Từ 15h ngày 21/7, mỗi lít xăng giảm 2.710 - 3.600 đồng, đưa mặt hàng này về sát 26.000 đồng với RON 95-III và E5 RON 92 sát 25.000 đồng một lít. Lần này, giá xăng có mức điều chỉnh trong kỳ điều hành mạnh nhất từ tháng 4/2020, đưa giá về ngang với hồi tháng 2 năm nay.
Giá giảm sâu nhờ bình quân giá thành phẩm trên thị trường thế giới hạ gần 13-15% trong 10 ngày qua, và thuế bảo vệ môi trường giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng, 500-700 đồng với dầu.
Tuy vậy, ở kỳ điều hành này, xăng RON 95-III giảm 12%, E5 RON 92 hạ 10% so với cách đây 10 ngày, nhưng mức này vẫn thấp hơn đà giảm của thế giới (13-15%).
Trong khi đó, nhà điều hành vẫn duy trì mức trích lập vào Quỹ bình ổn như cách đây 10 ngày là 950 đồng một lít với E5 RON 92, RON 95-III và dầu mazut; dầu diesel là 550 đồng. Đây là lần thứ hai liên tiếp cơ quan quản lý duy trì mức trích lập vào quỹ mạnh tay như vậy.
Theo tính toán, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu không phải trích lập gần 1.000 đồng mỗi lít xăng vào quỹ, giá xăng RON 95-III đã có thể hạ hơn 4.500 đồng. Tương tự, E5 RON 92 đã có thể giảm khoảng 3.600 đồng một lít; dầu diesel gần 2.300 đồng.
Thực tế, giá xăng dầu hiện vẫn cao hơn 1.900-2.100 đồng so với hồi tháng 1. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn, giúp họ ổn định đời sống, phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Chẳng hạn lĩnh vực vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% cơ cấu giá thành (tuỳ loại hình vận tải), nên giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động cầm chừng.
Giải thích việc duy trì mức trích cao vào quỹ, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, số dư quỹ bình ổn đang rất thấp. Vì thế, ngay khi giá giảm, việc trích lập được thực hiện ở mức cao để tạo nguồn cho quỹ khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến đầu tháng 7, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu khoảng 223 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, hay PV Oil có mức âm quỹ lớn, lần lượt âm hơn 140 tỷ và 1.000 tỷ đồng (trước ngày 1/7). Hiện Quỹ bình ổn tại Petrolimex đã dương trở lại, khoảng 53 tỷ đồng.
Việc phải trích lập ở mức cao vào quỹ khiến giá xăng không giảm sâu hơn theo đà giảm thế giới cũng đặt ra tính hợp lý về sự tồn tại của Quỹ bình ổn xăng dầu.
Bản chất của quỹ này là khoản thu trước 300 đồng của người dân khi mua mỗi lít xăng dầu, để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Quỹ này được lập tại doanh nghiệp và việc trích lập thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
Thương nhân đầu mối kinh doanh có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai và quản lý quỹ này. Tức là, họ đóng vai trò "thu hộ, giữ hộ", cơ quan điều hành sẽ điều tiết mức chi - trích quỹ để bình ổn giá xăng dầu, tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính - một trong hai cơ quan cùng điều hành mặt hàng xăng dầu, đang lấy ý kiến sửa Luật giá, trong đó đề cập bỏ quỹ bình ổn để giá mặt hàng này vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Thực tế, việc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu đã được giới chuyên gia đề cập từ lâu, bởi cho rằng việc sử dụng quỹ này mang tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong các đề xuất trước đây cho rằng, nếu bỏ Quỹ bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp và giá trong nước diễn biến theo xu hướng thế giới.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thời gian qua quỹ bình ổn đã thể hiện khá tốt vai trò điều tiết, bình ổn giá nhưng hiện đã tới thời điểm để mặt hàng này được vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Về phía nhà điều hành, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải từng nhiều lần khẳng định, hiện Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước việc tăng giá đột ngột.
Theo ông Hải, Việt Nam có lạm phát tâm lý, nên khi xăng dầu tăng giá sẽ kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo, người dân bị ảnh hưởng. Lúc này, Quỹ bình ổn xăng dầu như "hồ điều hoà, khi no để dành, khi đói bỏ ra dùng, nên có giá trị rất nhiều".
"Nếu bàn đến bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp thay thế để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp. Nếu bỏ quỹ, giá xăng dầu có thể tăng sốc, giật cục. Lúc đó làm thế nào?", ông Hải đặt vấn đề.
Do đó, việc bỏ hay không quỹ này, lãnh đạo cơ quan quản lý cho rằng, sẽ cần tính toán, cân nhắc cẩn trọng.
Anh Minh