh mục sách, dẫn tới không chủ động về kế hoạch xuất bản, phát hành.
Giải pháp khắc phục những bất cập này như thế nào không được Bộ GD-ĐT đề cập, thảo luận tại hội nghị quan trọng của ngành giáo dục triển khai năm học mới.
Phải chủ động
Chỉ đến cuối phiên họp, trong phát biểu chung về những vấn đề cần lưu ý, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở Bộ GD-ĐT cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn sử dụng, thống nhất trình Chính phủ để kịp thời triển khai từ năm học 2022 - 2023.
"Bộ trưởng Sơn (Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - PV) cho biết tới thời điểm này Bộ GD-ĐT đã gửi dự thảo sang Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nhưng mới có một bộ trả lời thôi. Như vậy thì phải tiếp tục gọi điện cho bộ trưởng bộ đó. Nếu không nhanh, tới đầu năm học làm không kịp thì xã hội chỉ biết đến ngành giáo dục thôi" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm liên quan tới giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo.
Trước đó, trong kết luận tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa, ông Đam đã đề nghị Bộ GD-ĐT phải làm rõ các quy định hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan tới đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Đồng thời công khai các quy định về thẩm định, biên soạn, phê duyệt các bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo nội dung phù hợp với chương trình. Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ giáo viên, học sinh thì cần đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề định giá sách giáo khoa...
Tại hội nghị, một lần nữa ông Đam yêu cầu trước năm học mới, Bộ GD-ĐT phải rà soát lại tất cả những vấn đề còn bất cập liên quan tới sách tham khảo, dạy thêm học thêm tràn lan, vấn đề đóng góp của phụ huynh và "lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự họp tại hội nghị cần thực sự quan tâm".
Ông cho rằng Bộ GD-ĐT cần chủ trì để phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, bổ sung các quy định liên quan tới huy động các nguồn lực tự nguyện đóng góp cho giáo dục.
Học phí: chờ!
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - chia sẻ: "Cà Mau rất trông đợi có chỉ đạo sớm về vấn đề học phí để thực hiện vì sắp cận kề năm học mới". Đây là ý kiến hiếm hoi tại hội nghị đề cập đến vấn đề học phí.
Trên thực tế, nó là vấn đề nóng không chỉ các địa phương, nhà trường mà đông đảo người học quan tâm. Nhưng tại hội nghị, đây lại là vấn đề không "nóng" khi không được đề cập trong báo cáo của Bộ GD-ĐT và không được đặt ra để thảo luận, thống nhất.
Trước đó, nhiều địa phương đã dự kiến lộ trình tăng học phí các cấp học mầm non, phổ thông theo nghị định số 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và vấp phải nhiều phản ứng của xã hội.
Đầu tháng 7-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất với Chính phủ miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 với toàn bộ các cấp học khác để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.
Vì thế các địa phương, cơ sở giáo dục hiện vẫn chờ đợi. Việc có thực hiện lộ trình tăng học phí không, việc miễn học phí sẽ triển khai thế nào trong năm học mới? Các cơ sở giáo dục phải bù đắp chi phí từ đâu để duy trì hoạt động và nâng chất lượng? Những vấn đề này không được Bộ GD-ĐT chủ động đề cập. Và cũng lại phải đến phần trao đổi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới được ông nhắc đến.
Ông Đam cho rằng khi phát triển đi lên, giá dịch vụ giáo dục phải tăng mới đảm bảo chất lượng. Chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục như các nước thu nhập đầu người 40.000 USD/năm trong khi giá dịch vụ giáo dục của ta không tính đúng, tính đủ.
Chất lượng giáo dục muốn tăng thì giá dịch vụ giáo dục phải tăng là đương nhiên, tất nhiên là theo hướng tiết kiệm. Giá dịch vụ giáo dục ở đây là điều kiện để đảm bảo chất lượng. Trong đó có phần đóng góp của gia đình học sinh, gọi là học phí.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ông Đam nêu quan điểm "phần đóng góp của gia đình học sinh tức là học phí ở giáo dục phổ thông thì theo hướng không tăng. Thậm chí phải thực hiện giảm, miễn.
Hiện ở bậc tiểu học, chúng ta đã miễn học phí, giờ bàn tới bậc THCS, tiến tới là phải đẩy nhanh lộ trình miễn học phí phổ thông. Nhưng nếu miễn, giảm học phí cho học sinh thì ngân sách phải bù theo hướng tính đúng tính đủ, nếu không các nhà trường không thể có nguồn thu để chi tiêu".
Câu chuyện thiếu, thừa giáo viên đã được nhiều địa phương đề cập tại hội nghị. Mặc dù Bộ Chính trị đã bổ sung 65.900 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026.
Riêng năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện để tuyển dụng 27.850 giáo viên các cấp, nhưng theo đại diện tỉnh Nghệ An thì việc này không đơn giản vì vướng nhiều thủ tục, khó khăn về nguồn tuyển.
Điểm sáng
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT về năm học 2021 - 2022, một năm học đặc biệt mà ngành GD-ĐT phải nỗ lực vượt bậc, Bộ GD-ĐT đánh giá những thành quả minh chứng cho việc "chủ động, linh hoạt" để biến "nguy" thành "cơ".
Cụ thể là thành quả của chương trình "sóng và máy tính cho em", sự chuyển biến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà trường, học sinh, sự phát triển nguồn học liệu mở dùng chung...
Nhưng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận những khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà, trong đó khó khăn lớn nhất là cấp học mầm non.
Nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022 - 2023, TP.HCM thiếu 892 giáo viên mầm non, 2.355 giáo viên tiểu học, 1.698 giáo viên bậc THCS và 296 giáo viên bậc THPT.
Trả lời Tuổi Trẻ về phương án tuyển dụng giáo viên năm học này, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10.
Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho đơn vị, sở đã thực hiện các nội dung như cử người tham gia báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành theo lời mời từ các trường đại học; chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, theo định mức quy định và theo tình hình thực tế để làm cơ sở báo cáo nhu cầu chuyển công tác đến và đi, tuyển dụng mới viên chức.
Cô trò Trường THCS Trần Phú, Q.1, TP.HCM trong một tiết học - Ảnh: ANH KHÔI
Đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng thì tổ chức tuyển dụng thành hai đợt và hiện đã tổ chức đợt 1 đến vòng 2 (đợt 2 dự kiến tổ chức từ tháng 10-2022). Đây là thời gian sau khi các đơn vị đã ổn định số học sinh, số lớp và xác định chính xác về nhu cầu tuyển dụng.
Các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính thì tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu. Sở công khai nhu cầu tuyển dụng của tất cả các đơn vị trên trang thông tin về tuyển dụng của sở.
Ngoài ra đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (công nghệ, tin học) nói chung và vị trí giáo viên môn mới (âm nhạc và mỹ thuật) nói riêng, sở hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (theo quy định tại nghị quyết số 102 năm 2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế) với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.
MỸ DUNG
TTO - Trước câu chuyện hơn 500 giáo viên bỏ nghề ở Bình Dương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu giám đốc sở trao đổi cụ thể về nguyên nhân. Còn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là vấn đề lẽ ra bộ cần chủ động nắm từ trước.