Ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: T.TRANG
Chiều 19-7, Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết 54 và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện phục vụ tổng kết nghị quyết 54 năm 2005 và kết luận 13 năm 2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới.
Giá trị công nghiệp tăng 11,7% nhưng có nhiều thách thức
Theo ông Hưng, vùng Đồng bằng sông Hồng là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; là địa bàn đặc biệt có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước.
Công nghiệp là động lực phát triển của vùng. Nhìn tổng thể, sau 17 năm kể từ khi nghị quyết 54 được ban hành, công nghiệp của vùng, trong đó nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,7% trong năm 2016-2020.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả vùng năm 2020 đạt trên 551.000 tỉ đồng, cao gấp đôi so với con số 251.000 tỉ đồng của năm 2010. Ngành công nghiệp phát triển tập trung vào một số ngành mũi nhọn như điện - điện tử, lắp ráp ôtô, đóng tàu, dệt may, công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh những thành tựu trên, ông Hưng cũng cho rằng phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng những năm qua đặt ra nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ để lan tỏa sang các ngành kinh tế khác.
Mặt khác, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng trình độ công nghệ của ngành công nghiệp vẫn còn lạc hậu, nguồn lực đầu tư còn thấp, tốc độ đổi mới còn chậm. Do vậy, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp còn rất hạn chế…
Phải cải cách thể chế để thu hút vốn đầu tư
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và phát triển bền vững công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, cải cách thể chế là giải pháp được nhiều đại biểu đề xuất tại hội thảo.
Theo đó, ông An đề nghị cần cụ thể hóa cơ chế chính sách phù hợp đặc thù của từng địa phương, trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tạo sức hấp dẫn thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính và công nghệ.
Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên có công nghệ cao nhằm tạo ra hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với cải cách thể chế, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị phải huy động thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng.
Ngoài việc huy động vốn từ ngân sách nhà nước, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng cần xây dựng danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, tài chính tham gia. Nghiên cứu có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với những dự án đặc biệt quan trọng.
Quy hoạch bất cập, cứ mưa to là ngập lụt
Ngoài bất cập nêu trên về phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng đang đặt ra thách thức đối với vùng Đồng bằng sông Hồng.
"Gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch thủ đô Hà Nội. Đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng cứ mưa to là ngập lụt, tắc đường…" - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương dẫn chứng.
TTO - Đời sống vùng nông thôn cải thiện, thu nhập người dân nông thôn Đồng bằng sông Hồng đạt 43,3 triệu đồng/năm sau 10 năm các tỉnh vùng này làm nông thôn mới.
Xem thêm: mth.30974117191702202-hcac-iac-nac-nav-gnuhn-hnahn-neirt-tahp-gnoh-gnos-gnab-gnod-gnuv/nv.ertiout