Làng chài Sê San của hầu hết dân gốc miền Tây Nam Bộ - Ảnh ĐỨC THẮNG
Những ngón nghề mần cá miệt phương Nam mà sống được ở hồ thủy điện Sê San.
Và hiện nay, làng chài bên bờ hồ Sê San thuộc tỉnh Kon Tum này đang có 34 hộ dân hầu hết đều quê An Giang, Hậu Giang. Dù còn khó khăn, nhưng họ đã dần vượt qua cuộc sống bấp bênh trên mặt nước...
Đi lên núi... tìm cá
Một nhà bè của ngư dân miền Tây ở lòng hồ Sê San - Ảnh TRẦN HÓA
Chúng tôi vừa đến bến xuồng dân làng chài, một người đàn ông ngoài 40, nước da ngăm ngăm màu sạm nắng, liền tiến lại gần hỏi: "Ra làng chài Sê San phải không? Lên xuồng tui chở ra".
Người đàn ông chở chúng tôi là ông Đặng Văn Thuộc, gốc An Giang, một trong những người miền Tây đầu tiên lên lòng hồ Sê San để đánh bắt cá kiếm kế sinh nhai.
Ban đầu ông Thuộc cùng một số bà còn họ hàng lên đóng chân tại lòng hồ nhỏ ở tỉnh Đắk Lắk nhưng có quá nhiều người từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên... cũng tụ về. Nhận thấy tình cảnh không khác ở quê là bao, cuộc sống chật vật vì cá ít, lưới ngư dân lại đông, thế là ông lại tìm đến lòng hồ thủy điện Sê San.
"Lúc tui mới lên, lòng hồ này chưa có ai. Tui cùng bà con họ hàng là những người đầu tiên đặt chân đến đánh bắt cá. Sau này, dân tình rôm rả kéo đến ngày càng đông, mới thành lập làng chài Sê San, đến nay đã gần 12 năm rồi.
Năm 2010, khu vực lòng hồ này hoang sơ, dày đặc cây cổ thụ vươn khỏi mặt nước, có nơi lá còn xanh nên nhìn như rừng nguyên sinh. Lái xuồng đi đánh bắt ban đêm sợ va phải cây nguy hiểm lắm, nhưng cá nhiều, cá bự nên tụi tui mê mải bám trụ đánh bắt cho tới bận giờ", ông Thuộc vui vẻ nhớ lại.
Nghe tôi hỏi ở quê miền Tây nhiều sông nước, có thể làm nghề đánh bắt cá, sao phải lặn lội lên tận nơi xa xôi này quăng lưới mưu sinh, ông Thuộc thở dài kể: "Chỉ mần được mỗi mùa nước nổi chừng 3 tháng, cá thì ít mà người đánh bắt đông như quân ra trận nên hổng được bao. Nhà nào có ao nuôi còn đỡ, còn chỉ trông chim trời cá nước thì thiếu hụt chắc chắn".
Những ngày đầu đến Sê San, cuộc sống của nhiều hộ dân miền Tây còn nhiều khó khăn. Họ dựng bè nhỏ chừng 4 - 5m2, đủ giăng cái mùng chống muỗi và thêm chỗ ăn uống rồi tạm trú ở xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai. Đánh bắt chưa được bao lâu thì họ kéo bè qua bờ hồ tỉnh Kon Tum, rồi một thời gian lại trở về Gia Lai..., bởi hầu hết đều chưa có hộ khẩu thường trú.
Cá cơm được sơ chế, phơi khô phục vụ du khách - Ảnh HOÀNG LỘC
Ngoài nuôi cá và làm dịch vụ du lịch, hiện nay hàng chục hộ dân làng chài này vẫn chủ yếu đánh bắt cá cơm. Bà con phơi khô cá, khéo léo đóng thành từng bao bán cho thương lái, du khách, hoặc làm bánh tráng cá cơm phục vụ khách du lịch nếm đặc sản hồ Sê San.
Bà Hạ Thị Diễm Nhung
Nghề này cũng hên xui, trung bình mỗi đêm bắt được khoảng 20kg cá cơm tươi, với giá hiện tại khoảng 15.000 đồng/kg, trừ xăng dầu còn khoảng 300.000 đồng. Bữa nào hên thì 400.000 - 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Thành Nhân
Bè cá dưới hồ, nhà an cư trên bờ
Nắng chênh chếch đỉnh đầu, trước mắt chúng tôi, những căn nhà nổi ở làng chài bập bềnh cách nhau vài mét để tiện hỗ trợ lúc khó khăn. Rời bè vợ chồng ông Thuộc, tôi lên nhà của vợ chồng ông Nguyễn Thành Nhân (41 tuổi, quê Tri Tôn, An Giang). Một gia đình ngư dân miền Tây cũng từng nhiều năm quăng lưới mưu sinh trên lòng Tây Nguyên.
Ông Nhân vui vẻ kể sau 5 năm sống lênh đênh trên hồ, năm 2015, tỉnh Kon Tum quyết định thành lập huyện Ia H’Drai, đề ra các chính sách thu hút dân cư nên tạo điều kiện cấp cho 29 hộ dân làng chài mỗi hộ 400m2 đất kèm 50 triệu đồng/hộ.
Chương trình hỗ trợ lạc nghiệp này đã tạo điều kiện cho dân làng chài được an cư. Ngoài chiếc bè nhỏ, họ còn có thêm căn nhà trên bờ.
"Nếu huyện Ia H’Drai không tạo điều kiện, chấp thuận cho định cư thì giờ này tôi vẫn còn hoàn toàn sống lênh đênh hồ nước. Gia đình cũng không được đoàn tụ như bây giờ, con cái cũng khó đi học được", ông Nhân nhìn lòng hồ mênh mông nước nói. Ngoài cấp đất cho dân làng chài xây nhà định cư trên bờ, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cấp cá giống giúp họ nuôi thêm.
Vợ chồng ông Nhân tâm sự trước đây gia đình chủ yếu đánh bắt cá cơm trên hồ, sau đã nuôi thêm các loài cá hiệu quả kinh tế cao như cá chình, cá lăng, diêu hồng... Những năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, du khách tìm đến. Nhiều hộ dân ở làng chài Sê San mở thêm dịch vụ du lịch, chế biến những món đặc sản cá phục vụ du khách.
Bà Hạ Thị Diễm Nhung, vợ ông Nhân, cho biết thời điểm khách đông một tháng kiếm thêm được trên dưới 15 triệu đồng, ít thì cũng được 9 - 10 triệu. "Làm cái này thì mất cái kia, quán khách đông thì mình tất bật, đâu đi đánh bắt cá cơm được nữa. Nhưng nói chung cũng đủ trang trải nuôi con gái đầu học đại học và một đứa đang học cấp III", bà Nhung niềm nở cho hay.
Hoàng hôn buông xuống là lúc dân làng chài chuẩn bị đánh bắt cá trên lòng hồ - Ảnh ĐỨC THẮNG
Vẫn không rời tay lưới
Buổi chiều, Mặt trời dần khuất núi là lúc dân làng chài này tất bật chuẩn bị cho chuyến đánh bắt cá cơm. Chiếc xuồng của ông Thuộc chầm chậm rời nhà nổi ra giữa lòng hồ. Ngoài cá cơm, lòng hồ Sê San có nhiều loài cá lớn.
Tuy nhiên, trước đây khu vực này là rừng tự nhiên, về sau cây chết dần và nằm lại dưới đáy hồ. Người dân thả lưới đánh bắt cá lớn ở dưới đáy sâu đều vướng cây cối, rất khó làm mà nhiều khi còn bị hư hại lưới.
"Nghề này cũng hên xui, trung bình mỗi đêm bắt được khoảng 20kg cá cơm tươi, với giá hiện tại khoảng 15.000 đồng/kg, trừ xăng dầu còn khoảng 300.000 đồng. Bữa nào hên thì 400.000 - 500.000 đồng", ông Nhân cho biết ngày trước cá nhiều, mỗi đêm bắt được hơn 70kg cá cơm. Bây giờ thì tùy theo thời tiết, lâu lâu họ "vô mánh" được 40 - 50kg, bữa nào "trời không thương" thì chỉ lèo tèo 10 - 15kg.
Một nhà bè của ngư dân miền Tây ở lòng hồ Sê San - Ảnh TRẦN HÓA
Sau mấy năm có thêm nhà trên bờ để an cư lạc nghiệp, cuộc sống của người dân làng chài quê miền Tây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang dần ổn định. Họ không còn lênh đênh, nay dạt chỗ này, mai trôi chỗ kia trên lòng hồ Sê San nữa.
Bình minh dần lên, những ngư dân quê gốc miền Tây lục tục trở về nhà sau một đêm thấm mệt giong thuyền lưới cá. Cơn mưa đêm đã tạnh, mây mù tan đi, tia mặt trời rọi sáng dần mặt hồ và những gương mặt ngư dân sạm nắng gió.
Hỗ trợ dân làng chài ổn định đời sống
Ông Võ Anh Tuấn, chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, cho biết được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, huyện đã tạo mọi điều kiện đưa người dân sống lênh đênh từ bên kia bờ Sê San thuộc xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) về định cư sinh sống trên địa bàn.
Địa phương giúp nhập hộ khẩu, đưa bà con lên bờ, đồng thời cấp cho mỗi hộ dân 400m2 đất và 50 triệu đồng xây nhà kiên cố tránh mưa gió. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các mô hình nuôi cá và cung cấp con giống.
"Quan điểm của UBND huyện là luôn quan tâm hỗ trợ người dân làng chài. Đặc biệt là vấn đề học hành của con em họ. Huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan vận động bà con cam kết cho con em đến trường học hành. Hiện nay, hầu hết các em học sinh làng chài đều được đi học đầy đủ", ông Tuấn cho biết thêm.
TTO - Cơn lốc đô thị hóa, người người bán đất, kẻ tìm mua, nhà vườn trầm buồn... là những gì chúng tôi cảm nhận được khi ghé qua miệt vườn nức tiếng Nam Bộ suốt trăm năm.
Xem thêm: mth.42515850191702202-ac-ioul-iun-nel-yat-neim-nad-ugn/nv.ertiout