Xưởng pháp lam của anh Triết hiện có hơn 20 người “giữ lửa nghề” truyền thống xứ Huế - Ảnh: TRẦN MAI
Cung An Định, trưa hè đổ lửa, nhóm nghệ sĩ trẻ đang vã mồ hôi chỉnh lại những bức tranh được lấy ý tưởng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là lần đầu tiên Truyện Kiều được thể hiện bằng nghệ thuật pháp lam, trong kỳ festival đặc biệt của Huế.
Lớp trẻ giờ có học hành bài bản nên tiếp thu nghề tốt lắm, có khi còn giỏi nghề hơn cả tôi với Triết. Pháp lam đã có lớp kế thừa.
Ông ĐẶNG HỮU CƠ
Làm sống lại nghệ thuật đã thất truyền
Trong khung cảnh trầm mặc của cung cấm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết cùng nhóm thợ mướt mồ hôi chỉnh sửa từng chi tiết dù là nhỏ nhất để có một không gian ấm áp, hoàn hảo cho cuộc triển lãm nghệ thuật pháp lam.
Với anh Triết, đây là một kỳ festival vô cùng ý nghĩa khi lần đầu tiên anh có triển lãm riêng để đưa đến công chúng loại hình nghệ thuật thất truyền từ thời vua Đồng Khánh.
"Đóng cửa lại đi, bật đèn lên thì tranh mới không bị lóa bóng. Để tranh thưa thưa nhau ra nhé, khách đến có một không gian thoải mái", anh Triết tỉ mẩn dặn dò từng cộng sự. Khu triển lãm tranh pháp lam của anh lần này nằm ở tầng hai cung An Định - nơi gia đình của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn sinh sống.
Không gian hoài cổ pha nét kiến trúc Pháp làm tôn bật lên những tông màu ánh vàng sang trọng của tranh pháp lam tại cuộc triển lãm lần này.
Là một người con xứ Huế, người đàn ông tốt nghiệp ngành vật lý học Đỗ Hữu Triết cũng không ngờ một ngày đời mình lại dính chặt vào pháp lam. Nở nụ cười, anh nhớ lại ngày bước chân vào kinh thành với vai trò chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô - chuyên việc chọn vật liệu trùng tu di tích.
Khoảng 20 năm trước, kinh thành Huế đứng trước cuộc trùng tu rất lớn. Thời điểm ấy, nhiều loại hình nghệ thuật từng sử dụng cho kiến trúc của cung đình hư hỏng được phục hồi.
Đơn vị anh Triết được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phục hồi hệ thống pháp lam trang trí trên các công trình quan trọng như điện Thái Hòa, nghi môn, lăng tẩm...
"Nói thì dễ, chứ bắt tay vào tìm hiểu thì hỡi ôi. Pháp lam Huế đã thất truyền từ lâu, các triều đại sau chuộng nghệ thuật khảm sành sứ. Nguồn sử liệu cũng chỉ ghi lại các câu chuyện về thành lập pháp lam tượng cục, không hề nhắc đến cách làm tranh pháp lam", anh Triết kể.
Lượm lặt những vụn vỡ của quá khứ, những mảnh pháp lam trang trí trên trần điện Thái Hòa rơi xuống, anh Triết mang đến viện hóa học và viện vật lý học nhờ phân tích. "Thành phần trong đó là đồng và men thủy tinh.
Nào có ngờ hai thành phần hóa học chẳng cùng chung "dòng họ" này có thể kết hợp lại với nhau tạo ra những bức tranh với màu sắc tuyệt đẹp. Từ đó tôi mê mẩn nên lao vào nghiên cứu", anh Triết kể.
Càng tìm hiểu càng bị cuốn vào quá khứ, anh Triết chọn đề tài nghiên cứu thạc sĩ chuyên ngành vật lý "Men và màu cho đồ gốm sứ ở di tích Huế", mà cụ thể là trên pháp lam ở di tích Kinh thành Huế. Hướng dẫn đề tài cho chàng nghiên cứu sinh trẻ là cố TS vật lý học Trịnh Đức Quang.
Nhắc đến đây, anh Triết bật cười rồi nói lúc đó thầy trò "vừa làm vừa lo" bởi chẳng ai có thể đánh giá được công trình nghiên cứu này khi nghề làm pháp lam Huế đã thất truyền cả trăm năm. Nhưng những con số khoa học không thể nói dối.
Mười mẫu vật pháp lam trang trí do anh Triết làm ra được hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá rất cao, các chỉ số vật liệu phù hợp với các chỉ số đo được từ những vụn vỡ ở điện Thái Hòa.
"Tôi và thầy Quang ôm nhau mừng rỡ. Vậy là nghề tưởng chừng như thất truyền ở Huế có cơ hội được hồi sinh", anh Triết nhớ lại.
Nghệ thuật pháp lam Huế tưởng thất truyền lại được hồi sinh mạnh mẽ - Ảnh: NHẬT LINH
Nghệ thuật phải bán được
Trong không gian Kiều dưới nghệ thuật pháp lam còn có cả những tặng phẩm tinh xảo như dây chuyền, khuyên tai... được trưng bày. Pháp lam đang được nhóm của anh Triết "thương mại hóa". "Bây giờ chúng tôi đã sống được thì nghề chắc chắn sẽ được lưu giữ", anh Triết nói.
Dòng hồi ức trở về, anh Triết nhớ lại kỳ Festival nghề truyền thống năm 2009. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế "khẩn thiết" đặt hàng các nghệ nhân xứ kinh kỳ tạo ra sản phẩm đặc biệt làm tặng phẩm.
Anh Triết lao vào xưởng. Sau bao lần làm xong lại hỏng, cuối cùng anh cũng "nhập đồng vào men" và cho ra đời tác phẩm chim phượng hoàng làm bằng pháp lam. Tỉnh Thừa Thiên Huế gật đầu ngay tức khắc. 500 bức pháp lam to bằng chiếc dĩa nhỏ trở thành tặng phẩm cho đại biểu dịp đó.
Chính cánh chim phượng giúp anh Triết nhận thấy cơ hội kinh doanh, phục hồi nghề. Anh quyết định rời vị trí cán bộ bảo tồn để chuyên tâm với nghệ thuật và mở công ty pháp lam đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Nhưng Công ty Sao Khuê của anh Triết chỉ kịp lóe sáng rồi vụt tắt. Thị trường thời đó chưa hiểu hết giá trị của pháp lam, nghệ thuật không bán được, công ty đành đóng cửa. Thất bại này giúp anh nhận ra nghệ thuật là những tác phẩm để đời, nhưng giữ nghề cần những tác phẩm bán được.
Bài học ấy giúp anh trở lại mạnh mẽ khi cùng bạn thành lập Công ty Thái Hưng chuyên về pháp lam mỹ nghệ, nay được đổi tên thành Công ty Pháp lam Huế. Lần này anh thành công khi nghệ thuật... bán được.
Chính việc thay đổi cách tiếp cận, cho ra đời những món đồ trang sức như vòng tay, dây chuyền bằng pháp lam khảm bạc, vàng... tinh xảo đã đưa nghệ thuật pháp lam gần hơn với người dân.
"Hơn 10 năm vật lộn, thương trường đã dạy tôi bài học quý giá nhất, đó là nghệ thuật phải bán được thì nghệ nhân mới sống được. Tôi nghĩ đến giờ đã thương mại được nghệ thuật này và sắp đến tôi sẽ hợp tác với các địa điểm du lịch bán đồ lưu niệm từ nghệ thuật pháp lam cho du khách", anh Triết tâm sự.
Sau bao nhiêu chông gai, giờ anh Triết đã có trong tay "quả ngọt" là một cơ sở sản xuất, kinh doanh pháp lam mỹ nghệ ở đường Chi Lăng (TP Huế) với hơn 20 nhân sự, nơi thực hiện hóa giấc mơ "giữ lửa" và "truyền lửa" để pháp lam xứ Huế không bị thất truyền thêm lần nào nữa.
Họa sĩ trẻ Kim Quý (27 tuổi) rành mạch bảo rằng: "Lớp men này được pha chế bằng một công thức đặc biệt giữa nước, màu và bột thủy tinh.
Sau khi tạc đồng thành tranh sẽ đến công đoạn lên màu. Không giống những hội họa khác, pháp lam phải dùng nước dẫn màu, sử dụng mũi cọ, mạnh tay sẽ lem ngay".
Còn ông Đặng Hữu Cơ (63 tuổi) có 13 năm thăng trầm sống với pháp lam. Trước đây ông Cơ là thợ khảm bạc, được anh Triết mời về vật lộn với món nghệ thuật hoàng cung. Được anh xem là "cánh tay phải", ông Cơ hiện đang phụ trách việc pha màu men, hướng dẫn nghề cho thợ trẻ.
Pháp lam là gì?
Pháp lam là tên gọi của sản phẩm mỹ thuật có cốt bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men với những hình ảnh và màu sắc trang trí rồi đem nung ở nhiệt độ cao mà tạo thành. Do cách thức chế tác đặc biệt đó nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu trước sức va đập hoặc sự ăn mòn của môi trường.
Vào thời Nguyễn, các nghệ nhân Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế. Pháp lam Huế phát triển thịnh vượng dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.
"Ra Thủy Tú, trước đây có làm gạch xây dựng kinh thành, dân ở đây gọi là gạch vồ. Đó là xóm lò gạch thủ công cuối cùng tồn tại".
Kỳ tới: Đi tìm "gạch vua"
TTO - Năm 2005, nhà nghiên cứu Trịnh Bách từ Hà Nội về Huế tiếp tục nghiên cứu, phục chế lại cổ phục cung đình. Thời bấy giờ, đồ ngự dụng và thờ cúng trong lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn bị hư hỏng khiến ông ngậm ngùi.