Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa lấy ý kiến 3 bộ Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải về việc điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương (metro Bến Thành - Tham Lương), trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Dự kiến thời gian hoàn thành khai thác dự án sẽ được lùi tới năm 2030, và thời gian sửa chữa, bảo hành đến năm 2032. Dù đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nhưng sẽ vẫn giữ tổng vốn đầu tư 47.890 tỉ đồng, quy mô toàn tuyến dài 11,2km, trong đó đoạn đi ngầm 9,2km, đi trên cao khoảng 2km.
Trong báo cáo gửi tới Bộ Kế hoạch và đầu tư tháng 7-2022, UBND TP.HCM cho biết để thúc đẩy tiến độ dự án metro số 2, thành phố đã chỉ đạo các quận có dự án đi qua phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong quý 3 năm nay.
Các sở, ngành phải hoàn thành di dời toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật chính trong năm 2024 để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính trong năm 2025.
Theo UBND TP.HCM, có 5 nguyên nhân dẫn đến phải kéo dài tiến độ thực hiện dự án, đó là chậm trễ trong bàn giao mặt bằng dự án; công tác đấu thầu và trao thầu gói thầu chính CP3a/b phải hủy để bảo đảm tính pháp lý; kéo dài thời gian đàm phán thực hiện hợp đồng với tư vấn IC; công tác thu xếp tài chính dự án kéo dài; và do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao
Ngày 12-8, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.
Sau khi xem xét các kiến nghị của Bộ Công thương, Phó thủ tướng giao Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Công thương về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để có tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.
Tàu cá neo đậu ở huyện Châu Thành, Kiên Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân theo hướng hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng, dầu ngư dân sử dụng, để khuyến khích ngư dân khôi phục trở lại hoạt động vươn khơi, bám biển.
Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách đến hết năm 2022.
Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Tàu SE22 chạy ngang đoạn thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mục tiêu cụ thể như sau:
- Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%;
- Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%.
Về kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế; duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Tín dụng đen biến tướng tinh vi, Công đoàn lên tiếng cảnh báo
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản cảnh báo gửi công đoàn các cấp về nạn cho vay nặng lãi nhắm tới người lao động đang khó khăn về tài chính với chiêu thức ngày càng tinh vi, núp dưới vỏ bọc là hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn…
Theo Công đoàn Việt Nam, "tín dụng đen" đã biến tướng thông qua các hình thức khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Thậm chí các đối tượng liên quan còn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Do vậy, các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen" để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác, đồng thời lưu ý quan tâm, nâng cao phúc lợi đoàn viên qua tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, hỗ trợ vay vốn ở kênh chính thống với lãi suất hợp lý…
Công đoàn cơ sở có trách nhiệm tìm hiểu, kết nối đầu mối gói vay 20.000 tỉ đồng cho công nhân lao động từ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ hoặc đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho người lao động khó khăn đột xuất tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.
Bộ Y tế đề nghị viện trợ thay thế 1,2 triệu liều vắc xin phải hủy
Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, cho biết tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Cụ thể, trong thàng 7-2022 cả nước tiêm được 13,4 triệu liều vắc xin COVID-19, tăng 2,1 triệu liều so với tháng 6-2022. Trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10-8, số liều tiêm mỗi ngày tăng dần từ 170.000 liều lên 410.000 liều, trung bình tiêm được 320.000 liều/ngày.
Người dân tại Hà Nội tiêm vắc xin mũi 3, 4 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Theo Bộ Y tế, đến ngày 11-8, tổng số vắc xin COVID-19 đã tiếp nhận là hơn 253 triệu liều. Bộ đã phân bổ 162 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số gần 250 triệu liều.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trao đổi, làm việc với COVAX Facility đề nghị viện trợ vắc xin thay thế 1,2 triệu liều vắc xin phải hủy của Việt Nam. COVAX Facility đã chấp thuận và có thư thông báo sẽ cung ứng vắc xin thay thế cho Việt Nam thông qua UNICEF.
Một số hoạt động đáng chú ý hôm nay
- Ngày gia đình ASEAN năm 2022.
- Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 tại Hà Nội.
- Tại TP.HCM, chương trình giao lưu văn hóa thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
- Khai mạc Đại hội thể dục, thể thao tỉnh Hải Dương.
TTO - Đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp để xử lý các điểm nghẽn cho phát triển; Hỗ trợ giáo viên tiểu học, mầm non phải nghỉ việc phòng chống dịch 2,2-3,7 triệu/người; TP.HCM điều chỉnh giao thông để sửa cầu... là tin đáng chú ý sáng nay.