CEO Goldman Sachs David Solomon chia sẻ trong ngày 18/7 rằng lạm phát đã trở nên cố kết trong nền kinh tế toàn cầu và liệu tình trạng này có được cải thiện trong nửa cuối năm nay hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
“Chúng tôi nhận thấy lạm phát đã trở nên cố kết trong nền kinh tế thế giới, và điểm bất thường của giai đoạn lạm phát cao này đó là cả cung và cầu đều bị ảnh hưởng từ những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine”, ông chia sẻ.
CEO Goldman Sachs David Solomon. Ảnh: Getty.
CEO của Goldman Sachs cũng chia sẻ quan điểm về một trong những câu hỏi “nóng” nhất ở thời điểm hiện tại: Lạm phát, hiện cao nhất nhiều thập kỷ, sẽ kéo dài tới bao giờ?
“Tôi đã có những trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp toàn cầu. Họ nhận định lạm phát sẽ không sớm thuyên giảm trong các chuỗi cung ứng mà họ tham gia”, ông nói. “Trong khi một số tín hiệu cho thấy lạm phát sẽ suy giảm trong nửa cuối năm nay đã xuất hiện, một câu trả chắc chắn đối với câu hỏi trên vẫn là quá sớm. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ theo sát vấn đề này”.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu quyết liệt siết chính sách tiền tệ nhằm kéo giảm lạm phát, tình trạng bất ổn hiện diện trên một loạt thị trường tài sản thời gian gần đây được dự báo sẽ tiếp tục nối dài.
Cuộc chiến chống lại lạm phát đang bắt đầu có những tác động tiêu cực tới “chỉ số niềm tin kinh doanh và hoạt động tiêu dùng trong nền kinh tế" và đó chính là mối lo lớn nhất ở thời điểm hiện tại, ông nói.
Chính sự bất ổn đó khiến ông thận trọng hơn trong công tác điều hành Goldman Sachs. Ngoài việc đánh giá lại các kế hoạch chi tiêu, công ty cũng hướng tới việc cắt giảm tuyển dụng, giảm chi phí dịch vụ chuyên môn và thiết kế lại các tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên hàng năm, theo Giám đốc tài chính Denis Coleman.
“Tôi dự báo các thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới trong môi trường mang nhiều tính chất bất ổn định. Vì thế, chúng tôi sẽ nỗ lực quản lý nguồn lực một cách cẩn trọng nhất”, Solomon chia sẻ.