Chiếc bình tông khắc tên liệt sĩ ở Vị Xuyên, Hà Giang - Ảnh: VŨ TUẤN
Lớp lớp người con đất Việt đã ngã xuống vì Tổ quốc chưa tìm lại được tên tuổi. Ở những chiến trường khốc liệt như Vị Xuyên, Quảng Trị hay bên các nước bạn Lào, Campuchia... đưa các anh về đất mẹ đã khó, tìm lại tên để người đời sau mãi ghi nhớ các anh còn khó gấp trăm lần!
Vị Xuyên - Hà Giang được xem là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Bom mìn, đạn pháo cày xới. Lính Vị Xuyên "sống bám đánh giặc, chết hóa đá thành bất tử"... vẫn còn hàng nghìn người nằm lại với đá núi biên thùy và hàng nghìn người chưa tìm lại được tên.
Lúc ấy, chúng tôi cứ ôm súng lao lên... Chiến hào chật, người này ngã xuống, người kia cầm súng tiến công.
NGUYỄN VĂN HẠNH
Những chiếc bình tông đầy vết đạn
Doanh trại Đội quy tập liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang nằm giữa vùng chiến trường ác liệt nhất ở Vị Xuyên năm xưa, nhìn sang điểm cao 468 (nay đã thành đài hương tưởng niệm), điểm cao 772, đỉnh Lão Sơn 1508...
Căn phòng đầu tiên ngan ngát mùi hương, 9 chiếc quách phủ cờ Tổ quốc xếp hàng ngay ngắn như tiểu đội lúc duyệt binh. Đội phó Hoàng Vũ Dũng nghiêm trang đưa chúng tôi tới thắp hương cho các anh trước khi vào doanh trại.
9 liệt sĩ chưa biết tên các anh mới tìm được trong một khe đá ở điểm cao 772. Họ sẽ được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên trước ngày "Giỗ trận" (12-7). Phía bên kia sườn núi đồng đội các anh vẫn nằm lại với đá núi biên cương, lẫn trong mảnh pháo, vỏ đạn và cả những quả lựu đạn, quả mìn chưa nổ.
"Chúng tôi tìm thấy các anh trong khe đá - Trợ lý chính sách Hoàng Đức Hiệp rưng rưng - Năm trước các bác cựu chiến binh đến thắp hương rồi vẽ lại sơ đồ. Công binh phá mìn trước, mở đường để chúng tôi đến tìm".
Khe đá nơi các anh nằm lại là đường tiến công lên điểm cao 772. Thành viên của đội quy tập "bóc" một lượt xẻng, tìm thấy giày, xẻng công binh, hộp tiếp đạn nhưng rất ít quần áo.
"Có thể quần áo đã mục nát, nhưng nghe đồng đội các anh kể lại thì họ chỉ đi giày và mặc độc cái quần cộc, mang theo nắm cơm, bình tông nước và ôm súng tiến công", Đức Hiệp vừa kể vừa khẽ khàng mở cánh cửa tủ kính góc phòng. Anh lấy hai chiếc bình tông chi chít vết đạn. Một chiếc khắc chữ ký chủ nhân.
"Anh em trưng bày chiếc bình này để mong có người nhà nhận ra chữ ký của người thân mình. Các anh ấy nằm cùng một chiến hào, cứ nằm sương gió như thế từ ngày hy sinh, chẳng có một cái tăng, có anh lộ thiên, có anh "được" đạn pháo cày, lấp cho nắm đất. Việc xác định ADN để tìm người thân rất khó vì thời gian, lại không được chôn cất...", giọng anh đội phó xúc động.
Lấy xương cốt xét nghiệm ADN cho liệt sĩ - Ảnh: VŨ TUẤN
Chiếc chứng minh thư dưới chiến hào
Đức Hiệp nhẹ nhàng khép cánh cửa tủ kính như sợ anh linh của 9 người lính nằm bên tỉnh giấc. Ở ngăn tủ kín hơn, là những mẫu vật được bọc kín trong những chiếc túi nilông nhỏ. Mỗi túi có đánh số, ghi ngày tháng cẩn thận. Trong túi là những mảnh xương, hay những chiếc răng.
Mỗi túi cũng là những hy vọng cuối cùng để biết được tên người lính đã hy sinh. Bên cạnh những chiếc túi còn một chiếc chứng minh thư. Thời gian và mưa gió biên thùy đã làm mờ không đọc nổi chữ. Anh em trong đội nâng niu những kỷ vật này, hy vọng ai đó nhận ra người thân.
Năm trước, anh em trong đội theo sơ đồ một cựu binh vẽ lại ở điểm Nậm Ngặt. Họ tìm thấy xẻng, hộp tiếp đạn, bao xe. Đào thêm vài lượt xẻng thì tìm được đôi giày vải đã mục, đế cao su còn tốt.
"Anh đây rồi!", anh em trong đội rưng rưng thắp thêm bó hương. Bộ hài cốt không nguyên vẹn, chiếc bình tông vừa bị thủng vì đạn vừa thêm vài vết rách nghi do mảnh pháo.
Trên bình khắc tên "Đức Thịnh - A3" còn rõ. "Vết khắc xiêu vẹo, chứ không nắn nót như bình thường - Đức Hiệp tả - Anh em chúng tôi đoán anh ấy khắc bằng lưỡi lê AK". Trong túi ngực chiếc áo còn cả chứng minh thư nữa. Giấy chứng minh ấy vẫn trưng bày ở trong tủ kính. Chữ đã mờ nhưng vẫn đọc được: "Nguyễn Văn Hanh (hoặc Hạnh), quê quán: Châu Giang - Hải Hưng".
Chiếc bình tông và chứng minh thư cùng tên ấy là những di vật hiếm hoi mà anh em tìm được hài cốt lại tìm được cả thông tin. Đội làm lễ rồi trân trọng đưa anh về trong lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Thế nhưng tra lại thông tin chẳng có ai tên Hanh hay Hạnh ở đơn vị ấy, hy sinh ngày ấy cả. Cựu binh vẽ lại sơ đồ cũng lắc đầu khó hiểu.
Bẵng đi một thời gian, cũng trong những ngày mưa tầm tã tháng 7, một cựu binh ở Hưng Yên gọi điện thoại vào số máy của đội, giọng run run nhận ông chính là chủ nhân của cái chứng minh nhân dân ấy.
Đơn vị của ông bám chốt trong một căn hầm ở Nậm Ngặt, chuẩn bị tiến công cao điểm 772. Những ngày trên chốt, quần áo thấm đẫm mồ hôi, bùn đất, thuốc súng và cả máu đồng đội. Đồng đội cùng chốt đa số chỉ mặc quần cộc vì trong hầm nóng như lò thiêu. Họ cũng mặc chung quần áo, dùng chung đồ.
Còn hàng nghìn liệt sĩ ở chiến trường Vị Xuyên chưa xác định được thông tin - Ảnh: VŨ TUẤN
Ngày nhận lệnh tiến công, đồng đội mặc áo của ông, đeo luôn cả bình tông nước. Sau trận ấy ông Hạnh bị thương, được đồng đội đưa về tuyến sau. Hơn 30 năm sau, anh em đồng đội gọi điện cho ông để xác minh thông tin liệt sĩ và chính là ông.
Giọng người cựu binh nghẹn ngào: "Lúc ấy, chúng tôi cứ ôm súng lao lên. Tôi không biết ai mặc chiếc áo của tôi vì đông quá. Chiến hào chật, người này ngã xuống, người kia cầm súng tiến công...".
Cả đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên chưa tới chục người, nhiều người đã gắn bó với đội cả chục năm. Công việc của họ gắn liền với một trong những chiến trường khốc liệt nhất lịch sử. Vị Xuyên được gọi là "Lò vôi thế kỷ", nơi có những "Đồi thịt băm", "Thung lũng gọi hồn"...
Chỉ trong 5 năm, đối phương đã nã vào Vị Xuyên hơn 1,8 triệu quả đại bác. Có những đỉnh núi bị đạn pháo "cạo" thấp đi 3m.
Đức Hiệp thốt lên: "Không loại máy móc nào hoạt động được ở vùng này đâu! Máy dò kim loại, siêu âm... chỉ bật lên là nó hú ầm ĩ! Xung quanh toàn mảnh đạn lẫn với đất đá, chúng tôi đi tìm hoàn toàn bằng thủ công". Đức Hiệp chỉ cho chúng tôi cách đi bộ ở Vị Xuyên là "giẫm lên vết chân nhau mà đi".
Công binh đi trước, rà mìn, gỡ bom. Khi báo địa bàn "sạch" thì Đội quy tập đi theo, vẫn kiểm tra bom mìn thêm lần nữa. Họ tìm được di vật nhiều hơn di cốt. Bền nhất là chiếc thắt lưng rồi đến chiếc bình tông bằng nhôm. Rồi xẻng công binh, hộp tiếp đạn, những chiếc bát sắt Tây, bút máy...
Thiếu tá Trần Thành Dương - thành viên "lão thành" của đội - nhắc lại chuyến đầu tiên anh về đội. Khi ấy, đội mới thành lập, họ theo đường mòn công binh lên điểm cao 685.
"Lúc đó anh em ai cũng nghĩ sẽ tìm được các bác ấy toàn vẹn. Nhưng ở vị trí đó, cả một cái hang đá bị pháo bắn sập, đè xuống, chẳng cái gì còn nguyên vẹn cả", anh Dương nghẹn ngào.
Cả đội, cả những cựu binh dẫn đường cẩn thận dỡ từng tảng đá. Đến khi tìm được hài cốt lẫn trong đá, ai cũng khóc.
"Cảm giác ấy vỡ òa nhưng không phải vì vui mừng. Tìm thấy các bác ấy mà xương cốt vỡ vụn cả. Khi các bác cựu chiến binh cung cấp được thông tin, mình tận tâm tận lực, dù chỉ là những mảnh hài cốt nhỏ cũng muốn đưa các anh về với người thân, với đồng đội. Chúng tôi cũng mong tìm lại được tên tuổi, đơn vị, người thân để thế hệ sau này mãi nhớ đến những người đã ngã xuống vì Tổ quốc", anh Dương xúc động trải lòng.
************
"Nếu các anh được chiến sĩ ta chôn cất, thì bao giờ đầu cũng quay về dãy Trường Sơn quê hương mình".
>> Kỳ tới: Đưa các anh về đất mẹ
TTO - Vị Xuyên - chiến địa được những người lính vệ quốc 30 năm trước gọi là 'lò vôi thế kỷ' với hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt - Trung giờ đang được đồng đội dốc lòng dốc sức quy tập.