Theo Tổng cục Thuế, năm 2022, ngành thuế được giao thu 1.174.900 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số thu thuế, phí nội địa đạt 578.404 tỷ đồng, bằng 63,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thì số thu thuế, phí nội địa tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2021.
Tính đến tháng 6/2022, toàn nước có 16/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 55%), trong đó có một số khu vực, khoản thu lớn như: DNNN đạt 56,8%, DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,4%, khu vực ngoài quốc doanh đạt 67,7%, thuế TNCN đạt 77,4%, thu lệ phí trước bạ đạt 68,5%.
Cùng với đó, cả nước có 60/63 địa phương có số thu NSNN đạt trên 50% dự toán. Trong đó, đáng chú ý một số địa phương thu 6 tháng so với dự toán năm đạt cao như: Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kon Tum.
Trong những tỉnh, thành thu NSNN lớn nhất 6 tháng đầu năm 2022, TP. HCM là địa phương dẫn đầu. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, số thu NSNN trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 156.838 tỷ đồng, đạt 60,42% dự toán, chiếm 65,7% tổng thu cân đối và tăng 17,62% so với cùng kỳ.
Thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 15.225 tỷ đồng, đạt 58% dự toán và tăng 5,3%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 43.613 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 11,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước 36.642 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 9,2%.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 68.700 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, chiếm 28,8% tổng thu cân đối và tăng 9,6%.
Top 10 địa phương dẫn đầu về thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Cục Thuế các địa phương.
Xếp ở vị trí thứ 2 là Hà Nội, tổng số thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố ước đạt 164.876 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán pháp lệnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ sản xuất kinh doanh (SXKD) tiếp tục là động lực chính (ước đạt 59,7% DTPL, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2021) và bù đắp cho sự sụt giảm thu từ các khoản thu về đất.
Bà Rịa - Vũng Tài là tỉnh có thu NSNN cao thứ 3 với tổng thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 53.364,3 tỷ đồng, bằng 74,6% dự toán, tăng 21,6% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu từ dầu khí ước khoảng 19.780 tỷ đồng, đạt 119,2% dự toán, tăng 92,4% so cùng kỳ; thu ngân sách nội địa 23.380 tỷ đồng, đạt 67,5% dự toán, tăng 9,5%. Trong khi đó, thu thuế xuất, nhập khẩu khoảng 10.204,3 tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán, giảm 16,7% so cùng kỳ; thu ngân sách địa phương được hưởng khoảng 12.749,4 tỷ đồng, đạt 68% dự toán, giảm 2,1%.
Cùng với đó, Bình Dương xếp ở vị trí thứ 4 với thu ngân sách ước được 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán năm mà Hội đồng nhân dân tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao.
Thanh Hóa lọt top 5 tỉnh, thành có thu NSNN cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tổng thu NSNN trên địa bàn đã ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán cả năm và tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kết quả thu nội địa ước 6 tháng đạt 16.678 tỷ đồng, bằng 97% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, thu tiền sử dụng đất thực hiện đạt 7.778 tỷ đồng, bằng 141% dự toán và tăng 101% so với cùng kỳ.
Hơn nữa, hoạt động xuất nhập khẩu có mức thu NSNN đạt mức cao, ước thực hiện thu 6 tháng đạt 9.656 tỷ đồng, bằng 88% dự toán và tăng 169% so cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong đó nguồn thu chủ yếu là tiền thuế GTGT mặt hàng dầu thô nhập khẩu.
Ngoài ra, top 10 địa phương dẫn đầu thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2022 còn có Hưng Yên, Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Các địa phương này có tổng số thu NSNN đạt lần lượt là 26.127 tỷ đồng, 23.200 tỷ đồng, 20.853 tỷ đồng, 20.650 tỷ đồng và 20.559 tỷ đồng.