Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước chia sẻ thông tin tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh: HÀ QUÂN
Thông tin này được đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) cho biết tại Hội nghị giới thiệu Sổ tay sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngày 22-7.
Ông Nguyễn Như Tuấn, phó trưởng phòng thông tin và tuyên truyền Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay việc đưa người Việt Nam đi nước ngoài góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là tại khu vực nông thôn.
Theo ông Tuấn, trên 350.000 lượt người lao động tới Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng (từ năm 1992), thu nhập 1.200 - 1.400 USD. Bên cạnh đó, từ năm 1992 đến nay, có trên 120.000 lượt lao động sang Hàn Quốc làm việc (hiện 90% lao động đang làm việc theo chương trình EPS), thu nhập cao, trung bình 1.400 - 1.800 USD. Như vậy, thu nhập của Hàn Quốc đang hấp dẫn hơn ở Nhật Bản.
"Với xu hướng già hóa dân số của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nhu cầu lao động nước ngoài bù đắp lao động ở nước sở tại rất lớn. Vài năm tới, các thị trường này vẫn thu hút lao động nước ngoài, nhất là lao động Việt Nam", ông Tuấn nhận định.
Theo ông Đặng Sĩ Dũng - cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư xây dựng cuốn Sổ tay sức khỏe thân thiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trước mắt là Nhật Bản (tải bản tham khảo tại đây) và Hàn Quốc (tham khảo tại đây).
"Nội dung cuốn sổ tay sẽ cung cấp thông tin cần thiết, cô đọng nhất về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Cuốn sổ tay sẽ được phát cho người lao động trước khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài", ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp có những hình thức truyền tải, phương thức phát hành cuốn sổ tay hiệu quả, gần gũi tới người lao động.
Nội dung ngắn gọn, bắt mắt của cuốn sổ tay sức khỏe - Ảnh chụp màn hình: HÀ QUÂN
Đánh giá sổ tay trên, một số doanh nghiệp đưa ý kiến rằng các đối tượng lao động như thuyền viên tàu cá, giúp việc gia đình cần có nội dung đặc thù riêng; thay vì in ra cẩm nang thì cần đẩy mạnh bản PDF, live handbook…
Sắp tới, Sổ tay sức khỏe thân thiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được cập nhật theo hướng trình bày song ngữ, video minh họa hệ thống chăm sóc sức khỏe, trình bày bằng các câu hỏi và câu trả lời ngắn, hình ảnh bắt mắt, phát hành theo bản live handbook.
Năm 2019, hơn 147.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những điểm đến được lựa chọn nhiều nhất.
Nhật Bản đã nâng mức giới hạn số người được phép nhập cảnh nước này lên 20.000 người/ngày từ ngày 1/6, và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho việc tăng cường tuyển lao động nước ngoài thời hậu COVID-19.
Xem thêm: mth.13250253122702202-nab-tahn-iat-noh-oac-couq-nah-iat-ceiv-mal-pahn-uht/nv.ertiout