Nằm sâu trong khu rừng rậm rạp ở miền nam Ecuador, chiếc hố tử thần bất ngờ xuất hiện ở Zaruma - thị trấn thường bị mây mù bao phủ - trong một đêm hồi năm ngoái. Đầu tiên, đây chỉ là một chiếc hố nhỏ. Nó lớn dần trong suốt một tiếng buổi tối hôm đó rồi nuốt chửng những con đường đá cuội to lớn ở trung tâm thị trấn.
Sự hoảng loạn bao trùm các cư dân Zaruma. Họ vội vã rời khỏi những ngôi nhà, vốn là những công trình kiến trúc bề thế có lịch sử từ đầu thế kỷ 19, để tìm tới nơi an toàn. Những lời xì xào bàn tán nhanh chóng đến tai Gladis Gomez.
Khi Gomez đang đi qua thị trấn cùng con gái, điện thoại cô vang lên. Giọng nói đầy hốt hoảng ở đầu dây bên kia khiến Gomez bất an. Cô được thông báo rằng căn nhà của mình đang gặp nguy hiểm. Nhà của cha cô cũng trong hoàn cảnh tương tự vì nằm cạnh nhà cô. Nhấn ga chiếc xe SUV, cô băng qua những con đường gồ ghề của Zaruma để về nhà nhanh nhất có thể.
Khi về đến nơi, Gomez nhìn thấy một người hàng xóm bế cha mình rời khỏi ngôi nhà đang tụt dần xuống hố tử thần. Cả 3 người bọn họ phải tạt vào một khu chợ nhỏ dưới phố để trú ẩn, chẳng thể làm gì ngoài sững sờ nhìn ngôi nhà chao đảo trước khi bị chiếc hố nuốt chửng. Đó là cảnh tượng thực sự khủng khiếp với Gomez và cô đã ngất xỉu.
Chiếc hố tử thần, với chiều ngang khoảng 30m và chiều sâu 40m cũng nuốt thêm 2 ngôi nhà khác ngoài ngôi nhà của bố Gomez vào đêm đó. Rất nhiều công trình nằm gần miệng hố, bao gồm cả nhà của người mẹ ngoài 30 tuổi, quá nguy hiểm để ở.
Thảm họa đêm đó là sản phẩm của một hoạt động duy nhất: Khai thác vàng. Zaruma thực sự là một thị trấn được xây dựng trên núi vàng, theo đúng nghĩa đen. Quặng vàng dưới lòng đất là loại tốt nhất thế giới. Trong hơn 1.000 năm qua, người ta đã đào bới ở đây để tìm kiếm thứ kim loại quý này. Có những đường hầm chi chít phía dưới thị trấn mà cả những kỹ sư hàng đầu của đất nước cũng chẳng biết chúng sẽ dẫn đi đâu.
Tuy nhiên, những gì mà người dân ở thị trấn này biết là kể từ khi giá vàng tăng vọt hồi đầu thế kỷ này, hoạt động khai thác bất hợp pháp đã bùng nổ. Những đường hầm chằng chịt dưới lòng đất khiến cảm giác bấp bênh trở nên rõ rệt hơn với những người sống ở thị trấn.
Những kẻ phá phách (mô tả những người khai thác vàng bất hợp pháp) đào bất cứ nơi nào họ có thể mà chẳng cần quan tâm tới sự ổn định của nền đất. Người ta đào ngay cả khi phía trên là trường học hay bệnh viện. Những vấn đề vì thế cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Ivan Nunez, kỹ sư hàng đầu của Ecuador – người được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch để chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp ở Zaruma, chia sẻ đôi khi anh cảm thấy bất lực với những gì xảy ra. Hoạt động khai thác phi pháp nằm ngoài tầm kiểm soát. Ở nhiều quốc gia khác, những lời than thở tương tự cũng xuất hiện.
Không chỉ là vàng, các mỏ bất hợp pháp mọc lên nhan nhản nhằm khai thác các kim loại như đồng, coban, bạc, vonfram…. Cú tăng giá của những kim loại này càng khiến cho tình trạng khái thác phi pháp trở nên tồi tệ, nhất là khi nguồn tiền rẻ từ các gói kích thích thời đại dịch khiến mọi thứ tăng phi mã.
Ở thời điểm hiện tại, những quốc gia giàu có về khoáng sản nhưng tội phạm hoành hành cũng chính là điểm nóng của các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp. Zaruma không phải ngoại lệ. Ở đây, các nhóm băng đảng có liên kết với giới tội phạm ở Mexico đang kiểm soát những khu mỏ. Nhà chức trách cũng đã bắt đầu để mắt tới khu vực này.
Hồi tháng 4, Interpol cảnh báo về sự gia tăng các hoạt động khai thác bất hợp pháp. 6 năm trước, người ta ước tính ngành công nghiệp này có trị giá khoảng 48 tỷ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị của nó có lẽ đã cao hơn rất nhiều khi giá vàng tăng vọt và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các băng đảng, đặc biệt là ở Mỹ Latin, khiến việc vơ vét tài nguyên được đẩy mạnh.
Gaston Schulmeister, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm của Mỹ, mô tả những gì đang xảy ra là "cơn bão hoàn hảo" khiến tình trạng khai khoáng lậu gia tăng. Tồi tệ hơn, nó tỷ lệ thuận với sự gia tăng hoạt động của tội phạm có tổ chức khác như buôn ma túy, buôn lậu và tham nhũng.
Đáng buồn, phần lớn sản phẩm của quá trình đầy tội ác này lại được đưa vào chuối cung ứng toàn cầu và sản phẩm cuối nằm trong điện thoại thông minh, tivi hay máy tính xách tay…. Ở những nơi như Zaruma, các hoạt động phi pháp diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà chỉ gặp phải rất ít sự can thiệp của chính phủ.
Trong khi đó, những người chế biến vàng mua quặng từ những kẻ khai thác bất hợp pháp, trộn chúng với quặng hợp pháp để tẩy trắng. Cuối cùng, vàng thành phẩm được chuyển ra nước ngoài và góp mặt trong mọi lĩnh vực cần tới chúng mà chẳng ai bận tâm tới nguồn gốc thực sự.
Thông thường, quặng ở các mỏ chỉ chướng một lượng vàng rất nhỏ, khoảng 3-5 gram/tấn đất đá. Đây là con số điển hình ở các mỏ thương mại. Với 8 gram vàng/tấn đất đá, mỏ được liệt vào hàng cao cấp. Còn với hơn 30 gram vàng/tấn, đây thực sự là món hời. Riêng ở Zaruma, tỷ lệ vàng lên tới 180 gram/tấn đất đá. Một số mạch nhỏ, tỷ lệ vàng lên tới 500 gram/tấn đất đá.
Các nhà địa chất cho biết, lớp trầm tích chưa đầy vàng này được sinh ra cùng với thời điểm mà dãy Andes cao lên, tức khoảng 20 triệu năm trước. Khi hoạt động địa chất diễn ra mạnh mẽ, núi lửa phun trào, đẩy lượng lớn vàng ẩn sâu trong lòng đất lên bề mặt. Chính vì thế, vàng ở đây không chỉ là dạng cám mà có thể là cả những viên lớn.
Các nhà sử học tin rằng từ 1.500 năm trước, các bộ lạc ở đây đã nhận ra sự hiện diện của vàng và khai thác chúng từ các lòng sông hoặc suối. Năm 1480, khi người Inca tràn vào thôn tính các bộ lạc nhỏ, họ bắt các nô lệ tìm vàng cho mình. Vài thập kỷ sau, khi người Tây Ban Nha xuất hiện, vàng tiếp tục bị khai thác và đưa về mẫu quốc. Khi người Tây Ban Nha bị lật đổ vào đầu thế kỷ 19, một loạt các liên doanh tiến vào khai thác. Trong những thập kỷ đó, khoảng 300 tấn vàng đã bị kéo ra khỏi lòng đất ở Zaruma.
Có một luật bất thành văn rằng tất cả nền đất dưới Zaruma đều là vùng đất cấm, không được khai thác. Tới năm 1990, pháp luật chính thức quy định điều này. Nó giúp những túi quặng lớn phía dưới lòng đất chưa bị động tới. Tuy nhiên, đây chính xác là mục tiêu của những kẻ đào vàng phi pháp, hoạt động dưới sự bảo kê của các băng đảng, nhắm tới.
Chính hoạt động này đã đẩy những người như Gomez vào nghịch cảnh. Những "hố tử thần" xuất hiện khắp nơi trong thị trấn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí, nó còn đe dọa trung tâm thị trấn, một di sản quốc gia của Ecuador đang được xin công nhận là Di sản thế giới.
Bản đồ hầm ngầm khai thác vàng phía dưới Zaruma.
Tổng thống Guillermo Lasso đã cử quân đội đến để ngăn những kẻ đào vàng lậu. Tuy nhiên, do sự phức tạp của hệ thống đường hầm, các biện pháp này không phát huy hiệu quả. Những người như Nunez được cử tới để đảm bảo các biện pháp ngăn chặn của nhà chức trách sẽ phát huy tác dụng.
Với kinh nghiệm sửa chữa đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư ở Ecuador, Nunez đề nghị khoan lỗ xuống thẳng các đường hầm ngầm và bơm bê tông vào đó. Nó không chỉ giúp ổn định nền đất mà còn ngăn chặn những kẻ đào vàng bất hợp pháp. Thử nghiệm ban đầu cho thấy những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa chính phủ với những tay đào vàng lậu có vẻ sẽ không sớm kết thúc, nhất là khi món lợi nó mang lại quá khổng lồ.
Tham khảo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1436489.htm